Hội thảo đã nghe các đại biểu là chuyên gia khu vực của UNESCO trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO tại Việt Nam và thành phố Huế nhằm khuyến khích phản hồi từ các bên liên quan để xác nhận kết quả dự án; nghe tổng quan về những thách thức và cơ hội của việc thực hiện dự án… Hội thảo cũng nghe các điều phối viên quốc gia, cấp thành phố trình bày hồ sơ văn hóa của Việt Nam và thành phố Huế cùng những phát hiện chính theo từng khía cạnh và chỉ số, khuyến nghị chính sách trong báo cáo quốc gia và thành phố để tìm kiếm sự xác nhận từ các bên liên quan…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu rõ, sau 10 tháng nỗ lực thực hiện, nhóm triển khai ở cả cấp quốc gia và tại thành phố Huế đã hoàn thành dự án với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO là một khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các Mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại cấp quốc gia, địa phương. Chỉ số này là nền tảng cho việc vận động chính sách cho văn hóa trong các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cũng như lồng ghép vào các kế hoạch, chính sách phát triển ở cấp quốc gia, đô thị và trong khuôn khổ hỗ trợ Phát triển Liên hợp quốc (UNDAFS).
Với 22 chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội, bộ chỉ số Văn hóa|2030 giúp đánh giá vai trò của văn hóa như một lĩnh vực độc lập, một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Việc triển khai dự án được thực hiện theo các phương pháp và nguyên tắc mà UNESCO đề ra, đặc biệt là việc đảm bảo sự liên kết các nguồn dữ liệu do các cơ quan, đơn vị khác nhau nắm giữ.
Để đảm bảo nguyên tắc này, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập và xử lý dữ liệu định lượng, định tính cần thiết cho 22 chỉ số. Đó là chỉ số về: Đầu tư cho di sản, quản lý di sản bền vững, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, thiết chế văn hóa, đóng góp của văn hóa vào GDP, việc làm trong lĩnh vực văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đầu tư công cho văn hóa, quản trị văn hóa, giáo dục văn hóa-nghệ thuật, giáo dục vì phát triển bền vững, giáo dục đa ngôn ngữ, đào tạo văn hóa, văn hóa vì sự gắn kết xã hội, tự do nghệ thuật, tiếp cận văn hóa, tham gia văn hóa và các quá trình tham gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, những đóng góp ý kiến về các kết quả của dự án cũng như khuyến nghị chính sách được phát triển dựa trên các kết quả này sẽ giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm dự án. Từ đó giúp Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả hơn vào bức tranh chung về hiện trạng văn hóa toàn cầu được trình bày trong báo cáo toàn cầu của dự án Chỉ số Văn hóa|2030 sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững của UNESCO (Mondiucult 2022) diễn ra vào ngày 28-29/9 tại Mexico.
T.H