Chuyện kể ở “thủ phủ” thuốc phiện
Ông Hơ Chứ Hơ, nguyên trưởng bản Cá Nọi, xã Pù Nhi đưa chúng tôi đi thăm mảnh đồi bạt ngàn đào, mận. Trong tâm trí của ông Hơ, không nghĩ nơi mình “chôn nhau, cắt rốn” một thời được coi là “rốn lũ” của thuốc phiện giờ đã đổi thay.
Ông Hơ kể lại, cây thuốc phiện được xem là cây truyền thống từ xa xưa, khoảng 200 năm trở về trước và tập quán người Mông ở Mường Lát trồng cây rau màu khác xen canh với cây thuốc phiện. Đặc biệt, vào những năm 80, nhà nhà, người người trồng thuốc phiện, thậm chí cả cán bộ cũng trồng thuốc phiện. “Không chỉ bà con đồng bào Mông trồng thuốc phiện đâu mà nhiều người dân nơi khác đến, kéo nhau vào trong rừng, phát nương, để trồng loài cây có hoa rất đẹp ấy. Không lâu sau, Pù Nhi trở thành vùng đất trồng cây thuốc phiện tốt nhất, năng suất nhất ở vùng biên Mường Lát” - Ông Hơ nói.
Mùa trồng thuốc phiện bắt đầu từ tháng 8, 9 đến tháng 3 năm sau thì cho thu hoạch. Khi mỗi mùa Xuân về, đứng từ cổng trời nhìn xuống, sẽ thấy một trảng đồi ngập màu tím của hoa anh túc. Thổ nhưỡng, khi hậu ở đây lại rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của loại cây này, vì thế mỗi hecta hoa anh túc cho sản lượng 2 - 3kg nhựa, bán với giá từ 1 đến 2 triệu đồng/ 1 kg. Đến mùa thu hoạch hoa anh túc cánh thương lái trong nước, nước ngoài tìm đến tận nơi để mua. Nhà nào chăm chỉ, trồng nhiều, chăm tốt, mỗi năm cũng cho thu nhập cả chục triệu đồng. “Những năm trước đổi mới, thu nhập cả chục triệu đồng mỗi năm là cao lắm rồi, nhưng ngặt nỗi, trồng thuốc phiện mãi mà đời sống của đồng bào nơi đây vẫn không thể khấm khá; thậm chí càng trồng thuốc phiện lại càng nghèo bởi có sản phẩm bà con lại hút. Có gia đình bố không hút thì con, cháu lại hút. Thuốc phiện bủa vây bản làng” - Ông Hơ nói.
Khi việc trồng thuốc phiện của đồng bào Mông nơi rẻo cao Mường Lát này đang ở thời kỳ “hoàng kim”, nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, khi ấy ông Lâu Gia Pó, bản Pù Toong đang là cán bộ xã, sau này là Chủ tịch xã Pù Nhi. Đến giờ, ông Pó vẫn nhớ như in phong trào “triệt tiêu” cây thuốc phiện của Pù Nhi. Ông Pó kể, Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện hết sức khó khăn. Bởi với đồng bào Mông thì cây trồng này là loại cây trồng truyền thống, việc trồng thuốc phiện được xếp vào danh mục công việc phải làm trong năm, cây này đang cho thu nhập. Khi đến tuyên truyền về việc phá bỏ cây nguy hại này, nhiều gia đình đã hiểu, đồng ý nhổ bỏ, tuy nhiên không ít gia đình đã không thực hiện chủ trương.
“Những năm khó khăn ấy, thu nhập từ cây thuốc phiện là chính; người dân nơi đây dùng thuốc phiện để tiếp khách, rồi chữa bệnh,… Họ lo lắng, bỏ cây anh túc rồi biết làm gì để ra thu nhập, lấy gì để tiếp khách, chữa bệnh” - Ông Pó nói.
Hơn 3 thập kỷ trôi qua, nhưng ông Pó vẫn nhớ cái đói lay lắt của đồng bào nơi đây mỗi mùa giáp hạt. Bởi theo ông Pó, trồng anh túc qua bao năm nhà nhà vẫn không giàu lên được, con cái không được đi học mà cứ quẩn quanh với đồi, núi. Người già, thanh niên đều nghiện hút.
Ông Pó kể, trong xã có ông Va Văn Di, bản Pù Ngùa là người có chữ nhưng ông cũng nghiện hút. 15 năm nghiện thuốc phiện, từ một gia đình giàu có, tiêu biểu trong xã, nhà ông Di trở nên nghèo xơ xác. Thấy được vợ con khổ, ông Di kiên trì cai nghiện, sau này ông được bà con nhân dân trong xã bầu làm Chủ tịch xã Pù Nhi.
Câu chuyện của ông Di được tuyên truyền trong xã, bà con thấy được tác hại của hoa anh túc. Không chỉ vậy, ở thời điểm ấy, sau khi phá bỏ cây thuốc phiện, nhà nước có một số chính sách hỗ trợ như chương trình 134, chương trình 30 A. Bà con được hỗ trợ một số giống cây, giống con; hỗ trợ 1 số hộ nghèo làm nhà; nhà nước kéo điện, làm đường, trường, trạm,… Từ đó bà con thấy rõ bà con thấy rõ Đảng, nhà nước quan tâm đến đời sống của họ, dần dần đồng bào đã “đoạn tuyệt” với cây thuốc phiện. Đến những năm 1997 cây thuốc phiện đã bị “tiêu diệt” ở Pù Nhi…
Pù Nhi, ngày mới!
Mặt trời đang lấp ló sau đỉnh núi Pù Nhi đã nghe tiếng gọi nhau í ới từ xa vang lại. Ông Hơ nói, người dân trong bản gọi nhau mang ngô, dưa mới hái ra công trời để bán. Từ khi từ bỏ cây thuốc phiện, bà con trong bản làng Pù Nhi đã biết trồng các loại cây trồng cho thu nhập cao.
Dân số ở bản Cá Nọi cũng không ngừng tăng lên, ngày ấy cả bản Cá Nọi có 75 hộ, nay đã là 145 hộ. Cả bản không có ai trồng hoa anh túc cũng không có còn ai nghiện. Những gia đình ngày trước trong bản có người nghiện nay đã có phương tiện đi lại, trở thành những gia đình khá giả, nhà cửa ổn định. Giờ đây, người dân trồng đào, mận, cây lúa, cây ngô, trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò. Con em được đến trường tìm cái chữ.
Địu đứa cháu hãy còn ngái ngủ ở trước người, bà Thao Thị Dính, bản Pù Toong tranh thủ mang ngô ra cổng trời để bán. Bà Dính cho biết, được cán bộ tuyên truyền, vận động, đã lâu lắm rồi ở Pù Toong không ai trồng anh túc nữa mà đã chuyển đổi sang trồng đào, mận. Riêng nhà bà Dính trồng gần 4 hecta mận; mận năm nay được mùa, được giá, nhà bà thu về vài chục triệu đồng.
Bên cạnh đấy, nhà cũng trồng thêm ngô, lúa. “Ngô, sắn ăn không hết mang ra cổng trời bán, nhiều khách mua lắm. Được Đảng, nhà nước quan tâm, bà con đồng bào Mông đã không còn di cư, họ biết làm ăn, chăn nuôi, phát triển kinh tế, vì thế ở Pù Toong này không ai thiếu ăn mùa giáp hạt mà ngược lại có hộ đã sắm được xe đạp điện, xe máy; xây nhà mới to, đẹp” - Bà Dính khoe.
Bà Dính bảo, khi cháu được 3 tuổi bà sẽ đưa đi ra trường mầm non xin học. “Đi học, có chữ làm gì cũng dễ hơn người không biết chữ. Ta già rồi nhưng hễ có lớp học hay tâp huấn về nông nghiệp gì ta cũng tham gia. Ta muốn con, cháu ta cũng được học không phải vất vả, “chân lấm, tay bùn” - Bà Dính nói.
Đi cùng tôi trên những con đường bê tông ngoằn nghèo dẫn ra những thửa ruộng bậc thang lúa xanh mơn mởn, ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi tâm sự: Dẫu còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, song tin tưởng việc phát huy những nguồn lực sẵn có về diện tích đất tự nhiên lớn lên đến 6.571ha, nguồn lao động dồi dào cùng dư nợ tín dụng chính sách lớn (35 tỷ đồng)… sẽ là những tiền đề để xã Pù Nhi xây dựng, phát triển.
Theo ông Nhân, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, thay đổi lớn ở những bản làng người Mông là đồng bào biết xem trọng việc học. Các con, cháu đến tuổi đều được đến trường; chất lượng dạy và học luôn được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, có nhiều con em đậu Đại học, Cao đẳng công tác ở xa, ủng hộ bản làng xây dựng NTM; cũng có nhiều con em sau khi tốt nghiệp trở về quê hương công tác, cùng xây dựng quê hương Pù Nhi ngày càng văn minh, tiến bộ,…
Hồng Hạnh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thanh-hoa-doi-thay-o-thu-phu-thuoc-phien-a23080.html