Miếu đôi thờ Ngài Khai Canh và Ngài Đào Nghệ
Dấu tích làng Việt cổ
Làng cổ Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỉ 15, gần với thời gian mở mang bờ cõi về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt. Người được xem là ông tổ khai sinh làng là hầu tước Hoàng Minh Hùng, quê ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đã thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiến địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau khi xem xét, đoán biết được chỗ đất tươi tốt, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng.
Làng cổ Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu
Đây là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ VH, TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2009. Khác với những ngôi làng ở miền Trung, làng Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu xanh mát với lịch sử ngót 500 năm. Làng còn 27 nhà rường hơn trăm năm tuổi, tập trung chủ yếu ở xóm Đình. Ngõ xóm thẳng tắp, sau những chiếc cổng xưa cũ vẫn là hai hàng chè tàu dẫn vào sân gạch và một ngôi nhà rường lặng lẽ phía sau bức bình phong. Đầu làng có văn miếu thờ đức Khổng tử và các vị hiền nhân, giữa làng có miếu cây thị hơn nghìn năm tuổi, cuối làng có miếu Đôi thờ ngài Khai canh và ngài Bổ nghệ (ông tổ nghề gốm của làng).
Những ngôi nhà rường ở đây được thiết kế theo một phong cách đặc biệt, nó mang dáng dấp của kiến trúc Cung đình Huế. Xây dựng theo kiểu ba gia hai chái, ngói lợp trùng thềm điệp ốc, mỗi ngôi nhà lợp khoảng năm lớp ngói. Trong làng có một ngôi nhà rường cổ và xưa nhất là 145 năm của bác Lê Trọng Phú được xây dựng năm 1870, các kèo nối với nhau bằng hệ thống chốt và mộng gỗ có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng, trên các kèo có các hoa văn cách điệu được chạm khắc tinh xảo.
Mỗi ngôi nhà còn lại đều là một công trình kiến trúc độc đáo của thời xưa và được coi là di sản đặc trưng của Huế
Hương xưa làng cổ
Ngoài những kiến trúc về nhà rường nơi đây còn có miếu cây thị hơn nghìn năm tuổi và nghề gốm nổi tiếng.
Cùng với việc lập làng, những lưu dân phía Bắc vào đây mang theo nghề gốm và qua thời gian đã làm nên tên tuổi hàng gốm Phước Tích. Cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xa hơn nữa…
Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế, Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè… Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
Qua những biến cố thăm trầm của lịch sử, số nghệ nhân gốm thế hệ trước, nay còn không tới chục người. Sau hai mươi năm tắt lửa lụi nghề, ngày nay một số lò gốm trong làng đã được hồi sinh. Cùng vốn quý nhà cổ, việc phục hồi nghề gốm truyền thống đã đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương đến Thừa Thiên - Huế.
Ngô Sinh