Trường ca "Những ngọn khói về trời" của Bùi Phan Thảo (Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2022)

Tiếng lòng quặn thắt về những mất mát, đau thương trong đại dịch Covid-19 là những gì cảm nhận từ tập Trường ca Những ngọn khói về trời của Bùi Phan Thảo, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2022.

nhung-ngon-khoi-ve-troi-1662311473-1662427222.jpg
"Những ngọn khói về trời" của nhà thơ, nhà báo Bùi Phan Thảo

Những ngọn khói về trời của nhà thơ, nhà báo Bùi Phan Thảo là tập trường ca được anh viết về những ngày Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) phải oằn mình ứng phó và gánh chịu những bi kịch ập đến từ đại dịch Covid-19. Ở đó, như những thước phim quay chậm về một thời đoạn đầy cam go mà người dân Sài Gòn phải đối mặt, một hiện thực khá u ám và thê lương. Điều chắc chắn rằng trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra thảm cảnh hãi hùng như thế.

Đại dịch Covid đã làm đảo lộn bao nhiêu thứ, mọi hoạt động trở nên bất thường, ách tắc. Sài Gòn vốn là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng những tháng ngày Covid hoành hành thành phố đã trở nên “tê liệt”. Đô thị vốn nhộn nhịp, hối hả, năng động bỗng trở nên vắng lặng đến ghê người. Rồi hàng loạt biến cố xảy ra... Vốn là người nhạy cảm, Bùi Phan Thảo đã tái hiện bức tranh đau thương đó một cách sinh động, chân thực và đầy ám ảnh. Anh cũng đã trải lòng mình để đau với nỗi đau nhân thế bằng tình cảm chân thành với tấm lòng yêu thương và sự cảm thông sâu sắc. Từng mốc thời gian, từng sự việc, sự kiện được nhà thơ ghi lại một cách rõ ràng, tựa như cuốn nhật ký thơ thời Covid...

Đêm trước ngày phong tỏa, Nhân loại bàng hoàng, Sài Gòn đau một phần thân thể, Những chiến binh thầm lặng, Thơm mãi những bàn tay, Chúng tôi chỉ tạm xa thành phố, Những ngọn khói về trời, Đối diện, Tưởng niệm, Hồi sinh.

Xe cứu thương rúc những hồi còi dài nhức nhối/ tâm can/ xoắn thêm những nỗi lo rõ ràng và mơ hồ/ có tên và không tên/ cứ sợ thành phố bật cơn ho rũ rượi/ ôm ngực đau/ đôi mắt thâm quầng (trang 9).

Các chỉ thị, thông báo, lệnh phong tỏa trong công tác phòng chống dịch được cập nhật liên tục và thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương. Hơn lúc nào hết, thực hiện khẩu hiệu: “chống dịch như chống giặc”, tất cả các cấp các ngành phải cùng đồng lòng chống dịch. Chỉ một đêm thôi/ mà đêm nay cũng không phải là đêm/ chỉ là ngày nối dài qua trong chập chờn giấc ngủ/ bao người như tôi không ngủ/ ngày mai, lệnh phong tỏa đầu tiên/ 15 ngày hay 21 ngày/ rồi sẽ thành quen/ một quận, hai quận, toàn thành phố/ nội bất xuất ngoại bất nhập/ ai ở đâu yên đó (trang 10).

Những ngọn khói về trời, ghi lại một cách chân thực và sinh động một thời đoạn lịch sử đặc biệt. Ở đó, con người phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách. Từ miếng ăn đến hơi thở và nhất là phải đối diện giữa lằn ranh của sự sống - cái chết. Chưa lúc nào, chưa bao giờ con người phải giành giật sự sống khẩn thiết như những tháng ngày cao điểm của đại dịch Covid. Có ngày người dân nước tôi đã khóc/ nước mắt thành dòng/ chảy như sông/ trên khắp ba miền/ ngược nguồn thấm vào núi/ xuôi dòng về biển khơi/ bé thơ đội vành tang trắng/ thương em gan ruột bời bời/ Đại dịch cướp đi bao sinh linh vô tội/ trong mắt đầy lên ám tượng không rời/ chập choạng phiên chợ chiều cánh dơi bay vào lịch sử/ người gọi người hoảng hốt chơi vơi/ xin những người không thể trở về/ hãy yên nghỉ trong tiếc thương vô tận/ đêm nay ngọn nến sáng lòng người/ xoa dịu nỗi đau bằng bàn tay ấm (trang 103 - 104).

Những ngọn khói về trời chính là tiếng lòng của người trong cuộc, khi chứng kiến bao nỗi đau thương của đồng loại trong cơn đại dịch. Thành phố vắng hoe/ như giấc ngủ kéo dài của người dậy muộn/ tiếng rao đêm đã chìm sâu sau những bức tường/ mái tôn dãy trọ/ không có tiếng xe ba gác phành phạch giữa khuya/ í ới gọi nhau ra chợ Bình Điền gom hàng về/ bỏ mối/ không còn tiếng vợ chồng trẻ chở nhau lên công ty và ở lại tăng ca/ ông già bán vé số nằm chèo queo không biết/ ngày mai lấy gì để sống/ thằng bé lượm ve chai ngồi mơ gói xôi mặn/ có miếng lạp xưởng dính mỡ màng/ Đã mấy tháng rồi/ dịch giã leo thang/ những đồng tiền còm cõi đã bay theo bàn tay trắng (trang 13 - 14).

Từng lời thơ đọc lên nghe như có tiếng nấc nghẹn, xót xa trước thực tại u ám, não nề. Có còn ngày nữa đâu/ có còn mùa nữa đâu/ mây bay qua mỗi ngày có khác gì đâu/ tiếng loa/ tiếng khóc/ sao không tiếng cười (trang 81).

Và có những ngày cao điểm, số ca nhiễm và chết vì Covid tăng lên đột biến. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các Bệnh viện phải tập trung làm việc hết công suất, những lò thiêu phải hoạt động hết công suất... Đội ngũ các y, bác sĩ, tình nguyện viên, nhân viên nhà hỏa thiêu... phải làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm và sự lăn xả trước hiểm nguy, bởi không biết rồi mình sẽ bị lây nhiễm F2, F1, F0 khi nào.

Ở một góc Sài Gòn/ nơi có những lò thiêu/ ngọn khói bay lên quẩn quanh váng vất/ những linh hồn lìa khỏi xác thân/ dìu nhau đi và bay lên/ họ mong chờ được trở về nhà trong một vòng ôm/ nay chỉ còn mãi mãi lặng im/ nặng trĩu kiếp người gửi trong chiếc bình/ nhẹ bẫng/ cuộc sống khởi từ ngọn lửa/ và từ ngọn lửa trở về/ thần linh dạy loài người đi quanh bếp lửa/ chập chờn/ ngày bàn chân rời mặt đất là chuyến đi về cõi/ vô cùng (trang 82 - 83).

Những ngọn khói về trời, Bùi Phan Thảo chọn thể thơ tự do với những câu thơ dài - ngắn, cách ngắt nhịp bất ngờ... để phù hợp với việc chuyển tải nội dung, mạch cảm xúc cũng như ý đồ nghệ thuật của nhà thơ. Những vần thơ đầy nghẹn ngào, sâu lắng hiện lên bức tranh đời sống với nhiều nhức nhối, đa đoan; nỗi đau về thân phận, kiếp người: những cảnh đời xấu số, bao cái chết đột ngột, oan ức làm nhói buốt con tim: Sài Gòn đau trời đất cũng đau/ những chùm ca bệnh dồn vào hẻm nhỏ/ khăn tang trắng từ đầu con phố/ nước mắt vòng quanh ra đến bờ kinh (trang 31). Những giọt nước mắt rồi sẽ khô nhưng nỗi đau vẫn dai dẳng trong tâm can người còn sống, vết thương lòng không dễ gì nguôi ngoai được khi người thân yêu của họ mới hôm qua đây còn nói cười, giờ đã trở thành người thiên cổ...

Lớn lên rồi con sẽ hiểu/ còn nhiều góc khuất tối tăm trên địa cầu này/ người nghèo không có quyền lựa chọn/ con virus dã man là thứ vô tri/ chúng tấn công con người bất kể giàu nghèo/ bất kể màu da (trang 19).

Vùng đất phương Nam nghĩa tình, hào sảng luôn mở lòng ấm áp, chở che, là nơi trú ngụ của biết bao nhiêu người con ở khắp mọi miền. Nhưng: Nay thành phố bệnh rồi/ nhà máy tạm ngưng hoạt động/ họ nằm nhà nhìn bốn phía dây giăng/ họ nhìn nhau/ cả xóm trọ vắng người dần/ người đi cách ly/ người vào bệnh viện/ người kéo nhau về xứ sở quê hương/ Về thôi em/ về quê mình ư, xa lắm/ xa cũng phải về, ở đây không biết ra sao/ kéo nhau đi còn hơn chờ điều không rõ/ ừ thôi chở nhau về trên xe máy/ những ngả đường thiên lý vắng người qua/ bên vệ đường có ai nằm lại/ không đi nổi, bỏ cuộc rồi/ một nén nhang thay cho lời tạm biệt (trang 68 - 69).

Những ngọn khói về trời như một câu chuyện kể tha thiết, bi ai làm lay động hồn người. Hơn ai hết, Bùi Phan Thảo là người trong cuộc, anh vừa là một nhà báo, vừa là một nhà thơ, nhân chứng sống của cuộc chiến sinh tử với Đại dịch Covid nên những gì anh viết ra là những lời gan ruột nhất, thành tâm nhất. Ý thức trách nhiệm của người cầm bút đã thôi thúc anh phải diễn đạt, phải bày tỏ thành lời. Đại dịch đã đi qua, con người ta mới ngộ ra rất nhiều điều, họ mới thấy sự sống là đáng quý hơn cả. Vì thế, cần phải biết nâng niu hơn giá trị của sự sống, của tình thân, tình đồng loại. Ham danh lợi, bạc tiền, sống thiếu nhân cách, hơn thua tranh giành nhau... rốt cuộc cũng chẳng được gì. Tất cả cát bụi rồi cũng sẽ trở về cát bụi. Nhà thơ Bùi Phan Thảo đã rất khéo khi đặt tên tập trường ca Những ngọn khói về trời. Đó là cách nói ẩn dụ, mang ý nghĩa sâu xa. Đọc kỹ từ đầu đến cuối tập sách, người đọc sẽ nhận ra nhà thơ ký gửi rất nhiều nỗi trăn trở và những chiêm nghiệm nhân sinh vào đó.

Trước những biến cố xảy ra, bao mất mát đau thương dội về. Lòng đau quặn thắt nhưng không vì thế mà có thể làm con người ta gục ngã. Tất cả vẫn còn niềm tin yêu, hi vọng vào tương lai phía trước. Bởi ở đó vẫn còn rất nhiều những con người đã thầm lặng hi sinh vì cuộc chiến đầy cam go trên tuyến đầu chống dịch. Rất nhiều những tấm lòng thơm thảo, những nghĩa cử đáng quý, sự quan tâm, san sẻ lúc khó khăn, ấm áp tình người. Những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người thời đại được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Những ngày đại dịch tràn qua phương Nam/ cây nhân nghĩa sum suê ngàn hoa đẹp/ những đóa hoa mang tên miễn phí: từ cây ATM gạo, ATM thực phẩm, những siêu thị 0 đồng đến bó rau xanh tình người buộc chặt, những hộp cơm giúp người qua đói thắt, túi an sinh ấm lại mắt người nghèo... Nhà thơ Bùi Phan Thảo ví von gọi đó là “cây nhân nghĩa”.

Sự hồi sinh là tất yếu. Lời thơ Bùi Phan Thảo đã tạo nên những trạng thái đối cực: khát vọng đan xen với nỗi buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại... trong mất mát tổn thương vẫn lóe lên ánh sáng của niềm tin yêu vào một ngày mai tươi sáng! Nắng lên xanh phố phường tấp nập/ em thấy không thành phố đã hồi sinh/ bé thơ đến trường rộn ràng lớp học/ xí nghiệp vào ca tiếng máy như reo/ niềm vui dâng lên nỗi buồn lắng lại/ thương những kiếp người đau đớn gieo neo (trang 112). Chúng ta sẽ cùng đồng lòng nắm tay nhau vượt qua đại dịch, rồi mọi thứ sẽ hồi sinh: em thơ sẽ được đến trường, chợ búa sẽ bán buôn trở lại, công trường, nhà máy sẽ rộn tiếng ca vui... Giông bão qua đi, bình yên trở lại, mỗi góc phố, con đường, mỗi làng quê sẽ trở lại nhịp sống như thuở chưa đại dịch. Mỗi chúng ta phải biết nén lại nỗi đau, để hướng đến tương lai tốt đẹp. Dẫu biết rằng, sau đại dịch có nhiều nỗi đau, nhất là những gia đình có người thân yêu, ruột thịt tử nạn vì Covid. Những cái chết tức tưởi, bất ngờ; sự ra đi của họ trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, quạnh hiu, đơn chiếc, không gặp mặt người thân ở phút lâm chung để trăn trối lời cuối cùng... không được làm nghi lễ chôn cất theo kiểu truyền thống. Tất cả càng làm cho nỗi tang thương, thảm thiết chất chồng. Bởi trong tất cả sự mất mát thì tổn thất về con người là điều đau đớn và day dứt nhất. Có những gia đình có đến 5 - 6 người ra đi vĩnh viễn, những mái đầu bạc tiễn mái đầu xanh, những đứa trẻ mồ côi trở nên bơ vơ, lạc lõng không còn bố mẹ...                                       

Những ngọn khói về trời, bên cạnh những điều đã xảy ra như cách Bùi Phan Thảo phản ánh, nhà thơ còn gửi gắm bức thông điệp nhân văn, nhân ái về tình yêu và sự sống, trách nhiệm lẫn niềm tin của con người trong xã hội hiện đại. Đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho những kẻ gian manh! Tôi đứng trước dòng sông/ sông chảy đời trôi/ sông cong đời ngoặt/ bên lau lách lánh xa phố thị xô bồ/ bên lung linh phồn hoa đô hội/ nước trôi một lần không trở lại/ người có giữ được sông đâu/ sông vẫn trôi mê mải.../ Đại dịch đặt loài người trước sự lựa chọn/ sống hay chết/ chết ra sao và sống ra sao/ lương tâm không thét gào/ không lên giọng nói điều răn dạy/ song lũ gian manh đừng hòng bỏ chạy/ các người không né tránh được đâu/ làm điều ác phải trả bằng chuyện ác/ đi ngược dòng đời làm trái nghĩa nhân/ đừng hòng mơ giấc ngủ ngon không mộng mị/ đối diện những mặt người nhàu nhĩ/ những khổ đau chất ngất của nhân quần/ các người không thể sống bình yên/ dân đau khổ tang thương/ các người táng tận làm giàu/ tiền chảy vào từng túi tham như suối/ các người có thấy màu tiền đỏ như máu/ đỏ như mặt trời/ sẽ nhấn chìm các ngươi/ cùng tội lỗi không bao giờ gột được... (trang 95 - 96).

Những ngọn khói về trời luôn hiện hữu một cái tôi nhập cuộc cùng thời đại của nhà thơ Bùi Phan Thảo. Anh đã trải lòng mình với con người, những bản thể hữu hình của sự sống để cảm nhận thấu đáo, sâu sắc hơn về cuộc đời. Đó là sự thổn thức của một trái tim chân thành, hồn hậu trước những nỗi đau trong cuộc sống./.

Nguyễn Văn Hoà

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/truong-ca-nhung-ngon-khoi-ve-troi-cua-bui-phan-thao-nha-xuat-ban-da-nang-nam-2022-a22977.html