Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu
Hội thảo là một bước quan trọng chuẩn bị cho hoạt động sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021) sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 11/2022.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động quan trọng của ngành văn hóa, nơi các đại biểu tham gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đánh giá về một chặng đường phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong 5 năm qua.
Theo Thứ trưởng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vào năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương và quốc gia. Việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa vào những chuyển dịch sâu rộng hơn.
Bộ VHTTDL nhận thức sâu sắc về sứ mệnh và vai trò quan trọng của mình trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đề ra và nỗ lực chuyển hóa động lực ban đầu này thành các hành động cụ thể. Từ việc đóng góp vào cải thiện khuôn khổ chính sách cho tới triển khai các kế hoạch và chương trình cụ thể, Bộ VHTTDL đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong những thành tựu mà các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt được trong 5 năm qua.
"Tuy nhiên, vai trò của Bộ sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu đi sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhiều bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cá nhân tâm huyết với văn hóa nghệ thuật" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong tiến trình phát triển của văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, bên cạnh những thành tựu luôn tồn tại những hạn chế và thách thức. Sự phát triển toàn diện mà chúng ta luôn kỳ vọng và mong muốn đạt được đòi hỏi phải có những đánh giá định kỳ để xem xét đầy đủ, khách quan những tác động thực tiễn của Chiến lược.
Những bằng cứ này là cơ sở giúp chúng ta xác định những yêu cầu chuyển đổi cần thiết cũng như những nhân tố mới, động lực mới nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa mà chúng ta đang cùng hướng tới. Với ý nghĩa này, đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần dần được coi là một động lực- vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.
Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…
So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới với mức tăng trung bình hằng năm đều đặn 10%. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Có thể khẳng định, dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển công nghiệp văn hóa, vẫn còn nhiều khó khăn. Việc định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn không ít rào cản.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế.
Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, thu hút trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc cùng khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn về thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt vè kiến thức và kỹ năng để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường. Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề về đào tạo và quản lý nhân sự theo hướng tăng cường khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, công nghiệp văn hóa thời gian qua cũng đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực âm nhạc, song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững, thì rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của nhà nước cho các dự án, tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân- nhạc sĩ Quốc Trung mong muốn.
Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của nhiều nước trên thế giới, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực , xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…
Ghi nhận những chia sẻ, ý kiến và đóng góp được các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, 5 năm qua, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều hạn chế.
Theo Thứ trưởng, có nhiều việc chúng ta làm được và nhiều việc chưa làm được, thậm chí có nhiều việc còn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực nhưng để thành hình hài, phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như chiến lược đề ra thì khối lượng công việc vẫn còn nhiều. Cùng với đó là các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời gian tới.
Theo bvhttdl.gov.vn