Giữ hồn di tích

Thời gian qua, hàng loạt di tích lịch sử một thời vang bóng ở TP HCM đã được cơ quan chủ quản lên kế hoạch trùng tu

Ông Thái Văn Tuấn, Chánh Văn phòng TAND TP HCM, cho biết cuối năm 2015, trụ sở TAND TP sẽ khởi công trùng tu với kinh phí dự kiến là 320 tỉ đồng. Việc tìm đơn vị có kinh nghiệm tu bổ di tích công sở cổ để giao trách nhiệm thi công là khó khăn lớn nhất hiện nay.

Bảo đảm phục hồi nguyên gốc

Từ năm 2002, TAND TP HCM đã lên ý tưởng, chuẩn bị hồ sơ cho việc tu bổ, sửa chữa trụ sở. Đến năm 2006, kế hoạch trùng tu được UBND TP thông qua. Sở Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũ) phối hợp cùng Cục Di sản Văn hóa đến tận nơi kiểm tra, khảo sát thực tế. Hồ sơ tu bổ cũng được các cơ quan thẩm quyền liên quan thẩm định, chỉnh sửa nhiều lần trước khi chuyển lên Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng cơ quan chủ quản phê duyệt. Đến nay, công tác chuẩn bị đã gần xong, chỉ chờ kết quả đấu thầu đơn vị chịu trách nhiệm thi công.

 
 
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp và những đường nét đặc trưng của kiến trúc Á Đông Ảnh: BẠCH ĐẰNG

Theo ông Tuấn, công tác tu bổ đang được các chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện với phương châm cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ, bảo đảm giữ nguyên gốc của di tích, hạn chế tối đa các chi tiết phải thay mới. Cụ thể, các khu bị dỡ bỏ gồm: nhà xét xử hình sự; nhà xe cũ, nhà bảo vệ, căng-tin. Thiết kế tu bổ nguyên trạng các khối nhà tòa án xây dựng năm 1881, 1961 và 2 dãy nhà làm việc; đồng thời sửa chữa những bộ phận bị hư hỏng, xuống cấp đối với cửa sổ, cửa ra vào còn khả năng sử dụng. Những mảng tường có hoa văn trang trí sẽ được bảo tồn tối đa, chỉ trát lại nơi bong tróc...

“Sẽ có hội đồng đánh giá, phân loại nhằm tái sử dụng các cấu kiện gỗ, ngói và máng nước còn tốt chứ không thay mới toàn bộ. Hai khu nhà mới xây trong khuôn viên tòa án sẽ bị đập bỏ. Tường của công trình phải bảo đảm chuẩn màu đang có. Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công không được dùng vôi, vữa có hóa chất làm phá hủy kết cấu thiết kế” - ông Tuấn nhấn mạnh. Theo kế hoạch, thời gian thi công sẽ kéo dài trong 2 năm, thực hiện kiểu cuốn chiếu.

TAND TP HCM do kiến trúc sư người Pháp Bourard thiết kế, xây dựng trong 4 năm (1881 - 1885). Với tuổi thọ 130 năm, đây là 1 trong 3 công trình có kiến trúc độc đáo nhất do người Pháp để lại (bên cạnh UBND và Bưu điện TP HCM). Sau năm 1975, tòa nhà được TAND TP tiếp quản để phục vụ công tác xét xử và làm việc. Trong quá trình sử dụng, nhiều hạng mục bị xuống cấp, như: cột tường bong tróc, mái ngói thấm nước, máng xối mục nát. Bên cạnh đó, một số công trình phụ sau này với hệ thống ống nước, máy lạnh, dây cáp… cũng ảnh hưởng xấu đến kết cấu cổ xưa của tòa nhà.

Một công trình lâu đời khác là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, được xây dựng từ năm 1927. Khi đi vào hoạt động năm 1928, nơi đây được đặt tên Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký, gọi tắt là Petrus Ký. Sau ngày 30-4-1975, trường được đổi tên theo tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cho đến giờ.

Trong suốt gần 90 năm lịch sử của mình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từng là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh, trong đó có nhiều nhà hoạt động cách mạng, trí thức yêu nước nổi bật như: Lưu Hữu Phước, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Ơn, Trần Văn Khê, Trần Đại Nghĩa…

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương độc đáo với  sự pha trộn giữa các yếu tố theo lối kiến trúc Pháp và những đường nét đặc trưng của kiến trúc Á Đông. Điển hình là nguyên tắc thiết kế thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên kết hợp hài hòa với bố cục mặt bằng và không gian giống như Văn Miếu. Cổng chính được thiết kế bằng những đường nét gợi liên tưởng đến Khuê Văn Các với mái 4 vạt so le nối nhau bằng những khoảng hở hình tam giác.

Trải qua thời gian dài sử dụng, đến nay, hầu như trường vẫn giữ nguyên các đường nét kiến trúc nguyên thủy. Theo bà Nguyễn Thị Yến Trinh, hiệu trưởng nhà trường, dù trường mới được công nhận di tích gần đây nhưng thực ra từ rất lâu, mọi người luôn ý thức được giá trị lịch sử của nó và giữ gìn nghiêm ngặt, thậm chí đến từng viên gạch. “Hiện tại, một số khu vực trong trường, ngói đã quá cũ nên xảy ra hiện tượng thấm, dột. Việc lợp ngói lại đang được tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các cơ quan chức năng” - bà Trinh cho biết.

Theo bà Trinh, đề án cải tạo, mở rộng trường đã có từ lâu và đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, giai đoạn 1 dự án mở rộng và cải tạo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sẽ được tiến hành vào năm học 2015-2016.

“Thay áo” nhà thờ Đức Bà

Vương cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn (còn gọi là nhà thờ Đức Bà) được xây dựng từ năm 1877, đến nay đã 135 tuổi. Hiện tại, Tổng giáo phận TP HCM đang lên kế hoạch tu sửa trong đầu quý III/2015.

Nhà thờ Đức Bà do kiến trúc sư J. Bourard thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng - từ xi măng, sắt thép đến ốc vít... - đều được mang từ Pháp sang.

 
 
Nhà thờ Đức Bà sẽ được trùng tu trong một thời gian dài Ảnh: HỒ VŨ

Linh mục Hồ Văn Xuân - Tổng đại diện Tổng giáo phận TP HCM, trưởng ban trùng tu - xác nhận sẽ trùng tu nhà thờ Đức Bà với thời gian dài. Hiện tại, ông đang có mặt ở Pháp để liên hệ với một số chuyên gia xây dựng và đặt mua nguyên liệu.

Theo linh mục Xuân, việc trùng tu đã được Tổng giáo phận TP HCM lên kế hoạch cách đây 10 năm nhưng do ưu tiên cho các công trình khác nên phải đợi đến bây giờ. “Nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa, nước từ mái ngói thấm xuống và nhỏ giọt, nhiều vị trí hư hỏng nên phải trùng tu gấp rút” - linh mục Xuân cho biết.

Kinh phí cụ thể vẫn chưa được thống kê nhưng theo ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, phải mất khoản tiền rất lớn vì nhờ các chuyên gia nước ngoài thực hiện. “Rất nhiều hạng mục mà Việt Nam không thể thực hiện được, phải nhờ các chuyên viên của Pháp. Việc tìm nơi sản xuất ngói giống như xưa, vận chuyển chúng từ Pháp về Việt Nam cũng đã “ngốn” tiền rất lớn” - linh mục Xuân nói.

Theo linh mục Xuân, nguyên tắc trùng tu là không làm thay đổi kết cấu, hình dạng bên ngoài. Công trình này sẽ được lưu giữ nguyên trạng như đã có 135 năm qua.

Kế hoạch sẽ được chia làm 2 giai đoạn, hạng mục ưu tiên hàng đầu là chống dột để bảo đảm giáo dân sinh hoạt trong mùa mưa sắp tới. “Nhà thờ Đức Bà là công trình nổi bật của TP HCM. Rất may, dù đã trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ nhưng nhà thờ không bị bom đạn tàn phá. Rất nhiều kiến trúc sư khi tìm hiểu về bảng thiết kế nhà thờ đã bày tỏ sự thán phục vì móng của công trình có thể chịu được trọng tải gấp 10 lần so với khối kiến trúc hiện tại” - linh mục Xuân tự hào.

Sau khi khắc phục những hạn mục cơ bản, nếu vẫn còn kinh phí, ban trùng tu sẽ thực hiện giai đoạn 2. Cụ thể, thay thế nội thất, khắc phục những mảnh kính trên ô cửa… Đặc biệt, thay thế, chỉnh sửa lại 6 quả chuông có trọng lượng gần 30 tấn. Đây là những quả chuông độc đáo, làm bằng đồng, được sản xuất tại Pháp và đưa sang Việt Nam năm 1879. Linh mục Xuân cho biết bộ chuông này hoạt động nhờ hệ thống điện với cơ chế lắc lư tạo nên âm thanh, ai biết điều khiển sẽ tạo thành một bản nhạc rất thú vị.

Ngoài ra, nhà thờ Đức Bà vẫn còn lưu trữ cây đại phong cầm - một trong những cây đàn cổ nhất Việt Nam. Khi được tu sửa, nó sẽ “cất cao giọng hát” vào các buổi lễ. “Khi tu sửa hết toàn bộ nhà thờ Đức Bà, người dân đến đây sẽ thích thú hơn bởi ngoài việc chiêm ngưỡng bằng mắt, họ còn cảm nhận âm thanh qua tai” - linh mục Xuân kỳ vọng.

 
Quy hoạch lại Thảo Cầm Viên

Ông Phạm Văn Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết sau một thời gian tồn tại, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã có nhiều điểm không còn phù hợp. Vì vậy, UBND TP HCM muốn quy hoạch lại để quy củ hơn, đẹp hơn và đặc biệt bảo đảm an toàn trong việc chăm sóc các loài thú.

Ngoài ra, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có giá trị như một di tích của TP HCM. Nơi đây sẽ được quy hoạch lại theo tỉ lệ 1/500. Sau khi quy hoạch xong, một số động vật sẽ được chuyển tới Công viên Safari ở huyện Củ Chỉ. Quy hoạch này đang được các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu để trình lên UBND TP HCM.
T.Đồng

Kỳ tới: Vào thời “lão hóa”
Theo nld.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giu-hon-di-tich-a2364.html