Gìn giữ nét đẹp Dân ca Nghệ Tĩnh - Giá trị văn hóa truyền thống của quê hương

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đang tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội, việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có "Dân ca Nghệ Tĩnh" có ý nghĩa sâu sắc để "hòa nhập không bị hòa tan".

z3835392705146-37c65773451769e892ca052c409fdf73-1666927169.jpg

Tinh hoa, linh hồn của dân tộc

Thực tế cho thấy, đa phần lớp trẻ ngày nay thích nghe và thích hát những bài hát nhạc trẻ, nhạc ngoại… hơn là thưởng thức những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, thậm chí không mấy mặn mà với các bài hát dân ca và còn có quan niệm rằng: nghe dân ca là không sành điệu, lỗi thời. Mặt khác sự xâm nhập tràn lan những dòng nhạc phong trào cộng với các dòng nhạc phục vụ nhu cầu lại là nhưng nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự quan tâm của học sinh đến dân ca Việt Nam. Ngay cả trong gia đình, các em cũng thường xuyên được nghe các bài hát của phong trào, của giải trí, do vậy các em còn thuộc các bài hát ấy nhanh hơn cả các bài học trên trường, trên lớp… trong khi đó, có những bài hát các em thích thì nội dung, giá trị cũng như tính nhân văn vẫn đang còn hạn chế.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều thống nhất rằng, dân ca Nghệ Tĩnh, cũng giống như nhiều loại hình dân ca khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nguồn gốc từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, do vậy đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Do việc tìm hiểu về dân ca Việt Nam mới chỉ manh nha cách đây khoảng hai thế kỷ, khi các nhà nho phong kiến bắt đầu quan tâm tới việc biên soạn kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca dân tộc vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, và việc nghiên cứu chúng còn diễn ra muộn hơn, nên việc chỉ cho được một cách chính xác thời gian ra đời của dân ca ví dặm là rất khó.

Qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau của các học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhạc sỹ… có thể thấy, đến thế kỷ XVII - XVIII hát ví dặm đã rất phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến trong cộng đồng cư dân Nghệ An và Hà Tĩnh, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Theo như nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, hát phường vải đã có từ cách đây mấy trăm năm, có sự tham gia của cả những người lao động lẫn các nho sỹ, thầy đồ. Từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, dân ca Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi và hình thành một số trung tâm có sự tham gia tích cực của các nhà nho, trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng văn Bá, Nguyễn Thức Canh, Lê Võ…

Dân ca Nghệ Tĩnh ra đời đã lâu nhưng chính xác từ lúc nào là điều khó xác định, chỉ biết rằng đây là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đã phát triển hơn hai trăm năm trước, bởi thuở ấy, Nguyễn Du từ Nghi Xuân đã vượt qua bao truông ải, đường bộ hiểm trở để vào Trường Lưu (Can Lộc) hát ví... Mấy thế kỷ qua, từ trong lao động, sản xuất mang tính phường hội và trong sinh hoạt hàng ngày, những người bình dân đã cất lên những câu ví, điệu hò theo kiểu ngẫu hứng, truyền miệng; chúng được tạo ra tự nhiên rồi lưu truyền và gắn bó với người dân quê xứ Nghệ từ đời này đến đời khác, như khí trời, như hạt lúa củ khoai... Trong lao động sản xuất, người dân xứ Nghệ dùng câu hát để quên đi vất vả, mệt nhọc, động viên tinh thần vượt qua những khó khăn, trở ngại để lao động hiệu quả, năng suất. Đó là những câu hò khi cưa gỗ, kéo lưới, treo núi, vượt đèo: “Hò .. ơ… hò Trèo non mới biết non cao/ Có xây cờ đọc lập mới biết công lao cụ Hồ/ Là dô … hò là hò dô hò”. Hay: “Hỡi người quần trắng áo thâm/ Dừng chân đứng lại ta đầm con đê/ Này là dô hò, là hò dô hò”....

Cứ thế, suốt cả mấy trăm năm dân ca Nghệ Tĩnh được nuôi dưỡng, phát triển cùng với xã hội và môi trường tinh khôi, nguyên sơ, chưa có sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai, pha tạp. Người dân xứ Nghệ bao đời nay tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Núi Hồng, Sông Lam, được tắm mình trong những câu hò, điệu ví mượt mà sâu lắng, thắm đượm tình người. Dân ca đã trở thành một bầu sữa nuôi lớn những tâm hồn của người dân xứ Nghệ. 

Cố nhà thơ Xuân Hoài - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh đã viết: “Trong kho tàng đồ sộ các di sản văn hóa đất Hồng Lam, dân ca Nghệ Tĩnh chiếm một vị trí quan trọng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân ca Nghệ Tĩnh đã tồn tại và gắn bó với người dân xứ Nghệ như máu thịt, trở thành nét đẹp của đời sống tinh thần đậm đà bản sắc một vùng quê. Có thể nói đối với xứ Nghệ, dân ca đã làm cho lịch sử thêm tươi xanh và ngược lại cuộc đấu tranh sinh tồn của quê hương đã làm giàu thêm chất liệu và sức sống lâu bền của dân ca, đặc biệt là sự phong phú đến kỳ lạ của ca từ”…

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay dân ca Nghệ Tĩnh vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền của mình, có sức hấp dẫn với con người trong xã hội hiện đại. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân ca Nghệ Tĩnh được cải biên thành những bài vè, đối ca, hoạt ca, trở thành công cụ hữu hiệu để cổ vũ, động viên tinh thần của bộ đội, dân quân và nhân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trong đời sống đương đại, dân ca Nghệ Tĩnh vẫn được các cộng đồng người dân Nghệ An và Hà Tĩnh nâng niu giữ gìn. Đây là loại hình sinh hoạt văn nghệ không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, không cần đến nhạc cụ, đạo cụ, trang phục phức tạp, có thể thực hành một cách cá nhân hoặc tập thể từ các nhóm nhỏ đến trình diễn trước đông đảo công chúng…, do vậy dễ tiếp nhận và phổ biến, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng những người Nghệ An và Hà Tĩnh ở mọi vùng đất nước. Người dân xứ Nghệ dùng câu hát để thể hiện tâm tình, mượn câu hát để nói lên những tâm tư, tình cảm còn chất chứa trong lòng mà lời nói đôi khi không làm được. Đó là lời chào trong những lần gặp gỡ, hội hè:

“Đến đây đông thật là đông

Chào bên nam thì mất lòng bên nữ

Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên

Cho tui chào chung một tiếng

Kẻo chào riêng bạn cười”

Là lời ướm hỏi, ngỏ lòng của những đôi trai gái muốn kết duyên chồng vợ:

“Thiếp gặp chàng như Lan gặp chậu

Chàng gặp thiếp như Hạc đậu lưng quy

Dặn chàng hai chữ như ri:

Nơi mô giàu sang chớ mộ, dẫu có lâm nguy thiếp vẫn chờ”

Hay là những lời dạy khuyên ý nghĩa từ tấm lòng của những bậc sinh thành mong muốn con cái mình trưởng thành khôn lớn:

“Phụ tử tình thâm công thầy rồi nghĩa mẹ

Đừng có tiếng tăm chi nặng lời

Đừng cả tiếng dài hơi

Nói mẹ cha sao nên mà cãi mẹ thầy sao phải

À ơ… Đêm nằm mà nghĩ lại, nghĩ đến cội thung uyên

Công cù lao ai đền mà nghĩa sinh thành ngày trước

Khi lưng cơm rồi bát nước, ước phụ tử tình thâm

Thầy đói rách nợ nần, mẹ đói rách nợ nần cũng vì con thơ ấu

Dừ phụ trải trắc mậu, rồi trắc trải vô thân

Con ở có thủy, có chung

Đứa phụ từ tử hiếu (mà) đứa phụ từ tử (ơ) hiếu”...

5-ha-tinh-gin-giu-1666855628-1-1666927216.jfif
Một tiết học âm nhạc tìm hiểu làn điệu dân ca xứ Nghệ

Những câu hát gần gũi mà quen thuộc như thế đã lưu truyền trong dân gian từ địa phương này sang địa phương khác, truyền tụng từ đời này sang đời khác và trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần, một tài sản vô giá của miền quê xứ Nghệ.

Trong bối cảnh hiện tại, dân ca Nghệ Tĩnh (cũng giống với dân ca nhiều vùng miền khác, như: Quan họ, Chèo, Cải lương, Ca trù, Tuồng, Xẩm, hát Xoan, hát Ghẹo) đang đứng trước nhiều thử thách quyết liệt. Cho đến nay, nói chung thì dân ca vẫn “sống” nhưng chủ yếu là “sống” trong không gian hạn chế, có tính “tổ chức”, như các chương trình hội thi, biểu diễn nghệ thuật hay một số hoạt động khác (câu lạc bộ, lễ hội) và “kí sinh” vào một số tác phẩm có yếu tố“mượn lời”, cải biên hay sân khấu hoá mà không có được sự tồn tại với tư cách là một sinh hoạt văn hóa tinh thần tự nhiên, nguyên sơ trong dân gian như những ngày xưa; nó cũng không được tiếp nhận một cách thật mặn mà, hồ hởi của thế hệ trẻ thời nay khi tâm lý, thị hiếu của họ đã khác trước; dòng nhạc dân gian đang bị lấn át bởi những dòng nhạc hiện đại có độ hot cao hơn. Thời kỳ huy hoàng của dân ca thuộc về quá khứ. Đó là một thực tế. Vấn đề là chúng ta tiếp nhận cái mới, cái hiện đại và ứng xử với cái cũ, cái truyền thống như thế nào để đảm bảo mục tiêu: xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt của địa phương

Với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng như việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm đưa dân ca vào các nhà trường, đã vận động, tổ chức sưu tầm các bài hát, hò vè… xứ Nghệ hay tổ chức dạy hát dân ca Nghệ Tĩnh trên truyền hình, đưa biểu diễn dân ca Nghệ Tĩnh vào một phần thi của chương trình “Rạng rỡ Hồng Lam”, tổ chức Hội thi tiếng hát dân ca,… đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào giảng dạy chính khóa hay ngoại khóa trong các giờ Âm nhạc hay bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh thì lại rất ít, thậm chí một số nơi sưu tầm và giới thiệu dân ca của các vùng miền khác để dạy cho học sinh mà chưa cho học sinh học hát hay tìm hiểu những làn điệu dân ca xứ Nghệ quê hương.

Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện dạy học dân ca rất hạn chế, nguyên nhân là điều kiện dạy học môn dân ca ở các trường còn thiếu và yếu, khâu tổ chức chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Giáo viên dạy môn Âm nhạc trong quá trình dạy học sinh học hát mới chỉ dừng lại ở mức độ hát thuộc lời ca mà chưa hiểu được nội dung, ý nghĩa hay xuất xứ của các làn điệu, bài hát dân ca đó ra sao.Vì thế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa mang lại sự thích thú trong quá trình tìm hiểu và học hát của các em.

Để đưa dân ca Nghệ Tĩnh trong trường học có hiệu quả góp phần vào hoạt động giáo dục toàn diện, nhà trường cần tổ chức các đợt chuyên đề, tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc về dân ca Nghệ Tĩnh để họ có thể truyền lại cho các em học sinh trong quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động Âm nhạc ngoại khóa trong nhà trường.

Không chỉ là dạy hát, học hát, chúng ta cần đa dạng hóa các hoạt động để các em được tìm hiểu nhiều hơn về dân ca Nghệ Tĩnh như: tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, phát thanh măng non, mời nghệ nhân về nói chuyện, tổ chức hội thi Tiếng hát dân ca trong đó khuyến khích các tiết mục dân ca Nghệ Tĩnh .... với mục đích đưa dân ca Nghệ Tĩnh đến gần hơn với các em.

Các nội dung dạy học hát cũng như tìm hiểu trên sẽ được đưa vào chương trình bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh vào chiều thứ 6, dạy trong phần Âm nhạc địa phương hoặc có thể trong phần các bài hát bổ sung thay thế.

Tổ chức cuộc vận động sưu tầm các làn điệu, bài hát trong kho tàng ca dao dân ca xứ Nghệ hay cuộc thi viết lời mới cho các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh trong học sinh để các em thêm hiểu biết và yêu mến dân ca của quê hương mình.

Cần có sự vào cuộc và sự nỗ lực thực sự của các cấp ngành, nhà trường và toàn xã hội để các làn điệu, bài hát trong kho tàng ca dao, dân ca Nghệ Tĩnh luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày của lớp trẻ hôm nay và mai sau, được lưu giữ và phát huy cùng với nền văn hóa dân tộc.

Hoàng Thị Bích Hảo

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gin-giu-net-dep-dan-ca-nghe-tinh-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-que-huong-a23703.html