Lễ hội Cầu Bông của người Kinh ở Bình Phước được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Cầu bông ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gắn với quá trình hình thành các ngôi đình thần và hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân người Kinh sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

le-hoi-cau-bong-13092022-1663825485.jpg
Trao giấy chứng nhận danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống, lễ hội Cầu bông của người Kinh tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng và thị xã Bình Long - Ảnh: TTXVN

UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước tại di tích đình thần Tân Khai, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản.

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống, Lễ hội Cầu Bông của người Kinh tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng và thị xã Bình Long.

Được biết, Lễ hội Cầu bông ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gắn với quá trình hình thành các ngôi đình thần và hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân người Kinh sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Cùng với quá trình khai phá và định cư, người Kinh đã mang theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng làng xã đến với vùng đất mới, trong đó có tục thờ cúng Thành hoàng, những bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ.

Hiện nay, lễ hội Cầu bông ở tỉnh Bình Phước được cộng đồng thực hành tại 5 ngôi đình và một miếu thờ Thành hoàng, gồm: đình thần Hưng Long (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), đình thần Tân Khai (thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản), đình thần Thanh An (xã Thanh An, huyện Hớn Quản), đình Suối Cạn (huyện Hớn Quản), đình Tân Lập Phú (phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long) và miếu Đức Hòa (thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng).

Hằng năm, vào tháng Tám, Chín và Mười (âm lịch), tại các đình thần thường diễn ra nghi thức, nghi lễ cúng tế các vị thần Thành hoàng bổn cảnh. Thông qua hoạt động lễ hội tại đình thần đã phản ánh những ước mơ, khát vọng của cư dân người Kinh đến Bình Phước từ thủa khai sơn mở cõi. Đồng thời đây cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, làng xã vượt qua những khó khăn, vất vả của buổi đầu khai sơn phá thạch cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương trên vùng đất mới.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu Bông, Sở VHTTDL Bình Phước đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các huyện: Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Đăng, thị xã Bình Long, Ban quản lý các đình thần có di sản được vinh danh, phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị có liên quan của tỉnh tăng cường công tác bảo vệ để phát huy tốt các di sản. Các đơn vị tiếp tục xây dựng, đưa Lễ hội Cầu Bông trở thành một bộ phận trong quần thể các điểm du lịch tâm linh của tỉnh Bình Phước.

Theo disanxanh.cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-cau-bong-cua-nguoi-kinh-o-binh-phuoc-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a23214.html