Tái hiện nghi lễ ăn trâu và nghệ thuật đấu chiêng đặc sắc của đồng bào dân tộc Cor

Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Cor đến từ tỉnh Quảng Ngãi đã tái hiện nghi lễ ăn trâu và nghệ thuật đấu chiêng đặc sắc.

dh1-253-1662442251.jpg
Lễ vật cúng trong nhà trong lễ ăn trâu. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ ăn trâu của đồng bào Cor gọi là xa ố kpiêu, đây là lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá Cor được tổ chức trong nhiều ngày với các giai đoạn khác nhau. Lễ hội được tổ chức nhằm tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình dân làng được bình yên, no ấm và cầu mong sức khoẻ, mùa màng bội thu cho gia đình và dân làng trong năm mới. Ngoài yếu tố tâm linh, lễ ăn trâu của người Cor còn là ngày hội của cả cộng đồng.

2-1662442291.jpg
Thầy cúng làm lễ cúng trong nhà trước khi ra lễ cây nêu. Ảnh: Hoàng Tâm

Trong lễ hội ăn trâu dứt khoát phải có cây nêu. Cây nêu là tâm điểm của lễ hội. Trụ nêu làm bằng cây chò chỉ, khắc họa hoa văn công phu. Trước khi đi lấy cột nêu chủ lễ phải cúng cáo và rước nêu về nhà phải để trên đôi giá bắt chéo. Tuyệt đối không để cây nêu nằm trên đất và không để ai bước qua.

5-1662442323.jpg
Cột nêu được trang trí, khắc họa hoa văn công phu để làm lễ. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ hội ăn trâu của người Cor có càng đông người đến thì càng vui. Lễ hội phản ánh đậm nét văn hóa cổ truyền của người Cor qua nghệ thuật diễn xướng với chiêng và nhảy múa, hát cà lu, nghệ thuật ẩm thực. Lễ thức dân gian được phô diễn, lan tỏa để củng cố mối quan hệ cộng đồng, cùng nhau giữ gìn văn hóa truyền thống và thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của bà con buôn làng. Đặc biệt, trong lễ hội ăn trâu có nghệ thuật đấu chiêng, một trong những sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Cor.

4-1662442240.jpg
Thầy cúng thực hiện các nghi thức cúng nêu. Ảnh: Hoàng Tâm
6-1662442378.jpg
Thầy cúng cầu xin thần linh che chở, phù hộ cho dân làng có cuộc sống bình yên, ấm no. Ảnh: Hoàng Tâm
7-1662442416.jpg
Thầy cúng xin lộc thần linh để chia cho mọi người, ai cũng sẽ có cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt. Ảnh: Hoàng Tâm

Đồng bào sử dụng hai chiêng (gọi là chiêng chồng và chiêng vợ, được chế tác bằng đồng) và một trống (có dạng hình trụ tròn, căng mặt bằng da) để giữ nhịp và làm trọng tài cho hai chiêng đấu tài nghệ với nhau. Mỗi chiêng chỉ có 1 âm. Muốn thể hiện tiết mục đánh chiêng, múa cà đáo phải có 3 nam và 8 nữ. Nam sử dụng hai chiêng và một trống. Mở đầu tiết tấu đấu chiêng, tiếng trống và tiếng chiêng hoà quyện chậm rãi, sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục, dồn dập hơn. Người đánh chiêng luôn thể hiện rõ tài năng ứng tác của mình, biết kết hợp các thể loại nhuần nhuyễn mới tạo được âm thanh lúc trầm hùng, vui nhộn hay khoan thai...

8-1662442448.jpg
Mọi người cùng nhảy múa xung quanh cây nêu với cồng chiêng và những điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm
dsc00575-1662442482.jpg
Điệu múa thể hiện động tác đâm trâu. Ảnh: Hoàng Tâm
9-1662442513.jpg
Cô gái dân tộc Cor với điệu múa truyền thống uyển chuyển. Ảnh: Hoàng Tâm

Thông qua tiếng chiêng, cách trình diễn đấu chiêng, người Cor bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với thần linh, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

11-1662442558.jpg
16-1-1662442589.jpg
Tiếng trống, tiếng chiêng hoà quyện chậm rãi, sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục, dồn dập hơn là cách đồng bào dân tộc Cor bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với thần linh. Ảnh: Hoàng Tâm

Theo TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tai-hien-nghi-le-an-trau-va-nghe-thuat-dau-chieng-dac-sac-cua-dong-bao-dan-toc-cor-a22982.html