Bạc Liêu: Long trọng kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang

Ngày 6/9, tại Rạp hát Cao Văn Lầu, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang (1919 - 2022) và Ngày sân khấu Việt Nam lần thứ XIII.

anh-1-1662468054.jpg
Tiết mục văn nghệ tại buổi Lễ

Lễ kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” là nhằm tưởng nhớ công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền nhân đã có công đóng góp cho quá trình ra đời và phát triển bản vọng cổ, bài ca vua trong sân khấu cải lương. Đồng thời đây cũng là dịp tri ân những đóng góp thầm lặng, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm của anh chị em văn nghệ sĩ, nghệ nhân của tỉnh nhà, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu và đặc biệt hơn là bảo tồn, phát huy một loại hình nghệ thuật đặc sắc - Nghệ thuật Đờn ca tài tử - của vùng sông nước Nam Bộ.

Theo Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH, TT - TT&DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, cách đây 103 năm, đúng vào đêm Rằm tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, TP. Bạc Liêu) xuất hiện một tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo, làm rung động lòng người. Đó là bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và đã trải qua một khoảng thời gian 103 năm, bản Dạ cổ hoài lang đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và trở thành bài ca trụ cột trong loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ.

anh-2-min-1662468360.JPG
Chân dung cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu "cha đẻ" của bản Dạ cổ hoài lang

Có thể nói, chính bản “Dạ cổ hoài lang” đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, nhiều tác giả, soạn giả là người Bạc Liêu nổi danh trên sân khấu cải lương như: Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Thơm, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Cô Ba Vàm Lẽo, Bảo Quốc, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Yên Lang, Trọng Nguyễn... Với ý nghĩa và giá trị ấy đã được Đảng bộ, nhân dân Bạc Liêu và giới văn nghệ sĩ trong cả nước tôn vinh, tên của ông được đặt tên một con đường, một Rạp hát và Nhà hát mang tên Cao Văn Lầu.

Phát biểu tại buổi Lễ ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị ngành Văn hóa tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hoá với tính chất là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển; là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong phát triển bền vững. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nguồn ngân sách Nhà nước gắn với việc huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa.

Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới. Đổi mới chính sách đãi ngộ, kịp thời tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa tỉnh nhà.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Bạc Liêu đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Xây dựng Bạc Liêu là điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp cao, con người mến khách, thân thiện, nghĩa tình.

Bạc Liêu vùng đất hoang sơ và huyền thoại, với thiên nhiên giàu có, con người phóng khoáng. Bạc Liêu màu mỡ bởi sự bồi đắp tự nhiên của phù sa Sông Hậu; còn sự giàu có về văn hóa của Bạc Liêu chính nhờ sự "hợp lưu" của ba dòng chảy văn hóa từ các cộng đồng Kinh, Khme, Hoa. Chính vì điều kiện địa lý tự nhiên, văn hóa, xã hội đặc thù như vậy nên Bạc Liêu có sức hút đặc biệt đối với cả nước. 

Bản Dạ cổ hoài lang ra đời cũng với nhiều bản vọng cổ khác đã nói hộ họ những nỗi niềm tâm sự buồn thương, cay đắng, chuyện đạo nghĩa, lòng nhân... Mỗi bản vọng cổ được ca lên là mỗi người nghe tìm thấy một phần số phận mình trong đó, họ cảm thấy được gửi gắm tâm sự, được chia sẻ.

Dạ cổ hoài lang qua hoạt động trình diễn đã đi vào đời sống sân khấu, có vị trí, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc dân tộc. Chỉ riêng hào quang đó đã khiến Dạ cổ hoài lang trở thành một thứ di sản mang tính biểu tượng, niềm tự hào của văn hóa Bạc Liêu. Nó cũng giống như hát Quan Họ Bắc Ninh, ca Huế, hát xẩm Ninh Bình, hát Xoan Phú Thọ… là thứ tài sản tinh thần vô giá mà mỗi địa phương đang gắng sức bảo tồn.

Xuân Đào

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bac-lieu-long-trong-ky-niem-103-nam-ngay-ra-doi-ban-da-co-hoai-lang-a22990.html