Di tích Quốc gia Hải Vân Quan kêu cứu!

Dù đã được công nhận là di tích quốc gia nhưng Hải Vân Quan (nằm giữa địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng) đang bị lãng quên trước sự ứng xử vô cảm của con người và tàn phá của thiên nhiên.

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

 Hải Vân Quan (đèo Hải Vân) từng là vùng đất thấm đẫm máu và nước mắt của biết bao lớp tiền nhân từ thuở đi khai hoang, mở hóa về phương Nam.

Vào nửa đầu thế kỷ thứ XVI, chúa tiên Nguyễn Hoàng là người Việt Nam đầu tiên thực hiện cuộc Nam tiến, định hình khu vực lãnh thổ rộng lớn  xứ Đàng Trong. Từ đó, biết bao lớp tiền nhân của người Việt xưa như Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương,… đã vượt qua bao núi cao, rừng sâu với bao hiểm nguy rình rập để dựng xây nên một vùng đất phương Nam màu mỡ và trù phú như ngày hôm nay.




Hải Vân Quan – Thiên hạ đệ nhất hùng quan một thuở này hoang tàn xiêu vẹ

Trải qua nhiều đời vua, Hải Vân Quan vẫn luôn được xem trọng với vị trí chiến lược về chính trị, an ninh và quốc phòng. Dấu xưa huy hoàng Hải Vân Quan vẫn được lưu lại trong các thư tịch cổ nước nhà.  Như vậy, Hải Vân Quan không chỉ giản đơn là trạm trung chuyển, điểm dừng chân, trên con đường huyết mạch Bắc-Nam, là đất yết hầu, là vùng cửa ngõ của nước Đại Nam khi ấy mà còn là cột mốc ranh giới phân định giữa Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng.

Sử sách có chép rằng, năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng đã cho xây cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân trong cảnh đèo núi hoang vu, nơi “chúa sơn lâm” còn ngự trị. Trước đó, khi thân chinh đi đánh Chiêm Thành (1470), lúc đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông thấy cảnh đẹp và địa hình núi non hiểm trở nên đã đặt cho nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn có đoạn: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quảng hạt Quảng Nam”.




Nhiều mảnh tường, lô cốt, lỗ châu mai rêu phong, rạn nứt

Không những thế, Hải Vân Quan còn được trời đất ban cho  không gian yên bình của chốn sơn cước thủy mặc. Đó là nơi có địa hình cheo leo, khúc khuỷu, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, mây mù bao phủ quanh năm. Đó là chốn “tiên cảnh bồng lai”, từng làm lay động tâm hồn, niềm xúc cảm, cảm hứng nghệ thuật cho biết bao văn nghệ sĩ.

Nguy cơ bị xóa sổ

Nhắc lại trang sử oai hùng của Hải Vân Quan ai cũng đều rất đỗi tự hào, nhưng đó chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua. Dấu xưa huy hoàng của Hải Vân Quan chỉ còn là vậy: đống gạch đá sắp… đổ nát!

Từ năm 2000, kể từ khi hầm đèo Hải Vân, công trình thế kỷ XXI được thông xe, Hải Vân Quan càng vắng vẻ người qua lại, buồn, ảm đạm vô cùng. Một công trình kiến trúc mang nhiều giá trị như vậy mặc dù đã được xếp hạng là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhiều lần kêu cứu song Hải Vân Quan ngày ấy và bây giờ vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo và đặc biệt là sự quan tâm của các cấp, ban ngành và chính quyền địa phương.

Đường lên Hải Vân Quan (hay đèo Hải Vân) khá vắng vẻ, chủ yếu là những xe gắn máy của những nam thanh nữ tú muốn thử thách cùng núi non hay tìm không gian đẹp để “chộp” những bức ảnh “tự sướng”, hay thi thoảng cũng có vài chiếc xe ô tô loại nhỏ cũng những người lính năm xưa, khách quốc tế.

Men theo con đường nhỏ dốc và lởm chởm đá để lên cổng Hải Vân Quan. quang cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nham nhở dây leo, cỏ cây hoang dại xen lẫn trong những hầm hố, bám níu trên cổng thành. Chưa hết, dấu tích của sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” vang danh một thời cũng dần mờ theo năm tháng. Cổng Hải Vân Quan chi chít những lỗ hỏng từ những viên đá ốp trong, treo lơ lửng trên cao và có thể rơi bất cứ lúc nào.




Hải Vân Quan đang có nguy cơ bị lãng quên

Và còn đó nhiều lô cốt cùng những lỗ châu mai quân sự Pháp sụp bể, nắp nằm nghiêng ngả, bám nhiều cỏ lau, cây hoang dại. Trông xa, khó có ai có thể đoán ra đó là lỗ châu mai, và cũng chẳng khác gì những hang hốc tự nhiên. Nằm liền kề là một ngôi nhà, vốn xưa kia là trụ sở của những người trông coi Hải Vân Quan, giờ cũng bị bỏ hoang, cũng lâu rồi không ai còn nhớ và đến ở.

“Không ngờ Hải Vân Quan giờ lại hoang tàn đến như vậy. Còn nhớ cách đây có 15 năm chưa tới, khi Hải Vân Quan còn là điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước mỗi lần đi ngang qua đỉnh đèo Hải Vân trong lộ trình xuyên Việt. Cảnh người đến và đi không bao giờ kể hết. Nhưng giờ thì có khi  cả ngày cũng chẳng có ai đến thăm, nếu có chỉ là những vị khách quốc tế và giới trẻ” – một cô chủ bán hàng lưu niệm trên Hải Vân Quan bộc bạch.

Hải Vân Quan vẫn còn đó về dấu tích oai hùng của khí phí bao lớp tiền nhân rất đáng tự hào! Rời Hải Vân Quan, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước sự tàn tạ của một di tích lịch sử quan trọng. Nhìn cổng Hải Vân Quan cùng với những lô cốt, lỗ châu mai đang gồng mình để chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên mà thấy bồn và lo trước sự ứng xử lạnh nhạt của con người. Có lẽ Hải Vân Quan đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ trong nay mai?

Theo Báo Dân Sinh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tich-quoc-gia-hai-van-quan-keu-cuu-a2308.html