Giải pháp phát triển làng hoa Sa Đéc trở thành thương hiệu văn hóa đặc trưng

Làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp nói chung, thành phố Sa Đéc nói riêng đã bước vào không gian kinh tế mới, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực từ ngày 31-12-2015. Đó là cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng nhiều, đòi hỏi người làm nghề phải thay đổi cung cách sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Quy hoạch lại để cùng thống nhất một giải pháp, sẽ là nấc thang quan trọng trong kiến tạo sức sống mới cho làng nghề truyền thống. Đảng và Nhà nước ta lâu nay luôn quan tâm và đã ban hành nhiều văn bản, quy định, chính sách nhằm phát triển làng nghề như: Quyết định số: 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn…

da-ngoai-cuoi-tuan-lang-hoa-kieng-sa-dec-dong-thap-637075039063597302-1665714047.jpg
Ảnh minh họa Internet

1. Thực trạng phát triển làng hoa Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc hình thành từ những năm đầu TK XX - thủ phủ hoa của miền Tây, với “tổng diện tích trồng hoa, cây kiểng tập trung ở thành phố Sa Đéc với hơn 506ha và trên 2.300 hộ dân canh tác” (1), 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất miền Nam và “làng hoa kiểng Sa Đéc cũng được định hướng trở thành thành phố hoa của khu vực Nam Bộ”(2). Ở từng giai đoạn lịch sử, làng hoa Sa Đéc có những bước thăng trầm, nhưng luôn tạo công ăn việc làm cho người lao động có cuộc sống ổn định trên quê hương, giải quyết bài toán khó cho nhiều địa phương “ly nông bất ly hương”. Làng hoa Sa Đéc không chỉ là nơi sản sinh ra các nghệ nhân, thợ giỏi, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của tỉnh nói chung, của thành phố Sa Đéc nói riêng, mà còn là nơi học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, góp phần phát triển, tăng thêm lợi nhuận cho người dân. Làng hoa cũng có cả trăm hộ gia đình, trong đó, các doanh nghiệp làm nhiệm vụ liên kết bao tiêu sản phẩm, kết hợp quảng bá thương hiệu, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút đông khách tham quan, từ đó mà bà con được hưởng lợi từ nghề. Có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, đóng góp cho phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh con người đất Sen hồng.

Mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế, xã hội và doanh thu của làng hoa Sa Đéc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn hoạt động chưa ổn định, quy mô sản xuất, số hộ làm nghề ở làng hoa Sa Đéc có chiều hướng bị thu hẹp thậm chí có một số hộ ở làng hoa gần như ngừng hoạt động do khó tìm đầu ra cho sản phẩm, lượng tiêu thụ hàng hóa kém, người dân không sống được bằng nghề nên không còn mặn mà với nghề. Có 64,9% người dân ở làng hoa kiểng Sa Đéc vẫn chưa có hiểu biết nhiều về thương mại điện tử, cộng với sức ỳ, ngại đổi mới là một cản trở lớn khi áp dụng thương mại điện tử.

Nhóm tác giả tiến hành khảo sát 700 hộ dân làm nghề và doanh nghiệp ở làng hoa Sa Đéc kết quả cho thấy có 69,9% các hộ dân làm nghề và doanh nghiệp vẫn không tinh, không mạnh, vẫn quanh quẩn “ao làng”. Vấn đề phát triển làng hoa chưa gắn với mục tiêu phát triển con người nghĩa tình chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đang dần mai một, ô nhiễm môi trường, kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất chưa đồng bộ...

Trong thời hội nhập kinh tế quốc tế, mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển làng hoa Sa Đéc với xây dựng nền văn hóa và con người phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, cơ bản và lâu dài để phát triển làng nghề thịnh vượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở địa phương, nghệ nhân, thợ giỏi, lành nghề được lưu giữ, bảo tồn di sản mà cha ông ta đã dày công xây dựng. Nhóm tác giả tiến hành khảo sát các hộ dân làm nghề và doanh nghiệp ở làng hoa Sa Đéc kết quả cho thấy có 69,9% cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến nhiều hộ dân làm nghề ở làng hoa không mặn mà với việc làm thương hiệu, trong khi phương thức sản xuất thủ công, lối kinh doanh riêng lẻ, sự gắn kết giữa các hộ dân trong làng hoa Sa Đéc chưa cao, mạnh ai nấy làm, ít làng nghề có đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại diện pháp lý cho làng nghề.

2. Một số giải pháp chủ yếu phát triển làng hoa Sa Đéc

Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu được xác định Xây dựng thành phố Sa Đéc là đô thị mang bản sắc hoa, phấn đấu Sa Đéc trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Hội đồng nhân dân thành phố Sa Đéc cũng ban hành Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025 về Phát triển Làng hoa kiểng kết hợp du lịch cộng đồng. Đặc biệt, xây dựng và phát triển làng hoa Sa Đéc như một thương hiệu văn hóa đặc trưng, cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò của Trung tâm thương mại hoa kiểng Đồng Tháp làm hạt nhân cho làng hoa Sa Đéc trong việc thúc đẩy sản xuất, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu trồng chăm sóc, hệ thống máy móc chế biến hiện đại, quảng bá giới thiệu sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng các yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Thực hiện quảng bá thương hiệu làng hoa Sa Đéc; thường xuyên tổ chức triển lãm, hội thi, festival về hoa; kết nối thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu ra hoặc bao tiêu sản phẩm cho người dân; xây dựng chuỗi cung ứng cây xanh, hoa kiểng; hướng đến trồng chuyên canh, trồng những loại hoa có lợi thế, cho năng suất cao và phẩm chất đáp ứng thị trường xuất khẩu; đồng thời, mục tiêu xa hơn là kết hợp các tour du lịch đến những điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp.

Thứ hai, cần có kế hoạch chiến lược sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển làng hoa Sa Đéc như một thương hiệu văn hóa đặc trưng gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ và con người của làng hoa Sa Đéc. Cần bền bỉ và lâu dài trong quảng bá, truyền thông, xây dựng và phát triển thương hiệu vì “càng cũ càng có giá”. Đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ ở trong nước và quốc tế. Tận dụng lợi thế từ các tài sản trí tuệ, từ các kết quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự phát triển đột phá và bền vững, di sản làng hoa Sa Đéc có cơ hội tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại để sáng tạo, bổ sung thêm nhiều giá trị mới đảm bảo cho tính chất tiên tiến của nền văn hóa dân tộc, song, mặt khác lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ đáng lo ngại, đó là việc nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền, sự thâm nhập và lấn át của công nghệ và kỹ thuật hiện đại đang ngày càng đe dọa kỹ thuật dân gian cổ truyền...

Thứ ba, tiếp tục tăng cường quảng bá những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hình ảnh con người thân thiện, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, niềm tự hào và sức hấp dẫn của thành phố Sa Đéc để nâng cao vị thế và uy tín hướng tới những mục tiêu nhân văn tốt đẹp. Làng hoa Sa Đéc đã không ngừng sáng tạo, hình thành nên các tác phẩm hàm chứa nghệ thuật và triết lý sâu xa, đặc biệt nét văn hóa, hình ảnh con người Sa Đéc hiền hòa, thân thiện, rất hào sảng, luôn rộng mở tấm lòng, khoan dung độ lượng, truyền thống hiếu khách, truyền thống hiếu học. Trong đó, đóng vai trò quan trọng là sự sáng tạo, năng động, tin cậy, an toàn thể hiện trong thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường… qua đó củng cố và nâng tầm thương hiệu.

Cần chú trọng tăng thêm kinh phí xúc tiến thương mại sản phẩm làng hoa, thường xuyên tổ chức cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm làng hoa, thực hiện các chính sách hỗ trợ điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường; xây dựng hệ thống thông tin nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề mang nét văn hóa đặc trưng và hình ảnh con người Sa Đéc; xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ đối với làng nghề, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh làng nghề.

Thứ tư, phải có ý tưởng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh và truyền thông thương hiệu, bởi vì sản phẩm có thể bị bắt chước bởi đối thủ cạnh tranh nhưng thương hiệu là tài sản của người làm nghề ở làng hoa Sa Đéc, giúp họ có những hiểu biết nhất định về vai trò, vị trí của di sản làng nghề, không chỉ tạo cho họ lòng yêu mến và ý thức bảo vệ di sản, ý thức coi trọng nghệ nhân, qua đó khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của con người “Thủ phủ hoa của miền Tây Nam Bộ”. Di sản làng nghề truyền thống trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc nói chung được xem là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đồng Tháp trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, xây dựng và phát triển làng hoa Sa Đéc như một thương hiệu văn hóa đặc trưng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi thiết thực của mỗi cá nhân. Làng hoa Sa Đéc đã bước vào không gian kinh tế mới, cơ hội lớn và thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi Đảng bộ và nhân nhân thành phố Sa Đéc đặc biệt quan tâm, việc bảo tồn, phát triển bền vững, thịnh vượng trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một việc làm cấp bách, quan trọng, là công việc không thể trì hoãn. Phải đầu tư cho nhân lực, nghệ nhân, thợ giỏi là linh hồn của làng hoa và cũng phải tự tái cơ cấu, loại bỏ những sản phẩm truyền thống mà nó không thích hợp, cùng với đó là sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu hiện nay.

Tỉnh Đồng Tháp cần có chiến lược hỗ trợ các hộ gia đình ở làng hoa Sa Đéc trong việc đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Mặt khác, xu hướng thương mại hóa mà mục tiêu chính là lợi nhuận đang làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề bị phai mờ, giá trị kinh tế được chú trọng mà xem nhẹ giá trị văn hóa - cái hồn của làng hoa Sa Đéc, “gắn với các giá trị mang bản sắc đặc trưng vùng đất Sen hồng như thuần khiết, bền bỉ, nỗ lực vượt khó, khát vọng vươn lên, tinh thần sẻ chia, hướng thiện” (3), nuôi dưỡng và phát huy tinh thần “Tự hào công dân đất Sen hồng” (4).

Thứ năm, giữ vững nguyên tắc trung thực, chất lượng hàng hóa, sản phẩm, uy tín và lợi thế cạnh tranh vốn có, giữ vững nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, hình ảnh con người thành phố hoa, tạo giá trị, tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng doanh nghiệp, người dân và xã hội bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và đảm bảo chất lượng trong cung cấp sản phẩm, quảng bá thương hiệu dưới nhiều hình thức.

Thứ sáu, một hướng xây dựng và phát triển làng hoa Sa Đéc như một thương hiệu văn hóa đặc trưng nữa chúng tôi muốn đề cập tới, đó là phát triển du lịch, một trong những biện pháp tích cực trong hoạt động gìn giữ và phát huy di sản làng nghề với ý nghĩa quảng bá di sản văn hóa, hình ảnh con người Đồng Tháp ra bên ngoài, có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, góp phần nâng tầm du lịch vùng đất Sen hồng, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của “Thủ phủ hoa của miền Tây Nam Bộ”. Với hệ giá trị vốn có, làng hoa Sa Đéc phải trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên, phát triển du lịch làng hoa Sa Đéc cần phải được tiến hành theo định hướng “phát triển du lịch hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường”, thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”, hiền hòa, thân thiện, nghĩa tình, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, góp phần đưa hình ảnh đất Sen hồng ngày càng vươn xa. Đây được xem là hướng phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

1, 2. Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Văn Thiên, Lê Minh Sơn (đồng chủ biên), Quản lý xã hội đối với làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2019, tr.60.

3, 4. Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động và kế hoạch của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI, 2022, tr.106, 102.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nhân tố con người và văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước, Tạp chí Cộng sản, số 885, 7-2016.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Sa Đéc, Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 về Phát triển Làng hoa kiểng kết hợp du lịch cộng đồng.

3. Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu được xác định Xây dựng thành phố Sa Đéc là đô thị mang bản sắc Hoa, phấn đấu Sa Đéc trở thành đô thị loại I vào năm 2030.

4. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

5. Nguyễn Việt Thanh, Lê Minh Sơn, Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4-2020.

Theo Tạp chí VHNT số 509, tháng 9/2022

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-phap-phat-trien-lang-hoa-sa-dec-tro-thanh-thuong-hieu-van-hoa-dac-trung-a23501.html