Thanh Hoá: Tăng cường nguồn lực ưu tiên nhằm bảo vệ bền vững những di sản nghệ thuật trình diễn dân gian

Đó là một trong những mục đích của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh hướng tới.

z2532177091894-4d-1665976472.jpg
Ảnh minh họa Internet

Theo đó, Kế hoạch sẽ triển khai thực hiện một số nội dung gồm: Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, lập hồ sơ dân ca, dân vũ, dân nhạc; Tổ chức truyền dạy kiến thức và nâng cao kỹ năng thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc cho cộng đồng nhằm tăng cường sức sống cho các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia giai đoạn 2022-2030; Tuyên truyền, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc, đặc biệt là các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và các nghệ thuật trình diễn dân gian còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn; Phục dựng một số hoạt động sinh hoạt thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc gắn với hoạt động phát triển du lịch và nâng cao đời sống văn hoá cơ sở; Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao năng lực quản lý di sản văn hoá phi vật thể, nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng (đối tượng bao gồm các cán bộ cấp cơ sở, nghệ nhân và lực lượng hạt nhân của các câu lạc bộ, đội nghệ thuật quần chúng dân ca, dân vũ, dân nhạc trong cộng đồng); Tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản văn hoá phi vật thể giữa cộng đồng chủ thể có dân ca, dân vũ, dân nhạc với các cộng đồng có dân ca, dân vũ trên địa bàn tỉnh; Triển khai các dự án hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc kết hợp với hỗ trợ bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực đặc biệt khó khăn; Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; Tổ chức các sự kiện liên hoan, festival âm nhạc dân gian, nhảy múa dân gian quốc tế; Tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân, những người có công đóng góp bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc.

Việc triển khai Kế hoạch sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030" của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đồng thời tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh Thanh Hóa, trong đó ưu tiên các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của các dân tộc xứ Thanh, các loại hình nghệ thuật trình diễn (diễn xướng dân gian) thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp (được UNESCO ghi danh) gắn với nhiệm vụ xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện; phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhận thức của cán bộ chính quyền các cấp, cộng đồng nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giữ gìn, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc trong đời sống đương đại thông qua hoạt động của các thiết chế trường học, trung tâm văn hóa, nhà văn hoá, câu lạc bộ, đội nghệ thuật quần chúng và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả việc gìn giữ được những đặc điểm cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong dân ca, dân vũ, dân nhạc; khuyến khích người dân tham gia tích cực vào hoạt động quản lý các di sản nghệ thuật trình diễn. Tăng cường nguồn lực ưu tiên nhằm bảo vệ bền vững những di sản nghệ thuật trình diễn dân gian trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp (được UNESCO ghi danh); tu bổ, tôn tạo các di tích - danh thắng, xây dựng, nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa nhằm đảm bảo môi trường thực hành phong phú, đa dạng của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc.

Việc bảo tồn các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc phải được nghiên cứu đầy đủ, khoa học và tư liệu hóa để phát huy hiệu quả nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa và phát triển du lịch của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt cần có sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân (chủ thể văn hóa) vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tại địa phương; tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.

Theo disanxanh.cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thanh-hoa-tang-cuong-nguon-luc-uu-tien-nham-bao-ve-ben-vung-nhung-di-san-nghe-thuat-trinh-dien-dan-gian-a23552.html