Thu hút văn nghệ sĩ trẻ tham gia các phong trào, các tổ chức chính trị
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tổ chức Đảng thông qua các chuyến du khảo về nguồn, các hoạt động hội thi, hội diễn, các lớp bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị dành cho đoàn viên, thanh niên; đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo hội viên các hội văn học nghệ thuật, cán bộ, đoàn viên, thanh niên các đoàn nghệ thuật, từ đó giúp cấp ủy các đơn vị phát hiện bồi dưỡng nhiều nhân tố tích cực, có tinh thần cách mạng, có phẩm chất chính trị, chuyên môn và tạo môi trường tốt để hướng dẫn giúp đỡ họ phấn đấu, rèn luyện trở thành quần chúng ưu tú, là nguồn cho công tác phát triển Đảng tại các đơn vị.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, việc phát triển đảng trong văn nghệ sĩ hiện nay khó thực hiện do các quy định về công tác tạo nguồn quần chúng phát triển đảng trong các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có nhiều nội dung chưa được phù hợp với tổ chức bộ máy của các hội nên không có nguồn phát triển Đảng trong hội viên các hội văn học nghệ thuật thành phố hiện nay.
Thông qua tọa đàm, các đơn vị cấp ủy, văn nghệ sĩ có ý kiến đề xuất để thu hút văn nghệ sĩ trẻ tham gia các phong trào, các tổ chức chính trị qua đó tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng, tạo lớp kế thừa văn nghệ sĩ là đảng viên để định hướng tư tưởng, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào giới văn nghệ sĩ từ đó mới có thể lãnh đạo, định hướng văn học, nghệ thuật đi theo đường lối của Đảng.
Đổi mới phương thức giáo dục chính trị tư tưởng
Tại tọa đàm, Đảng ủy Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cho biết, TPHCM hiện có 9 hội văn học nghệ thuật với tổng số trên 5.350 hội viên; có 11 chi bộ trực thuộc với 102 đảng viên, trong đó có 8 đảng viên miễn sinh hoạt. Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, 11 chi bộ đã kết nạp được 5 đảng viên; nhiệm kỳ 2015 – 2020 kết nạp được 5 đảng viên. Một số khó khăn trong công tác phát triển đảng hiện nay trong văn học nghệ thuật là việc kê khai, xác minh lý lịch, điều kiện thời gian hoạt động nghề nghiệp đặc thù của các hội viên, một số hội viên ngại vào đảng do thường xuyên đi biểu diễn ở nước ngoài… Đảng ủy Liên hiệp đề xuất cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, để quần chúng hiểu biết đúng đắn về Đảng, về động cơ phấn đấu vào Đảng, đổi mới phương thức hoạt động và hình thức sinh hoạt đảng ở chi, đảng bộ linh hoạt, mang tính thực tiễn…
Đảng ủy Khối Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục ý thức chính trị thường xuyên, liên tục cho đội ngũ văn nghệ sĩ nhất là cán bộ, đảng viên, quan tâm bồi dưỡng lực lượng đoàn viên ưu tú, vận động, giới thiệu những quần chúng là văn nghệ sĩ đứng vào hàng ngũ của đảng…
Kết luận tại buổi tọa đàm, đồng chí Lê Thị Hồng Nga nhấn mạnh buổi tọa đàm một lần nữa xác định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tầm quan trọng của đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật, báo chí - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng – những người thông qua hoạt động nghệ thuật, họ cất lên tiếng nói của Nhân dân, của thời đại, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp; sản phẩm trí tuệ của họ có sức lan tỏa, lay động lòng người và định hướng xã hội rất lớn.
Để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng và công tác phát triển đảng viên trong lực lượng văn nghệ sĩ, đồng chí Lê Thị Hồng Nga đề nghị Đảng ủy Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP và cấp uỷ trong các cơ quan, đơn vị có đội ngũ văn nghệ sĩ cần tập trung thực hiện một số giải pháp, như: đổi mới phương thức giáo dục chính trị tư tưởng theo phương pháp tích cực, trực quan và thường xuyên; Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các văn nghệ sĩ đối với dân tộc, đất nước và sự phát triển bền vững của TP; chỉ đạo các chi bộ quan tâm, chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới; đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong khối văn học nghệ thuật TP.
Theo hcmcpv.org.vn