Nghệ An: Tái hiện không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Mới đây, tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ, Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An đã tổ chức không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

311988461-2029930760528851-7122205370186881873-n-1665922061.jpg
Dân ca ví, giặm hình thành trong lao động và gắn liền với nghề nghiệp lao động của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay

Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy và đưa di sản sân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở lại với người dân cũng như góp phần quảng bá du lịch tỉnh nhà.

Dân ca ví, giặm hình thành trong lao động và gắn liền với nghề nghiệp lao động của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay. Mỗi một nghề lại có những câu hát, làn điệu riêng gắn với từng ngữ cảnh khác nhau. 

Loại hình nghệ thuật này được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Ngoài ca ngợi những giá trị sâu sắc về truyền thống tôn trọng các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác thì lời ca của dân ca ví, giặm cũng ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.

Đây là đặc trưng nổi trội thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu hiện sự tự do tối đa trong việc biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương. Dân ca Ví, Giặm được khởi nguồn từ đời sống lao động và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ. Người Nghệ hát Ví, hát Giặm ở mọi nơi, mọi lúc: khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa... Mỗi một nghề lại có những câu hát, làn điệu riêng gắn với từng ngữ cảnh khác nhau. 

311870673-2029309140591013-5517719376567159370-n-1665922135.jpg
Không gian diễn xướng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần gắn kết bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu

Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh thì không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần gắn kết bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu.

Đây là môi trường để dân ca ví, giặm được phát triển và hồi sinh. Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng để tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa dân ca ví, giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho dân ca ví, giặm sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

311914053-2029930680528859-2023215059727274973-n-1665922205.jpg
Không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ được tái hiện bởi những hình ảnh gần gũi với làng quê xứ Nghệ
311945705-2029930803862180-9139294022974142287-n-1665922267.jpg

Không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ được tái hiện bởi những hình ảnh gần gũi với làng quê xứ Nghệ như cây đa, bến nước, sân đình, khung cửu, xe tơ... Đến với không gian diễn xướng dân ca ví, giặm vào những dịp cuối tuần tại phố đi bộ TP.Vinh, du khách và người dân vừa được thưởng thức những làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng và giao lưu trải nghiệm hát dân ca và thưởng thức các đặc sản của quê hương.

Thời gian tới, ngành Văn hoá và Thể thao tiếp tục xây dựng và tái tạo thêm một số không gian ví, giặm ở tại Bảo tàng Nghệ An, Khu di tích Kim Liên...

Vào hồi 17h10' giờ Paris (23h10' giờ Việt Nam) ngày 27/11/2014, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại thành phố Paris, nước Cộng hòa Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-tai-hien-khong-gian-dien-xuong-va-giao-luu-dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-a23540.html