Bảo tàng lịch sử quốc gia tham gia khảo sát kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh Nam Bộ

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích thực hiện Kế hoạch tổ chức khảo sát, tọa đàm về kiến trúc Phật giáo Việt Nam phục vụ Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” (dự kiến tổ chức tại BTLSQG vào tháng 4/2023).

a-23523463464-1664764008.jpg
Khảo sát hệ thống tháp cổ tại Tổ Đình Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu

Trong đó, có nội dung triển khai 3 đợt khảo sát Kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng kiến trúc Phật giáo, di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam; tìm hiểu, nghiên cứu đặc trưng kiến trúc Phật giáo, sự thống nhất và đa dạng trong kiến trúc Phật giáo ở các vùng miền, hệ phái... làm cơ sở xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sau đợt khảo sát ở miền Trung và Tây Nguyên (năm 2021); Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp tục phối hợp thực hiện khảo sát di sản kiến trúc Phật Giáo Việt Nam tại 10 tỉnh Nam Bộ từ ngày 15/9/2022 đến 25/9/2022.

Trong thời gian 11 ngày, Đoàn công tác đã khảo sát 42 ngôi chùa thuộc 4 hệ phái: Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Khất sĩ tại 10 tỉnh, thành bao gồm: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, TP.HCM. Trong đó, số lượng chùa thuộc hệ phái Bắc tông: 21 chùa, thiền viện, tổ đình; Nam tông Khmer: 11 chùa; Nam tông Kinh: 4 chùa, thiền viện; Khất sĩ: 4 tịnh xá, tổ đình, pháp viện. Trong quá trình khảo sát, đoàn công tác đã nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành các chùa ở Nam Bộ; về hệ thống các di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam (công trình kiến trúc hoặc một phần của công trình kiến trúc (tam quan, bộ phận/kết cấu/chi tiết kiến trúc); hệ thống tượng thờ, pháp khí, hoành phi, câu đối, kinh tạng…) và thực trạng bảo tồn, phát huy của khối di sản này tại các chùa ở Nam Bộ, từ đó tổng hợp cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng, đề xuất giải phápbảo tồn, phát huy phù hợp với điều kiện thực tế của từng tỉnh, thành, hệ phái.

Trong quá trình hình thành, phát triển, qua nhiều lần trung tu, cải tạo, sửa chữa nhưng một số chùa ở Nam Bộ còn lưu giữ được một khối di sản có giá trị như: Chùa Đại Giác, Long Thiền, Bửu Phong (Bà Rịa Vũng Tàu); Giác Lâm (Tp.Hồ Chí Minh) thuộc hệ phái Bắc tông; Chùa Kh L’eang, chùa Dơi (Sóc Trăng), Chùa Âng (Trà Vinh)… thuộc hệ phái Nam tông Khmer… Trong đó, có nhiều chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh/thành phố, cấp quốc gia. Đây hầu hết là những ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông hoặc Nam tông Khmer hiện đang bảo tồn, lưu giữ khá tốt các di sản Phật giáo vô giá của dân tộc và bản thân những ngôi chùa này đã là di sản cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.

Để tổng kết, đánh giá và lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ trì tổ chức 2 cuộc Tọa đàm khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” tại tỉnh Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh.

a-0256234636-1664764056.jpg
Tọa đàm khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh

Tại Tọa đàm, ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thay mặt đoàn công tác báo cáo tham luận “Phương án dự kiến biểu tượng Kiến trúc Phật giáo Việt Nam và Phương án thiết kế Trụ kinh Chuyển Pháp Luân”. Việc thiết kế biểu tượng Kiến trúc Phật giáo và trụ kinh được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa các di sản văn hóa dân tộc có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo, Chăm pa; thời kỳ Lý - Trần - Hậu Lê… đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số bảo tàng, di tích trên cả nước. Tham luận của BTLSQG đã được Tọa đàm đánh giá cao và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận để có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện biểu tượng (Logo) và Trụ kinh, ứng dụng vào thực tiễn để nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, qua 2 Tọa đàm, Đoàn công tác đã lắng nghe và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ của đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến từ địa phương về kiến trúc và di sản. Từ đó, đề xuất những hướng đi mới để tìm ra những “đặc trưng thống nhất trong đa dạng” cho hệ thống các tự viện trên phạm vi cả nước.

Sự tham gia, phối hợp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong chương trình khảo sát di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở 3 miền Bắc, Trung, Nam (cùng với Ban Văn hóa trung ương GHPGVN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích) có ý nghĩa quan trọng, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung và di sản kiến trúc Phật giáo nói riêng, hướng tới việc xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng cũng như định hướng cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo đảm bảo hiệu quả, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc.

Theo BTLSQG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-tang-lich-su-quoc-gia-tham-gia-khao-sat-kien-truc-di-san-van-hoa-phat-giao-viet-nam-tai-cac-tinh-nam-bo-a23343.html