"Và khi hình ảnh đó được "mã hóa" bởi dư luận, văn chương, nghệ thuật thì sẽ thành biểu tượng lãng mạn", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Người Việt lãng mạn để thích nghi?
Khi một hãng truyền thông của nước ngoài bầu chọn Việt Nam thuộc top 10 quốc gia đàn ông lãng mạn nhất thế giới thì nhiều người đã giật mình, hoài nghi. Nhưng ngẫm lại, lãng mạn rõ ràng là khái niệm chỉ mang tính tương đối, không có thước đo và chịu sự ảnh hưởng nhất định của văn hóa, lịch sử, xã hội... nên nếu có kết quả trên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về sự lãng mạn của đàn ông Việt, nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình lý giải: "Sự lãng mạn của người Việt nói chung và đàn ông Việt nói riêng có ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Ví dụ, trong nền văn minh trồng lúa nước, kiểu "trông trời, trông đất, trông mây", "làm chơi ăn thật" cũng là lãng mạn, rồi sự lạc quan trong khó khăn, đói kém như "Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" cũng là một kiểu lãng mạn rất bản sắc".
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)
"Lịch sử của chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, giặc dã nên trong đau thương, mất mát, chia ly không thể không nhắc tới tinh thần lãng mạn. Chỉ lãng mạn thì người ra trận nghĩ về người yêu, nhìn "cái gạt nước" mới thấy "xua đi nỗi nhớ".
Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi, sự lãng mạn của người Việt nói chung chỉ mang tính thích nghi, có phần cảm tính chứ không xuyên suốt, logic như phương Tây. Vì sao ư? Vì chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo hướng con người vào lối sống khuôn phép, dè dặt", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Cùng quan điểm trên, nữ nhà văn Di Li chia sẻ: "Dù không thể đo đạc chính xác về chỉ số lãng mạn của người Việt nhưng nếu về cách thể hiện điều này thì người phương Tây rõ hơn từ cử chỉ quan tâm đến nhau trong một gia đình như ôm, hôn... điều đó bồi đắp nhiều cho sự lãng mạn.
Còn người Việt thì thường tự hào về sự sở hữu, gắn bó trong tình yêu, hôn nhân nhưng cách thể hiện lại rất thờ ơ, khiêm tốn. Để biện minh, người ta nói rằng vì thấy ngại ngùng, phù phiếm, "dở hơi".
Nhà văn Di Li: "Người Việt lãng mạn một cách khiêm tốn"
"Chuyện đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ là điều nhìn thấy rất rõ. Đây là nghịch lý bởi trong cuộc sống hiện đại, con người có nhiều thuận lợi để bày tỏ sự lãng mạn như quan niệm xã hội đã cởi mở hơn, nhiều dịch vụ, phương tiện thông tin hỗ trợ... nhưng vì sao người ta vẫn không sẵn sàng làm việc đó?
Vì thời đại khó có thể quyết định đến tư duy, văn hóa... Rất nhiều người đang bận rộn, gồng gánh với hàng loạt "trách nhiệm to tát" như công việc, họ hàng, bù khú... mà không nghĩ đến "trách nhiệm" là sống lãng mạn và dành điều đó cho nhau bằng những lời nói, việc làm giản dị, chân thành.
Một thực tế là ở phương Tây, đàn ông hay phụ nữ sau khi lập gia đình sự lãng mạn cũng bớt đi nhiều nhưng ít bị "triệt tiêu", đàm tiếu như ở mình", tác giả "Đảo thiên đường" nhấn mạnh.
Nhiều người đang lãng mạn... viển vông!
Từ cổ chí kim, từ truyền thuyết đến đời thực, người Việt Nam chẳng thiếu những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng dường như hiếm nơi nào trên thế giới lại nhiều người làm thơ, mê phim tâm lý tình cảm, đọc truyện ngôn tình như ở ta... Liệu đó có được coi là lãng mạn không?
Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ bây giờ đang bị cuốn vào các bộ phim lãng mạn, những chuyện tình cảm mùi mẫn tận đẩu đâu rồi rơi vào trạng thái mơ tưởng, hụt hẫng, thất vọng khi nghĩ đến người chồng đầu gối tay ấp.
Tương tự, nhiều người đàn ông đã có gia đình không phải không lãng mạn mà đang "cô đơn" trong chính niềm lãng mạn của mình với hàng loạt nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như: Bản thân không biết cách thể hiện, không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ bạn đời...
Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình đưa ra khuyến cáo: "Đời sống càng hiện đại thì những giá trị nhân văn ngày càng lệch lạc, giảm sút một cách đáng lo ngại, nhất là trong đời sống gia đình. Vì thế, nếu muốn sống lãng mạn, trước hết phải bắt đầu từ sự nhân văn.
Khoảnh khắc lãng mạn tuổi "gần đất xa trời" (Ảnh: internet)
Có thể, các bạn tuổi teen cho lãng mạn là nắm tay người yêu chạy giữa cánh đồng hoa, quỳ dưới mưa ngỏ lời cầu hôn... nhưng một người đàn ông thương vợ, gò lưng đạp xe chở vợ dưới cái nắng 40 độ là nhân văn, khi được "mã hóa" bởi văn chương, nghệ thuật thì sẽ thành biểu tượng lãng mạn".
"Một số chị em phụ nữ có thể ngưỡng mộ, thèm muốn khi thấy người khác được chồng tặng quà, đưa đi du lịch nhưng bây giờ cũng nhan nhản các câu chuyện dở khóc dở như "chia tay đòi quà". Đó không phải lãng mạn mà là sự méo mó, bi kịch. Chưa kể, chúng ta tiếp cận với sự lãng mạn các nước chủ yếu qua phim ảnh, câu chuyện showbiz... nên đôi khi việc đánh đồng giữa thực tế và hư cấu đã dẫn tới niềm mong ước viển vông", PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết thêm.
Ở Việt Nam từng xôn xao câu chuyện chàng trai trẻ đạp xe hàng nghìn cây số tặng hoa cho người yêu thì ở Mỹ cũng rúng động khi một người đàn ông đạp xe từ bang Maryland đến bang Florida để cầu hôn bạn gái và bị một người vô gia cư đâm chết chỉ vì “hiểu nhầm”...
Chàng trai Việt đạp xe hơn 1.000 km bày tỏ tình yêu từng gây nhiều tranh luận
Những câu chuyện trên gợi nhiều liên tưởng, nghĩ ngợi. Đành rằng sự lãng mạn của con người vốn không biên giới nhưng có phải lúc nào cũng đem đến ý nghĩa, hạnh phúc cho cuộc sống hay không?
Đại thi hào Nga Puskin - một biểu tượng cho tinh thần lãng mạn - trước khi chết vì cuộc đấu súng để bảo vệ danh dự cho vợ đã khuyên nàng để tang mình một vài năm và "Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em". Đó là sự lãng mạn đau thương nhưng vĩ đại và bất tử.
Trở lại câu chuyện đàn ông Việt "thôi" lãng mạn khi có vợ, dù còn rất nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khác nhưng nếu thực trạng đang diễn ra như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ cần "soi" lại bản thân mình và điều đó cũng "báo động" về tính nhân văn của xã hội.
Theo Thùy Phương/Báo Gia đình & Xã hội