Cơm đình, một nét đẹp văn hoá truyền thống trong Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang

Cơm đình, một nét đẹp văn hoá truyền thống trong Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) mà rất ít nơi nào trên đất nước ta có được, đã giúp du khách thập phương mỗi khi về dâng hương tưởng niệm cụ Nguyễn đều thấy lòng mình ấm áp.

11-di-an-com-dinh-1663947269-1664096150.jpg
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) cùng với mọi người dùng bữa cơm chay đạm bạc, ân tình tại Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Cơm đình ông Nguyễn thiệt ngon

Nước uống thanh mát vẹn tròn nghĩa nhân

Để có được những bữa ăn đạm bạc phục vụ du khách thập phương về dự Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, xin cảm ơn Ban tổ chức Lễ hội và những mạnh thường quân, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh đã cung tiến nhu yếu phẩm cho Ban tổ chức lễ hội để tổ chức nấu những bữa ăn chay đạm bạc phụ vụ du khách.

Và cũng xin cảm ơn những người dân trong và ngoài tỉnh đã tình nguyện tụ về Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đảm nhận các công việc nấu nướng, tiếp nước uống phụ vụ du khách rất vui vẻ, tận tình, chu đáo, nụ cười luôn nở trên môi đã xua tan mọi mệt nhọc đường xa của du khách thập phương.

Khu cơm chay được bố trí trên đường Mạc Đĩnh Chi, đoạn giáp với đình, nằm đối diện với Toà án tỉnh. Càng về gần ngày chính của Lễ hội, du khách đổ về dâng hương tưởng niệm càng đông. Các bàn ăn lúc nào cũng chật kín người ngồi ăn uống từ sáng đến tối. Người này vừa no bụng đứng lên, người khác liền ngồi vào dùng bữa. Các bàn ăn như “niêu cơm Thạch Sanh” cứ vơi rồi lại đầy được lực lượng tình nguyện viên tiếp tế nhanh chóng, kịp thời, không để du khách phải đợi lâu.

Ở trong khuôn viên của đình Nguyễn Trung Trực cũng được bố trí khu dùng cơm chay phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể đến dâng hương tưởng niệm cụ Nguyễn. Ở đây mâm cơm chay thịnh soạn, trang trí đẹp mắt hơn so với khu cơm chay trên đường Mạc Đĩnh Chi.

444-di-an-com-dinh-1663947598-1664096197.jpg
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Trực vừa tan học về ghé ăn cơm chay.

Hoà chung với không khí của Lễ hội, sau khi tham quan, tôi cũng ghé vào một bàn ăn có bốn người đang ngồi chuẩn bị ăn cơm. Mâm cơm chay gồm các món canh chua, rau xào, mắm chay, rau sống ăn với mắm chay, nước tương,… Mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ. Hỏi người đàn ông ngồi cùng bàn, anh bảo, mới đi biển về là đi Lễ hội cụ Nguyễn luôn.

Bên cạnh bàn tôi ngồi có mấy em học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Trực vừa tan học về cũng ghé ăn cơm. Một em kêu người phụ vụ “Chú ơi, chú dọn giúp bọn con một bàn ạ”, “Được rồi, được rồi, đợi chút, có liền hà”. Chưa đầy 3 phút, mâm cơm đã được dọn ra với đầy đủ các món phục vụ các em học sinh. Ở bàn khác cũng có nhiều công chức, viên chức, học sinh ở các trường trên địa bàn thành phố Rạch Giá tới thưởng thức cơm chay.

55-di-an-com-dinh-1663947069-1664096243.jpg
Mâm cơm chay thịnh soạn, trang trí đẹp mắt trong khuôn viên của đình Nguyễn Trung Trực.

Bữa ăn ở đây rất đa dạng với các món, cơm chay, cháo chay, buffet chay, bún chay, bánh canh chay, bánh xèo chay, bánh mì,.... Bạn thích ăn món gì tuỳ ý, chỉ sợ bao tử bạn không chứa nổi thôi. Riêng bánh xèo thì phải đợi hơi lâu một chút, phải xếp hàng đợi đến lượt mới có vì nhu cầu thì đông mà số lượng người đổ bánh xèo không nhiều.

Du khách đi Lễ hội Cụ Nguyễn không chỉ được ăn uống miễn phí mà nước uống cũng được cung cấp đầy đủ với nhiều loại nước uống khác nhau được bố trí xung quanh khu vực Lễ hội để phục vụ kịp thời du khách.

Các loại nước uống đóng chai được ướp lạnh sẵn, nước cam, trà đường, nước đậu nành, nước đậu bắp, nước chanh, nước đậu đen xanh lồng,… đã được người phụ rót sẵn vào từng ly nhỏ, cầm sẵn trên tay niềm nở mời gọi du khách thưởng thức, nụ cười lúc nào cũng nở sẵn trên môi.

Nụ cười và những li nước ngọt lịm đã xua tan cái cảm giác mệt mỏi của lữ khách đường xa về dự Lễ hội. Mỗi người đều thấy lòng mình thật ấm áp trước sự đón tiếp ân tình, nồng hậu của những người phụ vụ nơi đây.

22-di-an-com-dinh-1663947324-1-1664096283.jpg
Để có được cái bánh xèo phải đợi hơi lâu mới có.

Tôi ghé vào một địa điểm thì được một cô bé cầm sẵn li nước trên tay, mời “con mời chú uống nước,…”. Hỏi tên. Bé bảo, con tên Thuý Thảo, con bán hàng ngoài chợ, sáng nay con đến tiếp các cô chú phục vụ nước uống cho mọi người. Đứng phục vụ suốt như vậy có mệt không con? Dạ không ạ! Con thấy vui nữa là đằng khác (cười), rồi bưng li nước, bọc nước mát mời khách.

33-di-an-com-dinh-1663947385-1664096331.jpg
Thuý Thảo luôn nở nụ cười mời nước du khách.

Cùng với mọi người đi lòng vòng tham quan Lễ hội, tôi nghe được câu chuyện của hai người khách lạ. Họ bảo, đi Lễ hội cụ Nguyễn không sợ đói, sợ khát. Cứ đi tham quan cho thoả thích trong những ngày Lễ hội, đói thì ghé vào ăn uống, ngủ thì vào khu mắc võng nằm, lo gì,…

Hàng nghìn suất cơm chay, nước uống, thuốc uống miễn phí cho bà con đến dâng hương, tham quan đã thể hiện sự tròn đầy nghĩa nhân của những tấm lòng hảo tâm, của những tấm lòng thiện nguyện đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và quảng bá hình ảnh con người vùng đất Kiên Giang thân thiện, gần gũi, hào sảng, mến khách.

Trương Ánh Sáng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/com-dinh-mot-net-dep-van-hoa-truyen-thong-trong-le-hoi-anh-hung-dan-toc-nguyen-trung-truc-o-kien-giang-a23249.html