Hội thảo “Văn hoá quản lý với di sản văn hoá trong quá trình hội nhập và phát triển”

Sáng 7/9/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Văn hoá quản lý với di sản văn hoá trong quá trình hội nhập và phát triển”. Tham gia hội thảo là những nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, chuyên biệt về di sản văn hoá các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, hiệp hội về văn hoá dân tộc.

vhql-1662562985-1662605738.jpg
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Hội thảo “Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển” được Viện Phát triển Văn hóa dân tộc (VUSTA) tổ chức.

Tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phan Xuân Dũng cho biết: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/1946, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phái triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần”, "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi".

Ông Dũng cũng cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và những thách thức rất to lớn; trong đó có những vấn đề về văn hoá và con người. Quản lý văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, có những đặc thù về nội dung, cấu trúc và biểu hiện, xuất hiện như là sự tích hợp không thể tách rời của văn hóa với quản lý.

Bản thân các khái niệm văn hoá, quản lý văn hoá thường có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau. Văn hoá được coi là tổng thể  những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và tình cảm, quyết định bản sắc của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội…

Quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; đồng thời là chức năng, nhiệm vụ của Viện Phát triển văn hóa dân tộc (thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam).

vhql-2-1662563086-1662605791.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Các tham luận tham gia tại hội thảo nhằm tập trung làm sáng rõ vấn đề văn hoá quản lý cả về mặt cơ sở lý luận lẫn thực tiễn, hướng tới nhận thức khoa học về ứng xử với di sản, tiếp thu kinh nghiệm trong văn hoá quản lý di sản từ các nền văn hoá tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để ứng dụng sáng tạo vào Việt Nam.

Các tham luận cũng tập trung vào các vấn đề cơ sở lý luận, các khái niệm về vấn đề văn hoá quản lý di sản văn hoá trong môi trường hội nhập quốc tế; thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về văn hoá quản lý trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá thời kỳ hội nhập quốc tế (từ 1991 đến nay); tiếp biến văn hoá quản lý trong hội nhập quốc tế đối với văn hoá quản lý di sản văn hoá ở Việt Nam…

Qua đó, nhằm đóng góp những kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan có thẩm quyền quản lý văn hoá nói chung, di sản văn hoá nói riêng; từ đó góp phần tạo ra chuyển biến, tiến bộ mới, hiệu quả cao hơn nữa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiểu Vũ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoi-thao-van-hoa-quan-ly-voi-di-san-van-hoa-trong-qua-trinh-hoi-nhap-va-phat-trien-a23007.html