Quảng Bình: Nơi ghi dấu tích trận đánh biệt kích Mỹ Ngụy đêm 30/6/1964

Đài tưởng niệm 30/6/1964 được xây dựng tại trung tâm bãi biển Nhật Lệ (phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) là nơi ghi dấu tích của lực lượng dân quân Hải Thành cùng các chiến sỹ Công an vũ trang Đồn Nhật Lệ đã chiến đấu tiêu diệt và bắt sống toán biệt kích Mỹ Ngụy lần đầu tiên xâm nhập bằng đường biển vào Đồng Hới. Trong trận đấu này, các đồng chí Trương Pháp, Nguyễn Văn Hai, Lê Văn Ngọc đã anh dũng hy sinh!

1-1661418737.jpg
Đài tưởng niệm ghi nhớ công lao của lực lượng dân quân Hải Thành, các chiến sỹ Công an vũ trang Nhật Lệ cùng các liệt sỹ hy sinh chiến đấu, tiêu diệt và bắt sống biệt kích Mỹ Ngụy ngày 30/6/1964. Ảnh: Viết Hải

Cách đây 58 năm, một tàu chiến của Mỹ Ngụy chở 20 tên biệt kích đổ bộ bằng đường biển xâm nhập vào địa bàn thị xã Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) với mưu đồ đánh phá Nhà máy nước Đồng Hới, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân ta. Bằng tinh thần cảnh giác cao độ, Trung đội dân quân xã Đông Thành (nay là phường Hải Thành) đã kịp thời phát hiện, phối hợp với Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ chặn đánh địch. Trong trận chiến đấu quyết liệt ấy có 3 anh em trai trong một gia đình trực tiếp tham gia, đó là: Nguyễn Quang Thái – Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Trung đội dân quân Đông Thành; Nguyễn Lâm Sung - Chiến sỹ dân quân và Nguyễn Ngọc Trúc - Liên lạc viên.

Hồi 22 giờ ngày 30/6/1964 khi ngư dân đang neo thuyền câu cá ngoài cửa biển Nhật Lệ thì nghe tiếng máy tàu thủy rì rì mỗi lúc một to. Nghi ngờ có tàu chiến địch, với tinh thần cảnh giác cao độ, ngư dân nhanh chóng nhổ neo chèo thuyền vào bờ, đồng thời báo cáo với Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ tổ chức lực lượng dân quân chia làm 2 tổ tuần tra ven biển. Tổ thứ nhất gồm các đồng chí: Hoàng Hoa Tương, Trần Thị Nồng, Hồ Thị Lô cùng 2 chiến sỹ Công an vũ trang đi dọc theo bờ cát, không phát hiện địch, chỉ thấy một số dấu chân lạ nên quay về báo cáo. Tổ thứ hai gồm đồng chí Trần Thanh Hồng, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Ngọc Trúc và một chiến sỹ Công an vũ trang men theo rừng dương đi ra thì bất ngờ gặp địch mai phục, chúng liền nổ súng khiến đồng chí Nguyễn Văn Hai hy sinh tại chỗ. Nghe tiếng súng nổ, trung đội dân quan Phan Tiến Dũng liền dẫn ngay tổ tăng cường đến chi viện.

2-1661418313.jpg
Bia ghi dấu tích. Ảnh: Viết Hải

Cùng lúc này, tốp biệt kích Mỹ Ngụy hơn 20 tên đã tiến sâu vào rừng dương đặt súng DKZ bắn vào Nhà máy nước Đồng Hới, số còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới. Nghe tiếng súng nổ ở phía ngoài, biết đã bị lộ, toán biệt kích của địch nhanh chóng bỏ chạy, vừa ra tới bìa rừng thì gặp ngay tổ du kích của ta. Mặc dù lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ nhưng các chiến sỹ du kích chi viện giàu lòng yêu nước đã dũng cảm kiên cường chiến đấu đánh giáp la cà với địch. Bị tấn công bất ngờ, bọn biệt kích vội dạt ra tìm đường tháo chạy.

Dưới ánh trăng hạ tuần đêm 21 tháng 5 âm lịch, nhìn rõ bọn địch xúm lại cố kéo theo mấy tên bị thương chạy thục mạng ra biển. Với tinh thần cương quyết không cho địch chạy thoát, chiến sỹ dân quân Trương Pháp đã lao lên vừa đuổi theo vừa hô to “Xung phong, bắt sống, bắt sống!”. Nhưng do lực lượng của ta quá mỏng không thể chi viện kịp nên anh đã dũng cảm hy sinh trên bờ sóng bởi hàng chục viên đạn của quân thù bắn vào người. Đồng chí Lê Văn Ngọc cũng đã anh dũng hy sinh trong trấn đánh này.

Trận đánh chỉ diễn ra trong vài chục phút, lực lượng dân quân Hải Thành cùng các chiến sỹ Công an vũ trang Đồn Nhật Lệ đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt và bắt sống toán biệt kích Mỹ Ngụy.

Trận đánh thắng bọn biệt kích Mỹ Ngụy lần đầu đổ bộ bằng đường biển vào bờ biển Quảng Bình của quân và dân Hải Thành cùng với gương dũng cảm chiến đấu hy sinh của anh hùng liệt sỹ Trương Pháp và 2 chiến sỹ Nguyễn Văn Hai, Lê Văn Ngọc đã góp phần tô đậm thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Để ghi nhớ chiến công này, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Quảng Bình, TP Đồng Hới đã quyết định xây dựng Đài tưởng niệm 30/6/1964 ngay tại trung tâm bãi biển Nhật Lệ, nơi diễn ra trận đánh năm xưa.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-binh-noi-ghi-dau-tich-tran-danh-biet-kich-my-nguy-dem-3061964-a22828.html