Thực hiện Công văn số 3146/BVHTTDL-DSVN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai chương trình hoạt động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Đây là một trong những hoạt động văn hóa phi vật thể nhằm thúc đẩy văn hóa giữa các vùng miền, các thanh đồng chung tay xây dựng văn hóa, tín ngưỡng theo đúng đường lối của Đảng “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đồng thời, phát hiện những năng lực tiềm ẩn của các cá nhân, ở các vùng miền, trong đó có khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trên cơ sở đó, nghiên cứu các giải pháp ưu Việt trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc.
Tới dự và chúc mừng chương trình có đại diện Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Phòng Văn hoá thị xã Duy Tiên. Về phía Ban tổ chức có TS Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển; PGS. TS Phạm Hùng Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển; Ông Hoàng Văn Thương - Chủ tịch Hội đồng trung tâm truyền thông kỹ thuật môi trường - Thủ nhang Phủ Mẫu Mộc Hoàn. Cùng một số cơ quan, tổ chức; đại diện chính quyền địa phương. Đặc biệt hơn cả, là sự góp mặt của đông đảo bà con nhân dân; nghệ nhân, đồng đền - thủ nhang; thanh đồng của một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó, tạo nên một bầu không tươi vui, phấn khởi và trang nghiêm.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Phạm Hùng Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển nhấn mạnh: “Văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khư, hiện tại và tương lai. Kho tàng di sản văn hoá đó không chỉ góp phần tạo nên văn hoá Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Trong kho tàng văn hoá phong phú đó, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là một điểm sang và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại”.
“Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển là tổ chức khoa học và công nghệ có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc bao gồm: vật thể, phi vật thể, vận động, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền người tham gia thực hành, quảng bá văn hoá Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Việc phối hợp với Phủ Mẫu Mộc Hoàn, tổ chức sự kiện giao lưu văn hoá chầu văn ngày hôm nay chính là để thực hiện một trong những chức năng nói trên của Viện”, PGS. TS Phạm Hùng Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.
PGS. TS Phạm Hùng Việt không quên gửi lời chúc sức khoẻ và cảm ơn tới các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam, phòng Văn hoá thị xã Duy Tiên, UBND xã Mộc Bắc đã tạo điều kiện để sự kiện giao lưu văn hoá chầu văn được tiến hành thuận lợi.
Theo đó, đại diện phía thôn Hoàn Dương cũng đã phát biểu cảm ơn Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, đồng thời giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Phủ Mẫu Mộc Hoàn, qua đó giúp đại biểu khách mời có góc nhìn sâu sắc hơn.
Bình An