Kinh nghiệm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở vương quốc Anh

Với sự nỗ lực của chính quyền thành phố và nhân dân Oxford đã giữ gìn được thành phố không bị tàn phá, biến dạng. Có thể nói so sánh bản đồ hiện tại của thành phố và bản đồ thành phố trước đó 400 năm thì không có thay đổi nhiều. Mỗi năm, thành phố Oxford đón 9 triệu du khách và 4 triệu lượt người đến thăm quan hệ thống bảo tàng.

du-hoc-anh-tong-quan-ve-vuong-quoc-anh-1666605371.jpg
Ảnh minh họa Internet

Tóm tắt:

Ấn tượng đầu tiên trong tôi  khi tới Vương quốc Anh là bỡ ngỡ trước cảnh quan phố thị của một vương quốc điển hình của lục địa già. Đó là những phố thị già nua, cổ kính, trầm mạc, cũ kĩ và sang trọng. Thế nhưng hết đợt công tác được thị sát ở nhiều vùng của nước Anh, gặp gỡ các tầng lớp trí thức, thị dân, người lao động Anh tôi mới ngộ ra cái triết lý sống của người Anh rằng: Họ yêu quý và trân trọng tất cả những gì do cha ông họ sáng tạo ra và trao truyền cho thế hệ hôm nay. Thường trực trong họ là tình yêu di sản và nếp sống thân thiện với môi trường thiên nhiên. Dưới đây là một số kinh nghiệm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Vương quốc Anh: Chính quyền và nhân dân đồng lòng giữ gìn di sản văn hóa ở thành phố Oxford; Vai trò của Quỹ tín thác bảo tồn: Khảo cổ học cộng đồng - ngành khảo cổ vì mọi người, cho mọi người; Tăng vé thắng cảnh nhằm giảm lượng người đến thăm di sản, góp phần kéo dài tuổi thọ của di sản

Từ khóa: Di sản văn hóa ở Vương quốc Anh, thành phố Oxford, Quỹ tín thác bảo tồn, thành phố Bath, di sản thế giới Stonehengge...

1. Chính quyền và nhân dân đồng lòng giữ gìn di sản văn hóa ở thành phố Oxford

Thành phố Oxford được xây dựng trong một thung lũng bằng phẳng bên bờ sông Thames cách thủ đô Luân Đôn khoảng 100km. Thành phố này hội tụ di sản văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử gắn với sự phát triển của Vương quốc Anh. Đó là di sản văn hóa ở thời kỳ đế quốc La Mã chiếm đóng nước Anh từ năm 43 đến thế kỷ thứ V sau cong nguyên. Đó là di sản văn hóa thời kỳ phong kiến trung cổ, nơi xây dựng nhà thờ lớn thờ Thánh Goor với quần thể chủng viện nơi đào tạo những người hành nghề Kitô giáo. Đó là di sản văn hóa một thời nơi đây là thủ đô của nước Anh dưới thời nội chiến do vua Charles I cai trị. Oxford là thành phố giáo dục và văn hóa trong thời kỳ phát triển tư bản ở nước Anh thế kỷ XVII-XIII. Nơi đây được coi là thành phố của các trường đại học, có tới 38 trường đại học, trong đó có trường đại học Oxford một trong những trường đại học cổ, thành lập vào thế kỷ XII và danh tiếng nhất thế giới. Nơi ra đời bảo tàng Ashmolean - Bảo tàng nghệ thuật – khảo cổ đầu tiên trên thế giới và hiện nay thành phố này cũng là nơi hội tụ của rất nhiều bảo tàng.

Từ thế kỷ XI thành phố Oxford đã trở thành pháo đài bảo vệ thủ đô nước Anh.

Chính quyền thành phố Oxford sớm nhận ra giá trị của nguồn di sản văn hóa ở thành phố đối với phát triển kinh tế xã hội nên đã đề ra kế hoạch bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa ở thành phố.

Việc đầu tiên chính quyền thành phố triển khai là huy động các nhà khoa học ở 38 trường đại học ở thành phố tham gia vào việc sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ đánh giá giá trị di sản văn hóa ở thành phố, từ đó xây dựng quy hoạch phát triển thành phố trên cơ sở bảo tồn nguyên trạng toàn bộ di sản văn hóa của thế hệ trước để lại. Kết quả đã lập hồ sơ bảo vệ:

- Đề nghị UNESCO công nhận 17 di sản là di sản thế giới.

- 19.717 di tích đề nghị Bộ Văn hóa vương quốc Anh công nhận là di sản văn hóa quốc gia.

- 374.081 ngôi nhà được công nhận là di sản văn hóa trong đó 2,5% số nhà được đề nghị là di sản văn hóa quốc gia.

- Địa điểm 43 trường đại học cũ được ghi nhận là di tích lịch sử văn hóa.

- 1.601 công viên và vườn lịch sử được đăng ký bảo vệ.

- 9.080 khu sinh thái được đưa vào danh sách phải bảo tồn.

Những nơi đã đưa vào danh sách bảo tồn nếu có chặt bỏ một cây nào đó cũng phải báo cáo chính quyền. Những ngôi nhà khu di tích đã được công nhận là di sản cần được bảo vệ nếu có sửa chữa, xây mới đều phải xin phép chính quyền để cơ quan chuyên môn xuống xem xét đánh giá tác động và phải bắt buộc tiến hành thăm dò khảo cổ học dưới lòng đất.

Trong khoảng thời gian vài năm, thành phố lại yêu cầu các nhà khoa học cho tiến hành khảo sát, đánh giá lại số di sản đã được công nhận.

Quan điểm của chính quyền thành phố là cố gắng cao nhất giữ lại di sản văn hóa. Ví dụ trong một đợt chỉnh trang đường phố ở thành phố Oxford, có nhiều ý kiến đề nghị cho bỏ những bốt điện thoại gỗ sơn đỏ vì bây giờ nó không còn tác dụngđể hè thông đường thoáng. Thành phố đã nêu vấn đề và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Sau cùng, thành phố quyết định không bỏ mà giữ lại tất cả những bốt điện thoại đó.

Bảo vệ di sản đồng thời với phát huy giá trị của di sản. Thành phố Oxford là một thành phố cổ kính, đẹp và hấp dẫn, một điểm du lịch hấp dẫn ở Vương quốc Anh. Chính quyền thành phố chú ý đến việc chuyển đổi chức năng của một số di tích đã được công nhận để phát huy giá trị của di sảnhướng tới phục vụ tốt nhất công chúng.

Có lần Hội đồng thành phố có ý định xóa bỏ chợ quê truyền thống thay bằng siêu thị hiện đại, văn minh. Khi đưa vấn đề này ra hỏi ý kiến nhân dân thì giới văn hóa và nhiều người dân không đồng tình nên dự án xóa bỏ chợ quê truyền thống phải dừng lại.

Thành phố Oxford có khu phố Báth, sau này gọi là thành phố Báth, nơi đây hội tụ di sản văn hóa của đế quốc La Mã trong thời gian từ năm 43 sau công nguyên đến thế kỷ thứ V. Bát giàu di sản cung cấp hiểu biết về lịch sử La Mã và văn hóa Georgia. Nơi đây có 3 suối nước nóng, nước phun lên luôn có nhiệt độ 46,5 độ. Người La Mã chiếm đóng thành phố Oxford đã cải tạo và xây dựng Báth thành thành phố nghỉ dưỡng, trị bệnh bằng nước khoáng nóng, vui chơi, giải trí, đặc biệt là họ xây dựng hệ thống nhà tắm nước nóng. Thành phố Oxford đã kiên trí chính sách khảo cổ khôi phục lại di sản văn hóa La Mã ở Bath. Bể tắm lớn nhất bên cạnh khu vực suối Thần linh. Một loạt bể tắm nước nóng phía Đông và phía Tây được thành phố phục hồi, nằm sâu dưới độ bằng của mặt đường phố. Nơi đây người La Mã xây dựng đền thờ vị nữ thần mùa Xuân là Sulis Minerva - một vị thần có sức mạnh chữa bệnh, vị thần được người Oxford sánh ngang với nữ thần La Mã Minerva. Bath được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1987. Nhờ hoạt động tốt việc bảo tồn di sản La Mã ở Bath kết hợp với quảng bá du lịch. Mỗi năm Bath đón hơn 1 triệu lượt khách đến thăm quan, thu trên 2 triệu Bảng Anh tiền vé thắng cảnh, giải quyết việc làm cho 654 người.

2. Vai trò của Quỹ tín thác bảo tồn

Bảo vệ di sản chỉ có tình yêu với di sản văn hóa thôi chưa đủ mà cần có kinh phí để đầu tư giữ gìn di sản. Hội đồng thành phố Oxford đã Quyết định thành lập Quỹ tín thác bảo tồn do Bà Tiến sĩ Dethie Dance làm Giám đốc. Quỹ được quyền sở hữu 900 ha đất ở thành phố. Từ lợi nhuận thu được từ sở hữu đất đai. Đây là vốn ban đầu để thành lập Quỹ. Quỹ tín thác không dựa vào kinh phí của Nhà nước mà kinh phí có được do sự đóng góp của các cá nhân. Tiền thân của Quý do các sinh viên thành đạt ở các trường đại học ở Oxford bỏ tiền ra mua 900 ha đất là các đồng cỏ ở thung lũng. Hàng năm Quỹ xin thêm tiền từ nguồn bán vé xổ số của nước Anh.

Mục tiêu của thành phố là xây dựng các trường đại học ở Oxford phục vụ cộng đồng và bảo vệ di sản văn hóa để phục vụ cộng đồng. Năm 1998, thành phố thông qua kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa giải quyết hài hòa vấn đề bảo tồn và phát triển. Quan điểm nêu ra là giữ nguyên di sản nhưng phải hướng tới thu hút khách du lịch đến thưởng ngoạn hiểu biết đầy đủ giá trị di sản ở Oxford. Do vậy di sản cũng cần được thay đổi cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu của phát triển.

Đến năm 2012, Quỹ tín thác bảo tồn có 1.500 hội viên tự nguyện tham gia. Mỗi hội viên đóng góp 25 bảng Anh mỗi năm. Hội đồng quản trị Quỹ sử dụng nguồn Quỹ hiện có để đầu tư sinh lời thêm tiền đầu tư trở lại bảo vệ di sản. Ngoài ra là nguồn kinh phí đóng góp của các nhà hảo tâm yêu quý di sản văn hóa của thành phố và kinh phí từ vé thăm quan.

Trong trung tâm thành phố có một khu nhà tù, thành phố Oxford đã mạnh dạn cho một công ty bất động sản thuê thời gian 200 năm với điều kiện công ty cải tạo nhà tù thành khách sạn phục vụ khách du lịch. Việc cải tạo phải giữ được nguyên trạng của di tích. Công ty bỏ ra 30 triệu bảng, Quỹ tìn thác hỗ trợ 4 triệu bảng mua lại khu nhà tù này

Dự án khá thành công, công ty cải tạo vẫn giữ kiểu dáng của kiến trúc nhà tù cũ. Cải tạo lại phòng tù cho sạch sẽ và trang bị hiện đại. Biến 2,3 phòng tù thành 1 phòng ngủ lớn với đầy đủ thiết bị hiện đại. Sau cải tạo số khách du lịch đến Oxford tìm đến thuê nghỉ ở khách sạn được cải tạo từ nhà tù khá nhiều và lấy làm hài lòng.

Hội đồng thành phố Oxford thỏa thuận với đối tác mua di sản nếu không muốn sử dụng thì thành phố sẽ mua lại đúng với giá bán.

Thông qua Quỹ tín thác của thành phố, thành phố khuyến khích Trường đại học mua lại pháo đài Oxford biến đó là nơi học tập, nghiên cứu của trường. Trước pháo đài chỉ có một cửa, nay mở thêm 3 cửa ở các hướng để thuận tiện đón khách du lịch. Các trường đại học, cư dân của thành phố quan tâm ủng hộ các sinh hoạt văn hóa diễn ra ở pháo đài.

Nhiệm vụ của Quỹ là làm cho di sản dễ đến với công chúng. Cải tạo nhà thờ chuyển đổi công năng là thư viện của trường đại học.

Các quán cà phê được phép cải tạo mang phong cách hiện đại nhưng phải giữ được kiến trúc cổ.

Thành phố đã chuyển nhà thờ, nơi sinh hoạt tôn giáo thành thư viện của một trường đại học. Chỉnh trang tu viện để có một quảng trường rộng rãi cho khách du lịch thăm thú, chiêm ngưỡng.

Công dân thành phố Oxford đã lên tiếng gây sức ép với Hội đồng thành phố cho phục chế lại con kênh đã bị lấp làm bãi gửi xe, từ đó gia tăng giá trị của trường đại học ở gần đó.

3. Khảo cổ học cộng đồng - ngành khảo cổ vì mọi người, cho mọi người

Lâu nay chúng ta thường hiểu công việc khảo cổ là một chuyên ngành được học trong các trường đại học có tính chuyên ngành. Nhưng ở Anh đã xuất hiện một phong trào khảo cổ học cộng đồng với tuyên ngôn là ngành khảo cổ vì mọi người, cho mọi người.

Phong trào này xuất hiện vào năm 1960, khuyến khích hoạt động của cộng đồng  địa phương quan tâm đến giữ gìn các di sản ở nơi họ sinh sống.

Vào những năm 1970 - 1980, phong trào khảo cổ học cộng đồng phát triển mạnh mẽ ở Anh đòi hỏi tính chuyên nghiệp của các hoạt động này gắn với hoạt động khảo cổ học của người dân dọc 2 bờ sông Thames chảy qua thủ đô Luân Đôn - Vương quốc Anh.

Pháp luật của Vương quốc Anh quy định tất cả các dự án kinh tế - xã hội và việc xây dựng nhà ở mới đều phải qua hoạt động khảo cổ học, đánh giá tác động của việc sửa chữa, xây dựng mới ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Cơ quan chuyên môn đánh giá việc sửa chữa, xây mới không làm ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa mới được cấp phép sửa chữa, xây dựng khi sửa chữa, xây dựng phải trải qua thăm dò, thám sát khảo cổ học xem xét trong lòng đất còn chứa đựng những hiện vật gì của quá khứ. Những hiện vật tìm thấy được lập hồ sơ chuyển về giao cho Bảo tàng địa phương. Hiện vật có giá trị, pháp luật cho phép được bán đấu giá, chủ sở hữu đất được hưởng 50% số tiền đấu giá.

Năm 1943, Vương quốc Anh triển khai dự án khảo cổ học hai bờ sông Thames. Thủy triều lên xuống ở sông Thames mực nước cao thấp chênh nhau tới 7m. Lúc thủy triều xuống lộ ra bờ đất ở đó phát hiện khá nhiều hiện vật của các thời đại trước đó, có hiện vật cách nay trên 1.000 năm. Khu vực khảo cổ rộng lớn chạy theo 16 điểm ở các quận của thủ đô Luân Đôn.

Năm 2008, Hội đồng di sản Anh thực hiện Dự án khám phá sông Thames thu hút công chúng yêu thích khảo cổ học. Quỹ sổ xố Vương quốc Anh hỗ trợ kinh phí liên tiếp 3 năm, mỗi năm 421.000 bảng Anh.

Nòng cốt của phong trào khảo cổ học cộng đồng là tổ chức khảo cổ học Luân Đôn - tổ chức khảo cổ học hàng đầu tập hợp hơn 200 nhà nghiên cứu khảo cổ học nổi tiếng, hoạt động phi lợi nhuận, không nhận tiền của Chính phủ. Tổ chức khảo cổ học Luân Đôn thông qua hình thức quyên tiền trên mạng xã hội để có kinh phí phục vụ việc khảo cổ học cộng đồng.

Có rất nhiều hoạt động như xuất bản tạp chí, tổ chức hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức nhóm tình nguyện thám hiểm đã tập huấn nghiệp vụ khảo cổ cho 360 tình nguyện viên, tạo diễn đàn phân tích hiện vật... khuyến khích người dân thích thú, tham gia hoạt động khảo cổ học cộng đồng.

Các hoạt động đưa ra thông điệp: Khảo cổ học không phải là đào bới tìm gì ở lòng đất mà nó là sự tạo mẫu, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, kích thích sự ham mê tìm tòi, khám phá của cộng đồng đối với di sản văn hóa.

Thế mạnh của khảo cổ học cộng đồng là thu hút được các tình nguyện viên hiểu biết về địa phương, có thời gian rảnh rỗi dành cho hoạt động khảo cổ.

Vương quốc Anh lấy ngày 18 tháng 7 hàng năm là ngày khảo cổ học. Ngày này, rất nhiều hoạt động được diễn ra ở khắp nước Anh. Trẻ em đi thăm di tích, mặc quần áo thời xưa, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian ở địa phương như lễ hội hái táo, lễ hội đường phố... nhảy múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

4. Tăng vé thắng cảnh nhằm giảm lượng người đến thăm di sản, góp phần kéo dài tuổi thọ của di sản

Vương quốc Anh có nhiều biện pháp nêu ra để quản lý di sản văn hóa, trong đó có giải pháp tăng giá vé vào thăm quan di sản. Dẫu biết rằng nguồn thu từ vé thắng cảnh là nguồn kinh phí chính để bảo tồn di sản nhưng nếu nguồn thu dó tác động ảnh hưởng đến giá trị của di sản thì họ sẵn sàng hy sinh nguồn thu này.

Các nhà khảo cổ học thế giới đánh giá di sản thế giới Stonhenge ở nước Anh là tượng đài lịch sử nổi tiếng nhất thế giới. Stonhenge được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Khởi đầu là những tượng đá từ đất được đặt thành vòng tròn lại với nhau ngọn đá hướng thẳng đứng lên trời ở thời kỳ đồ đá mới khoảng 2.500 năm trước công nguyên. Sau đó thời kỳ đồ đồng (2.200 - 1.500 trước công nguyên) có nhiều ngôi mộ được xây dựng quanh đó.

Stonhenge là khu di tích lịch sử thế giới có tầm quan trọng to lớn trên thế giới, một trong những kỳ quan thế giới bởi sự phức tạp và tuyệt vời của các tượng đài thời đồ đá, là kiến trúc đá vòng tròn phức tạp nhất trên thế giới, cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc về nghi thức trong tang lễ, nghi lễ chôn cất thời đồ đồng, đồ đá.

Tượng đái đá đơn xếp thành vòng tròn với nhau biểu đạt điều gì, ý nghĩa ra sao ngày nay các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu.

Di sản Stonhenge là điểm đến đặt ở vị trí đầu tiên của bất kỳ khách du lịch nào đến Vương quốc Anh. Di sản nằm trên một quả đồi thấp, hàng ngày đón một lượng khách hàng nghìn người vào thăm thú, chiêm ngưỡng. Du khách đến đây mới phải mua vé vào thăm di tích. Trước áp lực lượng khách du lịch ngày một gia tăng Hội đồng Di sản Anh đã cho phép Ban quản lý di sản tăng giá vé vào thăm di sản. Giá vé vào thăm di sản Stonhenge là 7,5 Bảng, thường ở các di sản khác chỉ từ 2,5 - 3,5 Bảng Anh. Số lượt du khách đến Stonhenge đông, trong số đó cũng có nhiều người cân đối mức thu chi của chuyến du lịch thấy giá vé thắng cảnh cao nên nhiều người cũng từ chối mua vé vào thăm di sản. Như vậy với cách làm nay đã loại bớt số du khách vào thăm di sản vì mục tiêu hạn chế thấp nhất tác động của con người  ảnh hưởng đến tuổi thọ của di sản.

Quy hoạch các khu dịch vụ bán đồ lưu niệm và sản vật đặc trưng của Oxford. Một nhà máy sản xuất bia của thành phố cũng được cải tạo chuyển đổi công năng thành khu dân cư, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, mua sắm.

Thành phố chú trọng các giải pháp thu hút khách du lịch, người đến phải đăng ký trước không để du lịch tự phát ồ ạt đến thành phố. Trung tâm du lịch là lâu đài cổ Oxford, các trường đại học, thăm các giảng đường trước đây là nhà thư viện, bảo tàng, đi dạo trên các khu phố cổ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kinh-nghiem-bao-ve-va-phat-huy-di-san-van-hoa-o-vuong-quoc-anh-a23644.html