Muôn vàn khó khăn ở nơi ở mới
Ngồi thò đầu qua cánh cửa sổ nhà sàn, anh Hà Văn Hiên, thôn Bố, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước mặt buồn rười rượi. Đã ổn định ở nơi ở mới song trong tâm trí anh Hiên vẫn còn nhớ như in những bất cập mỗi khi mưa lũ ập đến bản làng cũ. Anh Hiên kể: Cả gia đình ở trong ngôi nhà sàn rộng gần 100m2, dưới chân đồi. Mùa nắng ấm thì không sao hễ đến mùa mưa thì nước từ trên đồi đổ xuống con suối quanh nhà, người dân đành chịu bó gối. “Có lần mưa lớn, nước lũ đổ về giữa đêm, người dân trong thôn rồng rắn nhau chạy lũ. Chạy được người thì mất hết tài sản, sau lũ bà trong tay trắng trở về” - Anh Hiên nhớ lại.
Nơi ở cũ của gia đình anh Hiên thuộc vùng có nguy cơ sạt lở cao của xã Lũng Cao, bởi thế khi có chính sách TĐC anh Hiên rất vui mừng. Anh Hiên bảo, cảm ở Đảng, Nhà nước đã quan tâm cho nhà tôi ra đây lại còn được nhận thêm tiền hỗ trợ nữa. Ra nơi ở mới rồi cũng yên cái bụng mỗi khi mùa mưa bão nhưng vẫn đang lo lắm. Lo bởi, bản thân bị tật ở chân, không có khả năng lao động. Gánh nặng kinh tế lo cho 3 nhân khẩu trong gia đình đè nặng lên vai người vợ. Thêm vào đó, số tiền nhà nước hỗ trợ để ổn định TĐC đã giành hết cho việc xây cất nhà cửa mà vẫn không đủ. Cực chẳng đành để nhà dang dở khi mùa đông đang cận kề, anh Hiên bàn với vợ vay tiền của anh em, họ hàng xây cất nhà hoàn chỉnh.
Theo anh Hiên, trước đây ở nơi ở cũ, đất của gia đình rộng hơn 500m2. Không để đất bỏ hoang, lãng phí gia đình anh trồng luồng, nuôi trâu, bò. Được tuyên truyền về TĐC để ổn định cuộc sống, gia đình anh Hiên đồng ý đi ngay. Người đi nhưng con trâu, con bò cũng không thể dắt đi. Vì thế, hằng ngày vợ anh vẫn đi vào nơi ở cũ canh tác, chăn nuôi. “Đất ở nơi ở mới chỉ đủ ở chứ không thể xây dựng chuồng trại, chăn nuôi hay trồng trọt đâu” - Anh Hiên nói.
Hơn 2 tháng ra nơi ở mới, song gia đình anh Vi Văn Tý khu TĐC bản Bố, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước vẫn đang chờ được giải ngân số tiền hỗ trợ TĐC theo quy định. Anh Tý cho biết: Được cán bộ tuyên truyền là hoàn thành nhà cửa sẽ được hỗ trợ tiền TĐC nhưng đến nay gia đình vẫn chưa được nhận. Để di chuyển được ngôi nhà sàn cũ ra nơi ở mới, anh Tý đã phải thuê người làm. Tiền công cao, giá nguyên vật liệu tăng vọt đã gây ra cho gia đình anh những khó khăn nhất định.
Anh Tý cho biết, gia đình tích góp được hơn 30 triệu đồng, làm hết tiền tiết kiệm, anh Tý làm hồ sơ vay thêm 70 triệu đồng của ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước để dựng nhà. Ngôi nhà sàn kiên cố rộng hơn 100m2 của gia đình anh Tý có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu đồng. Làm được nhà, nhưng anh Tý lại không còn tiền để làm bếp, công trình vệ sinh còn dang dở. “Nếu nhận được tiền hỗ trợ di dời, gia đình hoàn thành các công trình phụ trợ của ngôi nhà và trả nợ cho ngân hàng” - Anh Tý khẳng định.
Cuộc sống nơi ở mới của gia đình anh thế nào? Tôi hỏi. Anh Tý bảo: Còn nhiều cái khó. Khó nhất vẫn là đất ở eo hẹp, không có đất sản xuất. Anh Tý dẫn chứng, mỗi nhà được Nhà nước giao cho 120m2, diện tích đất này chỉ đủ xây cất nhà cửa. Không có đất sản xuất, tạo kế sinh nhai. Từ lúc ra nơi ở mới hằng ngày anh Tý vẫn vào ngôi nhà cũ cho trâu, gà ăn. Bao lần anh Tý muốn đưa đàn gà, con trâu về gần nơi ở nhưng tính đi, tính lại không xong.
Anh Tý cho rằng, đưa về ở dưới góc nhà sàn không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình mà còn gây ô nhiễm môi trường cả khu. Bởi thế, gia đình anh Tý mong chính quyền tạo điều kiện được sử dụng nền đất ở nơi ở cũ để làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi. “Không còn nỗi lo chạy lũ, lại có đất sản xuất, phát triển kinh tế mới có hy vọng thoát nghèo, tránh việc trông chờ, ỉ lại vào Đảng, Nhà nước” - Anh Tý quả quyết.
Mong chính sách mở cho bà con TĐC
Khu tái định cư thôn Bố, xã Lũng Cao được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt trong trường hợp xử lý khẩn cấp đối với các hộ có nguy cơ sạt lở cao. TĐC thôn Bố được thiết kế cho 44 hộ, đến thời điểm này xã đã bố trí được 37 hộ ra nơi ở mới.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu TĐC thôn Bố vẫn còn dang dở, anh Ngân Văn Chuẩn, trưởng thôn Bố, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cho biết: Ra nơi ở mới sẽ không còn nỗi lo sạt lở nhưng cuộc sống của các hộ còn rất nhiều khó khăn. Đa phần các hộ TĐC đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện khu TĐC thôn Bố có 37 hộ nhưng mới có 14 hộ được nhận tiền hỗ trợ, 20 hộ chưa được nhận, có một số hộ đặc biệt khó khăn dù đã nhận đất nhưng chưa có khả năng xây dựng nhà ở nơi ở mới. Bên cạnh đó, quỹ đất sản xuất không có, người dân không có kế sinh nhai nên họ rất mong được cơ quan chức năng tạo điều kiện được tiếp tục sử dụng nền đất cũ.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn, bất cập tại khu TĐC thôn Bố, ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết: Để bảo bảo cho các hộ yên tâm, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới xã Lũng Cao cũng đã có nhiều hoạt động, trong đó có việc tuyên truyền, vận động các hộ rời nơi ở cũ, ra nơi ở mới an toàn, xây dựng cuộc sống mới.
Trước mắt là xã vận động người dân xây dựng nhà ở ở khu TĐC mới. Trong thời gian tới, để làm tốt ổn định cuộc sống ở khu TĐC mới thì xã đề xuất với Đảng, Nhà nước thực hiện một số chính sách hiện hành đã có. Thứ nhất là tiền hỗ trợ di dời. Đối với các hộ đã làm nhà xong, hiện nay đã có 37 hộ đã hoàn thành việc làm nhà, nhưng mới có 14 hộ nhận được tiền hỗ trợ. Trong 37 hộ có một số hộ đặc biệt khó khăn, có 4 hộ vừa không có lao động, không có thu nhập, để làm nhà mới là rất khó khăn. “Tôi đề xuất với các cấp, ngành nếu như có các chương trình lồng ghép ví dụ như các chương trình hỗ trợ từ thiện, nhân đạo hoặc chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thì xin được lồng ghép để hỗ trợ thêm cho các hộ đặc biệt khó khăn này” - Ông Thuân mong mỏi.
Bên cạnh đó, theo ông Thuân, diện tích đất cấp cho các hộ giao động từ 120 đến 130m2, chủ yếu là đủ để cho làm nhà ở, còn điều kiện để sinh kế khác như chăn nuôi, trồng trọt là không có, chính vì thế UBND xã Lũng Cao đề xuất với Đảng, Nhà nước, chuyển phần đất người dân ở trước đây thành đất màu hoặc đất trồng cây lâu năm và tiếp tục giao cho các hộ để các hộ canh tác, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Hồng Hạnh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thanh-hoa-nhieu-ho-dan-gap-kho-khi-tai-dinh-cu-o-noi-o-moi-a23655.html