“Bất tử với Thăng Long” là kịch bản của tác giả Nguyễn Sĩ Chức được chuyển thể cải lương bởi Nguyễn Đình Tự. Tác phẩm được NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng cho Đoàn Cải lương truyền thống – Nhà hát Cải lương Việt Nam. Tham gia vở diễn là các diễn viên: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hồng Hà, Nghệ sĩ ưu tú Chử Thị Hoa, nghệ sĩ Nguyễn Văn Thuận, Lê Trung Tuấn, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Văn Đạt…
Vở diễn là câu chuyện về đại thần Nguyễn Tri Phương, người đã vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn ra Hà Nội làm Tổng đốc. Và trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, ông đã hi sinh tại Thăng Long. Câu chuyện về ông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng nhiều loại hình khác nhau. Nhưng khi bước lên sân khấu cải lương, tấm lòng trung hiếu vì nước vì dân của ông một lần nữa làm thổn thức khán giả.
Trong bối cảnh triều đình rối ren giữa nên hòa hay nên đánh, Nguyễn Tri Phương đã khẳng khái đứng lên quyết đánh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Ông đã nhận nhiệm vụ bảo vệ thành Hà Nội trước ý đồ xâm chiếm của thực dân Pháp, khi đã ngoài ngoài 70 tuổi. Dù Thành Hà Nội thất thủ, bị quân địch bắt giữ, ông vẫn kiên trung, thà chết không chịu khuất phục, trở thành tấm gương, biểu tượng cho khí chất người Hà Nội, một bài ca bi tráng, bất tử. Không chỉ khắc họa nhân vật Nguyễn Tri Phương, vở diễn còn tái hiện sự hy sinh cao đẹp vì đất nước, vì Hà Nội của những người thân trong gia đình Tổng đốc và quân dân Hà Nội.
Vở cải lương đã có nhiều lớp cảnh thú vị khi tái hiện khung cảnh thơ mộng của Hồ Tây với nỗi buồn man mác của công chúa Đồng Xuân về quê nhà xứ Huế thân thương. Bên cạnh đó là lớp cảnh mua chuộc vợ và con Tổng đốc Nguyễn Tri Phương để ép ông dâng thành Hà Nội cho Pháp bằng mưu mô thâm hiểm. Nhưng tất cả đều không làm lay chuyển ý chí bảo vệ thành Hà Nội của Tổng đốc và những người thân của ông.
Đặc biệt, lớp cảnh tái hiện cái chết anh dũng của con trai ông và sự tuẫn tiết của vợ ông trong cuộc chiếm đánh của Pháp rất xúc động. Để giữ trọn tiết khí của một người quân tử, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã chịu nhiều sức ép từ các bên, nhưng trước sau như một, ông quyết cùng quân và dân Thủ đô bảo vệ thành Hà Nội đến cùng. Tấm lòng trung hiếu với Thăng Long của ông đã được đời đời ghi nhớ và tôn thờ.
Sân khấu của vở "Bất tử với Thăng Long" được thiết kế tiết giản chi tiết và mang hàm ý ẩn dụ. Chiếc ghế vua ngồi cũng vừa là một con thuyền cho các nhân vật biểu diễn. Con thuyền đồng thời là chiếc ghế ấy ngụ ý cho sức mạnh của lòng dân ủng hộ một bậc minh quân.
NSND Hoàng Quỳnh Mai tâm đắc với vở diễn này và muốn mượn câu chuyện của Nguyễn Tri Phương để truyền cảm hứng khát vọng dựng xây đất nước cho thế hệ hôm nay. Nữ đạo diễn cho biết: "Quan tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ là một chức quan nhỏ thời của cụ nhưng tôi vô cùng tâm đắc trước câu chuyện của cụ, đặc biệt là từ góc nhìn của ngày hôm nay thì sự hi sinh cho Hà Nội của gia đình Nguyễn Tri Phương là điều vô cùng khâm phục".
Đã có rất nhiều vở diễn ca ngợi Tổng đốc Nguyễn Tri Phương thành công nhưng trên sân khấu cải lương, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai vẫn tạo được dấu ấn với cách dàn dựng giản dị, gần gũi, khai thác thế mạnh của môn nghệ thuật truyền thống này.
“Quan điểm của tôi khi dựng vở diễn là thiên về ca hát và phát huy thế mạnh của âm nhạc cải lương. Những làn điệu bài bản, phong phú của cải lương đã chất chứa cảm xúc, truyền đạt hiệu quả xung đột, mâu thuẫn cũng như hành động kịch”, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.
Tác phẩm sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022 diễn ra từ ngày 25/9 đến 2/10 tại nhiều rạp hát trên địa bàn Hà Nội.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bat-tu-voi-thang-long-tam-long-trung-hieu-cua-tong-doc-nguyen-tri-phuong-a23268.html