Một nghiên cứu của trường Đại học African Leadership (ALU), Tanzania thu được 2,6 tỷ USD từ 1,5 triệu du khách vào năm 2019. Ngành du lịch của quốc gia Đông Phi này đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 623.000 người. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính rằng du lịch đóng góp hơn 10% tổng GDP của Tanzania vào năm đó.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2021 cho thấy 94% dân bản địa làm việc trong ngành du lịch trên khắp châu Phi đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ước tính, gần nửa triệu người đã mất việc. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ khác bị giảm thu nhập hoặc cho tạm nghỉ việc không hưởng lương.
Theo SCMP, với gần 40% đất đai được sử dụng làm công viên quốc gia và khu bảo tồn, thật khó để Tanzania tiếp tục phát triển nếu không có du lịch safari.
Anderson Pakomyus Mesilla là một người bản địa đang làm hướng dẫn viên tập sự tại Vườn quốc gia Ruaha. Trong hành trình, anh hướng dẫn cho du khách cách trở thành một "nhà khoa học".
Anderson đưa cho mỗi vị khách một chiếc máy ảnh nhiệt (có khả năng phát hiện sự khác biệt về nhiệt độ trong một khu vực nhất định và cung cấp hình ảnh trực quan về chúng) cùng một máy tính bảng. Trên đó, họ có thể quan sát khung cảnh xung quanh dễ dàng hơn.
Khi một con báo xuất hiện, máy ảnh nhiệt cũng xuất hiện một mảng màu hồng. Nhiệm vụ của du khách là chụp lại những khoảnh khắc như vậy để Anderson tải lên cơ sở dữ liệu của dự án để hỗ trợ công tác xác định và định vị.
Qua những việc tương tự, du khách đang giúp các nhà khoa học thực hiện cuộc kiểm tra đa dạng sinh học tại khu vực. Đồng thời, số tiền họ bỏ ra cho chuyến trải nghiệm này cũng là khoản đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn.
Theo Anderson, đây là một trong những hình thức mới mà họ đang áp dụng để thu hút khách du lịch đến các khu bảo tồn. Cơ quan Công viên quốc gia Tanzania (Tanapa), Viện Nghiên cứu Động vật Hoang dã Tanzania và một công ty du lịch safari là những đơn vị đứng sau dự án này.
Hellen Mchaki - nhà khoa học của Trạm nghiên cứu sinh thái Douglas Bell, cho biết tăng trưởng du lịch là một phần trọng tâm trong chiến lược của họ đối với Vườn quốc gia Ruaha.
"Trong suốt thời gian đại dịch bùng phát, chúng tôi không có bất cứ nguồn thu nào vì sự vắng mặt của khách du lịch đã khiến các khu lều trại và dịch vụ tham quan phải đóng cửa. Mọi thứ thật tồi tệ khi đó. Công tác bảo tồn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có du khách", bà Hellen chia sẻ.
Du khách đến với khu bảo tồn tư nhân Tswalu Kalahari ở Nam Phi hiện có thể đăng ký trải nghiệm gắn chip theo dõi cho một số loài động vật tại đây. Số tiền thu được sẽ được sử dụng cho việc bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp.
Trong khi đó, tại khu bảo tồn & Beyond Phinda (cũng ở Nam Phi), du khách có thể tham gia nghiên cứu và theo dõi tê tê, một loài bị săn trộm rất nhiều để lấy vảy. Hợp tác với nhóm Hoạt động về Tê tê Châu Phi, dự án đã thành công đưa loài này trở lại khu vực mà chúng đã bị tuyệt chủng tại địa phương từ lâu.
Tiến sĩ Sue Snyman - giám đốc nghiên cứu của Trường Bảo tồn Động vật Hoang dã ALU, nói rằng 95% khách du lịch quốc tế đến Tanzania chủ yếu vì cảnh quan và các loài động vật hoang dã tại đây.
Bà cho biết: "Điều này mang lại động lực cho việc bảo tồn, tạo việc làm và tạo ra doanh thu ở những khu vực có một số cơ hội kinh tế hạn chế".
Lấy Anderson làm ví dụ. Anh là người bản địa và cộng đồng của anh coi lãnh thổ của Vườn quốc gia Ruaha là đất tổ của mình. Trước khi trở thành hướng dẫn viên, anh từng là thợ săn mật ong. Nếu không có du lịch, chắc hẳn giờ đây cuộc sống của anh vẫn bấp bênh vì thu nhập dựa chủ yếu vào mùa mật ong.
Khi được hỏi về suy nghĩ về công việc hướng dẫn viên, Anderson chia sẻ: "Lúc đầu, ông nội và gia đình tôi không yên tâm lắm nhưng hiện tại, họ đã hoàn toàn ủng hộ vì biết rằng những gì tôi đang làm là góp phần bảo tồn nơi này".
Dunia là khu trại duy nhất trên lục địa Châu Phi có người quản lý và toàn bộ nhân viên là phụ nữ. Nơi đây đã tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ Tanzania có công ăn việc làm trong ngành du lịch. Những công việc mà họ đảm nhiệm là nhân viên an ninh, hướng dẫn viên hoặc sắp xếp khu trại.
Trước đại dịch, du lịch châu Phi khá phổ biến đối với du khách Trung Quốc – những người muốn tìm kiếm địa điểm du lịch có không khí trong lành, thiên nhiên, động vật hoang dã kết hợp với trải nghiệm safari.
Năm 2018, trang Trip.com báo cáo mức tăng 70% đối với khách hàng Trung Quốc mua các chuyến du lịch liên quan đến châu Phi. Một báo cáo khác của Hurun Report cho thấy châu Phi là nơi có mức độ quan tâm của du khách Trung Quốc tăng nhanh nhất. Theo một số nguồn tin, tỷ phú Jack Ma từng không ít lần trải nghiệm hình thức du lịch safari tại châu Phi.
Nhiều ngôi sao Trung Quốc đã ủng hộ các chương trình bảo tồn và chống săn trộm động vật hoang dã châu Phi. Cựu ngôi sao NBA Yao Ming và nam diễn viên Thành Long đều tham gia chương trình liên quan đến vấn đề này dành cho người nổi tiếng của WildAid.
Theo SCMP, du lịch safari tại châu Phi đã hồi phục phần nào nhưng vẫn chưa đạt đến mức trước đại dịch. Điều này đặt ra thách thức với các đơn vị làm du lịch trong việc tạo ra nhiều dịch vụ độc đáo hơn nữa để thu hút khách du lịch.
Theo bvhttdl.gov.vn