Đề án được thực hiện ở 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…
Theo đó, đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận.
100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ Tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng các CLB văn hóa - văn nghệ truyền thống; được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60-70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu.
Các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hóa và người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa; bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống...
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Văn hóa - Thể thao là cơ quan thường trực giúp triển khai thực hiện đề án, nghiên cứu đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công trong công tác bảo tồn và truyền dạy đi sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện vận động đồng bào bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc; tuyên truyền, vận động công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào tham gia giao lưu ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch với các dân tộc ở các địa phương, vùng, miền.
Sở Du lịch tổ chức các đoàn khảo sát điểm du lịch văn hóa, cộng đồng của người đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối với Hiệp hội du lịch thành phố, các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng trong và ngoài nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phổ biến kiến thức chung về văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu dưới hình thức một môn học hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật vận động hội viên tham gia các hoạt động sưu tầm, sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về dân tộc Cơ Tu...
UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, các sở, ban, ngành xây dựng thiết chế văn hóa truyền thống phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa của cộng đồng dân tộc Cơ Tu trên địa bàn; định kỳ tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu; vận động công tác xã hội hóa đầu tư vào các thiết chế văn hóa của đồng bào dân tộc; phối hợp với Sở Du lịch tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thông tin từ UBND TP Đà Nẵng, dân số thành phố này hiện nay là 1.161.430 người; có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 24,3% (1.198 người).
Chỉ đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Hòa Vang) còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng.
Song, với quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế du lịch cùng những yếu tố khách quan trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu đã nảy sinh những hạn chế nhất định, cần có những giải pháp trọng tâm.
Đồng thời, bước sang giai đoạn mới, với sự thay đổi của các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội, cùng những chuyển biến của nội tại cộng đồng Cơ Tu trên địa bàn thành phố, tất yếu cần có những chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu phù hợp, đồng bộ, tổng thể và mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu văn hóa của đồng bào cũng như hài hòa với con đường phát triển chung của thành phố trong giai đoạn mới.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/da-nang-dau-tu-hon-313-ty-dong-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-dong-bao-dan-toc-co-tu-a23576.html