Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn chặt với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào các dân tộc góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức đoàn kết dân tộc.

vh25623463677-1663655714.jpg
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn chặt với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào các dân tộc góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức đoàn kết dân tộc. Ảnh: Nam Nguyễn

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu 

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, với đặc thù vừa là nhiệm vụ, vừa là thế mạnh của ngành Văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân.

Bộ VHTTDL đã giao Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức được 47 lớp tập huấn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ VHTTDL, qua lớp các lớp tập huấn, cán bộ văn hóa xã, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

"Từ đó, thấy được vai trò, nhận thức và ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của đồng bào. Là đội ngũ cốt cán để sau khi kết thúc tập huấn sẽ triển khai đồng bộ, sâu rộng hơn tới bà con tại địa bàn mình sinh sống.

Tại các địa phương, nhất là những địa bàn vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều Sở đã đặt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là trọng tâm của của các hoạt động văn hóa: biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, truyên truyền trực quan... về các quy định pháp luật phù hợp với đối tượng qua dịch sang tiếng dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín và kết hợp với lực lượng biên phòng và cán bộ cơ sở", báo cáo nêu.

Qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn chặt với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn trên cả nước, cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, đồng bào các dân tộc thiểu số và góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là tinh thần tự hào và ý thức đoàn kết dân tộc.

Theo Bộ VHTTDL, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được đổi mới bằng nhiều hình thức, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, có thể thấy rằng hầu hết các quy định pháp luật về lĩnh vực văn hóa cơ sở đã và đang được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng xã hội; ý thức thực hiện pháp luật được nâng cao, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động văn hóa cơ sở ở địa phương.

Bộ VHTTDL khẳng định, đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ, các hoạt động văn hóa ở cơ sở giúp đưa các chính sách, quy định pháp luật vào đời sống xã hội hiệu quả, tiếp cận được người dân một cách phù hợp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Tuy nhiên, theo Bộ VHTTDL công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí bố trí ít hoặc không có, hoặc phải lồng ghép các nhiệm vụ khác nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phát huy được hết hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu.

Ngoài ra, trình độ dân trí tại các vùng miền núi nhìn chung còn thấp, người dân nông thôn trình độ am hiểu pháp luật còn hạn chế. Số lượng văn bản cần tuyên truyền nhiều, địa bàn rộng, trong khi đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật kiêm nhiệm bị ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng tuyên truyền, phổ biến. Kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến của cán bộ làm công tác này không đồng đều, một số còn hạn chế kỹ năng, trình độ.

Bộ VHTTDL đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan ưu tiên kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường phối hợp xây dựng và triển khai các Đề án, chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề, vùng miền, đối tượng đảm bảo thiết thực, phù hợp, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, phổ biến các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Có giải pháp, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ về tăng cường gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng và thực thi pháp luật. Đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nang-cao-doi-song-van-hoa-tinh-than-bai-tru-hu-tuc-lac-hau-o-vung-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-a23192.html