Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 185 di tích đã quyết định xếp hạng, trong đó: 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử) 58 di tích quốc gia (02 di tích khảo cổ học; 32 di tích kiến trúc nghệ thuật; 24 di tích lịch sử); 125 di tích cấp thành phố (75 di tích kiến trúc nghệ thuật; 50 di tích lịch sử).
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của di tích lịch sử văn hóa; do đó, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa ở các địa phương ngày một tốt hơn.
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan thực hiện các chiến lược, kế hoạch quảng bá di tích đến với du khách, mở các tour du lịch đến tham quan di tích, đẩy nhanh việc công nhận các điểm du lịch là các di tích trên địa bàn Thành phố hồ Chí Minh.
Để phù hợp với tình hình hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập kinh tế, cần thiết phải sớm sửa đổi, điều chỉnh Luật Di sản văn hóa. Sở VHTT thành phố đã có những kiến nghị, đề xuất như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa; về ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như thông qua báo chí, truyền hình, xây dựng các phim tài liệu, xuất bản sách, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa để tuyên truyền, quảng bá về giá trị của các di sản văn hóa đến với công chúng.
Chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động nguồn lực toàn xã hội cho công tác tu bổ, phục hồi các di tích. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố cho công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống dịch vụ cho khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa; triển khai việc cắm mốc chỉ giới, lắp đặt biển chỉ dẫn đối với các di tích đã xếp hạng.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần phát huy vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tập trung nâng cao chất lượng các tour du lịch “với các điểm tham quan tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với các di tích, điểm tham quan trong để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên cơ sở ưu tiên phát triển các loại hình du lịch di sản, du lịch làng nghề.
Phát huy các lễ hội truyền thống tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh như Tết Nguyên Tiêu, Lễ hội Nghinh Ông…; từng bước khẳng định tính riêng biệt, đặc thù của lễ hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa của Thành phố. Tăng cường liên kết liên kết vùng trong việc thực hiện các tour du lịch vùng nhằm quản bá và xúc tiến du lịch.
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ viên chức làm công tác bảo tồn di sản văn hóa; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tp-ho-chi-minh-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-a23527.html