27/07/2015 08:26
27/07/2015 08:26
Mộc thư khố chùa Vĩnh Nghiêm -Những điều ít biết
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) được Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012 và đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhưng ít ai biết, phía sau danh hiệu ấy, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã có một hành trình chìm nổi…
Người gắn bó 20 năm với mộc bản
Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm kể: Ngay từ khi còn là một chú tiểu 15-16 tuổi, lần đầu tiên được nhận vào chùa, được giao cho việc lau chùi kho mộc bản, ông không khỏi bồi hồi. Ông như cảm nhận thấy cả một dòng lịch sử cuồn cuộn chảy trong mỗi bản mộc thư. Mỗi lần lau chùi, ông đều ngắm nghía những đường nét tinh xảo thể hiện nghệ thuật điêu khắc tài hoa của những nghệ nhân xưa. Sau khi được nhà chùa cho đi học và trở về quản lý với vai trò Phó Trụ trì Vĩnh Nghiêm tự, ông luôn tâm niệm sẽ làm hết sức mình để mọi người cùng hiểu những giá trị của kho mộc bản quý giá trong chùa. “Thế nhưng, khi UNESCO công bố kho mộc bản không được công nhận là di sản thế giới, tôi không buồn mà cho rằng điều đó là thuận với lẽ tự nhiên. Bởi so với các văn bia tiến sĩ thì hồ sơ của mộc bản chưa được đầu tư một cách kỹ lưỡng, có chiều sâu. Bản thân sự đầu tư về kinh tế cho kho mộc bản cũng chưa thể sánh với các văn bia”. Và niềm vui tràn ngập đến với ông khi kho mộc bản vẫn được vinh danh và trở thành Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Đây là bước quan trọng để mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hướng tới danh hiệu di sản văn hóa của toàn nhân loại” - Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết. Niềm hy vọng của Đại đức bây giờ là mong muốn cho bộ mộc bản này sớm được dịch sang tiếng Việt để nhiều người biết được những giá trị to lớn của dòng thiền Trúc Lâm, một dòng Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam.
Kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc được lưu giữ trong chùa.
Chất liệu đặc biệt của mộc bản
Chất liệu để làm mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là gỗ thị. Đây là loại chất liệu hội tụ khá nhiều ưu điểm như mịn, mềm, dai, dễ chạm khắc những hình khối sắc nét và không bị cong vênh theo thời gian. Thêm vào đó, bản thân loại mực dùng để in từ mộc bản này thường có dầu nên chống được mối mọt. Trước khi san khắc, gỗ thị còn được luộc kỹ và xử lý hóa chất để chống co giãn nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt. Đó là lý do khiến cho hàng trăm năm nay, các mộc bản còn lại tại chùa Vĩnh Nghiêm cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn hình khối với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, độc đáo. Tuy nhiên, gỗ thị lấy từ đâu và phải có tiêu chuẩn như thế nào mới có thể dùng làm chất liệu cho mộc bản? Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, một phần gỗ được lấy từ những cây thị trong chùa. Trước đây, chùa Vĩnh Nghiêm có đến hàng chục cây thị được đốn để làm mộc bản. Hiện nay, trong chùa vẫn còn 2 gốc thị được cho là có thân bị đốn dùng để chế tác mộc bản. Ngoài ra, thị được thu gom ở xung quanh xã Trí Yên và thậm chí cả vùng Lục Nam, Hải Dương để làm nên kho mộc bản khổng lồ ấy. Đến nay, không còn tài liệu nào nói cụ thể về việc thu gom thị làm mộc bản tuy nhiên theo phán đoán của Đại đức Thích Thanh Vịnh thì với kích thước của mộc bản có những bản tới 1,8 x 0,3m thì chí ít những cây thị được dùng phải là loại cây thị có niên đại từ 50 năm trở lên.Việc quy tụ hàng trăm cây thị có niên đại như trên để làm mộc thư khố cho thấy một quy mô lớn của tiền nhân trong việc gìn giữ và phát triển những giá trị của thiền phái Trúc Lâm.
Du khách quốc tế thăm chùa Vĩnh Nghiêm - 5/2015. Ảnh: Hữu Phương.
Sức sống kỳ diệu
Chùa Vĩnh Nghiêm và trụ trì của chùa qua các thời kỳ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Đây cũng là lý do cho việc xây dựng một ngôi chùa có cùng tên Vĩnh Nghiêm tại Sài Gòn từ năm 1964. Theo lịch sử của chùa thì Thiền gia pháp chủ Thích Thanh Hanh là trụ trì của chùa trong giai đoạn đầu thập niên 20 của thế kỷ trước có công rất lớn trong việc gìn giữ và truyền bá những tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội. Chính ông là người đã lập đàn chay cúng cho mẹ của vua Bảo Đại. Chính vì vậy, chùa Vĩnh Nghiêm được đầu tư lớn vào năm 1936 với sự hậu thuẫn của nhà nước phong kiến và chính quyền bảo hộ Pháp. Bản thân người Pháp luôn có thái độ tôn trọng với chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện bằng việc nhiều lần tới đây và đã từng in các bản mộc bản ra giấy đưa về Pháp. Trong các đợt càn quét, người Pháp cũng luôn tránh làm tổn thương đến chùa và các tài sản trong chùa, trong đó có kho mộc bản độc đáo này.
Tuy nhiên, đến giai đoạn đế quốc Mỹ xâm lược, quân đội Mỹ đã nhiều lần tổ chức bắn phá, đánh bom khu vực này. Nhưng lạ thay, bom đạn rơi nhiều xung quanh chùa nhưng tịnh không có quả bom nào bắn được vào khu vực chùa. Thực hiện chiến lược vườn không, nhà trống, người dân trong xã đã tháo hết các cánh cửa chùa đem đi giấu ở các ao làng để quân Mỹ và đồng minh không tận dụng được. Toàn bộ tượng phật và kho mộc bản vẫn để tại chùa nhưng không ai dám lấy. “Do mộc bản khô, nổi được trên mặt nước nên bọn thuyền chài (thực chất là lực lượng phản động - PV) đã nhiều lần lấy mộc bản về làm phao, kéo lưới, hậu quả là đều bị chết thảm cả” - Bà Cao Thị Đích, 75 tuổi, một người dân gắn bó với chùa Vĩnh Nghiêm từ lúc sinh ra tới nay cho biết.
Theo Làng Việt Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/moc-thu-kho-chua-vinh-nghiem-nhung-dieu-it-biet-a2307.html