Ngôi nhà độc đáo
Tọa lạc tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhưng Nhà trăm cột lại được xây dựng theo một lối kiến trúc vô cùng đặc biệt. Chủ nhân kiến tạo nên ngôi nhà này – Ông Trần Văn Hoa (Hội đồng làng Long Hựu thời bấy giờ) đã đích thân ra Huế tham quan kiến trúc kiểu nhà rường ở đây, cũng chính ông là người theo sát việc lên bản thiết kế cho đến khâu lựa chọn vật liệu xây dựng ngôi nhà.
Nhà trăm cột được xây dựng theo kiểu nhà rường xứ Huế với ba gian, hai chái. Còn tên gọi Nhà trăm cột là do ngôi nhà tổng cộng có 120 cột (68 cột tròn và 52 cột vuông). Mỗi hàng cột sử dụng những loại gỗ quý khác nhau như cẩm lai, thao lao, gõ đỏ, mun, giá tị… được mua từ Tân Uyên, Bình Dương mang về. Chúng được tuyển chọn từ những cây đã già, lõi đắng khiến mối mọt không thể xâm nhập. Nhưng theo bà Trần Thị Ngõ – cháu nội dâu của ông Trần Văn Hoa, chủ nhân đời thứ ba của ngôi nhà này, nét độc đáo nhất của Nhà trăm cột không phải chỉ ở các hàng cột được làm từ những loại gỗ quý, bền bỉ cùng năm tháng mà quan trọng là ở những hoa văn điêu khắc chạm trổ vô cùng tinh xảo trên các bao lam, song chắn gió, thanh kèo,… mang phong cách vừa cổ điển với “Tứ linh”, “Tứ thời”…vừa hiện đại với hoa hồng, sóc, nho, dơi...
Được biết ngôi nhà hoàn thành sau 5 năm, nhưng trong đó đã có 3 năm dành cho việc chạm khắc.Ông Trần Văn Hoa vốn rất yêu thích nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc. Chính vì vậy, ông đã cho mời 15 nghệ nhân từ Mỹ Xuyên - làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế vào Nam thực hiện việc trang trí nội thất cho ngôi nhà này. Thời điểm này, ngôi nhà đã hoàn thành xong phần xây dựng bên ngoài, chính vì vậy mà các nghệ nhân phải mắc võng trên không, ngày đêm miệt mài điêu khắc. Có một điểm lạ mà con cháu đời sau của ông Hội đồng cũng không rõ, đó là mỗi thanh kèo của ngôi nhà đều được chạm trổ vô cùng tỉ mỉ, chỉ duy có ba thanh kèo ở nhà sau lại bỏ trơ, không điêu khắc gì cả. Ngày khánh thành của ngôi nhà có thể xem là một lễ hội lớn ở Nam Kỳ lục tỉnh thời bấy giờ, bởi không những có sự hiện diện đông đúc các quan tước của ta, của Tây mà còn thu hút vô cùng đông đảo dân chúng các miền đến để chiêm ngưỡng ngôi nhà độc nhất vô nhị của ông Hội đồng mới 22 tuổi. Trong Nhà trăm cột vẫn còn lưu lại những bức tranh chữ được khảm ốc xà cừ do các vị quan tước biếu tặng. Đến đời ông Trần Văn Miên (con trai ông Trần Văn Hoa), chủ nhân đời thứ hai của ngôi nhà đã cho thợ dùng gạch men lợp dán ở nền, lan can và các hàng cột ở mái hiên nhà trước, quét vôi tường và lắp một vài cửa sổ. Vốn là người tài hoa, ông Miên còn chính tay vẽ ba bức tranh sơn thủy treo ở gian thờ trong gian nhà chính. Tồn tại hàng trăm năm, qua những giai đoạn vô cùng tàn khốc, ngôi nhà trăm cột không chỉ mang giá trị lịch sử đáng trân trọng mà còn là minh chứng sống động cho sự tài hoa, cần mẫn của lớp nghệ nhân đời trước trong lĩnh vực điêu khắc, chạm trổ.
Làm gì để Nhà trăm cột phát huy giá trị?
Từng là điểm du lịch lôi cuốn nhiều khách tham quan từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên, sau giai đoạn ồn ã đó, Nhà trăm cột lại trở về sự tĩnh lặng vốn có của nó. Bà Ngõ cho biết Nhà trăm cột giờ đây chủ yếu là địa điểm về nguồn của các cơ quan, đoàn thể trong những dịp lễ lớn, khách tham quan giai đoạn sau đến rất ít, thỉnh thoảng có vài khách trong nước hoặc nước ngoài (dạng Tây ba lô) ghé thăm. Hoặc có việc cần thiết thì mới có khách đến như phóng viên đến để viết bài hay sinh viên đến tìm hiểu làm bài thu hoạch…
Hỏi lý do vì sao, theo bà Ngõ: “Có lẽ vì đường đến đây vừa xa xôi lại vừa khó đi.” Nhất là thời gian này, những con đường ở xã Long Hựu đang trong thời gian thi công, hơn nữa vào thời điểm mùa mưa, đường sá lại càng lầy lội, nhiều lúc không thể nào đi được. Ngoài lý do khách quan nói trên cũng cần nói đến việc quản lý di tích này. Căn nhà lớn tọa lạc trên một diện tích 882m2 trong một khu vườn rộng 4.044m2 chủ yếu lại chỉ có một mình bà Ngõ sinh sống, các con của bà đa phần đều ở riêng. Việc dọn dẹp, quét tước hằng ngày cũng vô cùng khó khăn.Xung quanh ngôi nhà, cỏ cây tương đối rậm rạp, quan sát trên trần nhà hay trên những bao lam, có thể nhìn thấy lớp bụi bặm, mạng nhện vướng nhiều.Tươm tất nhất có lẽ chỉ là ở ba gian nhà trên. Thậm chí tấm biển ghi tên di tích treo trước cổng cũng vô cùng đơn sơ, cũ kĩ.
Bà Ngõ ngậm ngùi chia sẻ: “Nếu chịu khó lau chùi, quét dọn thường xuyên chắc nhà sẽ đẹp hơn nhiều”... Vốn hiếu khách, đồng thời ý thức được giá trị của di tích này, bà Ngõ rất vui vẻ, nhiệt tình khi có khách tham quan đến.
Được biết Nhà trăm cột đã được ba lần trùng tu với kinh phí trên hàng trăm triệu cho mỗi lần. Đó là các lần trùng tu cho phần mái ngói, các tấm vách lụa và một phần phía sau ngôi nhà. Đến thời điểm này, bà Ngõ chưa biết được ngôi nhà của mình sẽ còn được trùng tu phần nào nữa không, bà chỉ mong các cấp chính quyền có thể hỗ trợ cho việc tu bổ ngôi nhà, giúp nó có thể trụ vững theo thời gian. Một việc nữa mà bà Ngõ mong hơn cả là con đường xã lầy lội sẽ sớm được hoàn thành, phục vụ cho việc đi lại của người dân ở đây, một phần là cầu nối giúp khách tham quan tìm đến di tích này được dễ dàng hơn. Mong mỏi của bà Ngõ có lẽ cũng là mong mỏi chung của người dân Cần Đước nói riêng, Long An nói chung.
Theo Báo Du lịch
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nha-tram-cot-ngay-ay-bay-gio-a230.html