"Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ VI- Thái Nguyên 2014

Đây là lần thứ 6, chương trình du lịch “Qua những miền Di sản Việt Bắc” được tổ chức tại Thái Nguyên theo hình thức luân phiên thường niên tổ chức của các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang.

Có thể nói từ lần thứ I đến lần thứ VI này, các tỉnh tham gia chương trình đều đưa ra mục tiêu hết sức cụ thể, với mong muốn quảng bá sâu rộng hơn nữa hình ảnh đất nước con người 6 tỉnh Việt Bắc để du khách cả nước, cũng như quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến những địa danh vốn đã đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam. Các địa danh đó không chỉ là những căn cứ lịch sử của cách mạng Việt Nam mà còn là sự hùng vĩ với vẻ đẹp bất tận của núi rừng Việt Bắc, sự giàu có về tài nguyên du lịch của núi rừng trùng điệp và những khoảnh khắc đời thường độc đáo bản địa của người dân địa phương...

Nếu những lần tổ chức trước, Ban Tổ chức chú trọng đến công tác quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù, thì lần này tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm sâu sắc đến giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo với sự kết nối của các điểm đến độc đáo, giàu bản sắc mà không phải địa phương nào trên đất nước ta cũng có được. Mở đầu cho một chuỗi sự kiện qui mô, hoành tráng trong Chương trình du lịch “Qua những vùng di sản Việt Bắc” lần thứ VI tổ chức tại thành phố Thái Nguyên từ  ngày 15/10/2014 cho đến hết ngày 20/11/2014 là chuyến khảo sát các khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt như: ATK Định Hóa thuộc địa phận các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn trên 5.200km2. Đây cũng là địa bàn giáp danh giữa các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn, là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), với 13 di tích tiêu biểu đã được xếp hạng.

Tiếp đến an toàn khu (ATK) Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn), gồm: 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu…

Tham quan, trải nghiệm tại Hồ Núi Cốc, nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 16km về phía Tây, được tạo nên sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng trong các năm 1973 đến 1982. Hồ có độ sâu 35m diện tích mặt hồ rộng 25km2, với hơn 89 hòn đảo lớn nhỏ: đảo rừng xanh, đảo cư trú của những đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê; đảo núi Cái nơi trưng bày các cổ vật từ ngàn xưa để lại và đảo Đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn cùng huyền thoại Hồ Núi Cốc, cũng như  vùng chè đặc sản nổi tiếng Tân Cương,  cách trung tâm T.P Thái Nguyên gần 10km về phía Tây, với  3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, có diện tích chè trên 1.300ha. Nơi đây không những nổi tiếng vì có sản phẩm chè ngon mà còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, sông và rất gần khu du lịch Hồ Núi Cốc, hằng năm có khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan vùng chè đặc sản này.

Chương trình còn đưa du khách tới khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, gồm 30 ngôi nhà sàn dân tộc Tày, Nùng nguyên bản từ An toàn khu (ATK) Định Hóa, có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ, được phục dựng trong không gian quy hoạch hơn 70ha xanh tươi bởi núi đồi và cỏ cây. Bảo tồn sống hiện vật và văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng vùng ATK Định Hóa. Một điểm văn hóa du lịch cực kỳ hấp dẫn không phải chỉ đối với người Việt Nam mà còn được du khách nước ngoài quan tâm đó là Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ hình ảnh, hiện vật, đời sống của 54 dân tộc nước Việt.

Sau 2 ngày du khảo, đoàn công tác sẽ tham gia Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc” tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, vào sáng 17/10. Hội thảo là dịp để các tỉnh, thành, các đơn vị, những nhà hoạch định bàn luận những vấn đề liên quan đến việc kết nối hoạt động du lịch của địa phương 6 tỉnh Việt Bắc với các địa phương trong cả nước, làm cho du lịch Việt Bắc phong phú, hiệu quả hơn.

Trong khuôn khổ chương trình, Triển lãm ảnh Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI, với 250-270 ảnh trưng bày triển lãm của các tỉnh Thái Nguyên Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang sẽ làm phong phú thêm trong nhận thức với mọi người về đất nước, con người 6 tỉnh Việt Bắc.

Và Hội chợ triển lãm Du lịch, Văn hóa ẩm thực và Thương mại Thái Nguyên năm 2014, với chủ đề: “Liên kết hợp tác phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc”, có khoảng 180 đến 200 gian hàng, sẽ là điểm nhấn sinh động về tiềm năng, bản sắc và khả năng kết nối du lịch trong toàn vùng. Đặc biệt tại hội chợ này, sẽ có nhiều điểm chế biến, bán hàng trực tiếp giúp du khách có những trải nghiệm thú vị về mảnh đất và con người, lịch sử, văn hóa, sản phẩm du lịch, các dịch vụ; các chương trình tour, tuyến, khu, điểm du lịch, di sản văn hóa; các dự án kêu gọi đầu tư; chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của các tỉnh…

Cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc của các dân tộc của 6 tỉnh Việt Bắc đêm khai mạc và những ngày tiếp theo của các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp các tỉnh và các nghệ nhân với những tiết mục văn nghệ dân gian độc đáo,... trong khuôn khổ chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI – Thái Nguyên 2014 là các hoạt động thể thao với 5 môn thi đấu vừa mang màu sắc dân tộc bản địa, vừa hiện đại văn minh thể hiện sự vươn lên, hội nhập của các tỉnh Việt Bắc, đó là: Quần vợt, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co, sẽ làm cho hoạt động của toàn bộ chương trình hấp dẫn phong phú hơn..

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI – Thái Nguyên 2014 với quy mô hoành tráng, hoạt động đa dạng phong phú và hấp dẫn.., cho thấy sự quan tâm chu đáo của Đảng, Chính quyền địa phương và nhân dân các tỉnh Việt Bắc đối với sự kiện này và đặc biệt là những nhận thức đúng đắn của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên về hoạt động du lịch trong sự hòa quyện hữu cơ đa ngành giữa Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của một miền đất giàu tiềm năng, thế mạnh như Thái Nguyên. Đó cũng là động lực để Du lịch Thái Nguyên nói riêng, du lịch các tỉnh Việt Bắc nói chung, bứt phá lên để phát triển hòa cùng với sự phát triển chung của du lịch cả nước.

Theo Báo Du lịch

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/qua-nhung-mien-di-san-viet-bac-lan-thu-vi-thai-nguyen-2014-a237.html