Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế

Một trong những nhóm vấn đề về Văn hóa được các đại biểu dành sự quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong phiên chất vấn chiều 10/8 đó là: Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

dhhk-2523525-1660199237.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Bộ VHTTDL chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nêu vấn đề, di sản văn hóa Việt Nam, các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng nói riêng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đóng góp vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Bảo vệ và phát huy các giá trị di tích này nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã được phân cấp cho chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích.

Cùng với đó, tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ VHTTDL đã có chấn chỉnh như cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ, nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính là của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.

Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, thời gian qua các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng để tương xứng với ý nghĩa và giá trị.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có giải pháp thu hút nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.

Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Doanh nghiệp chưa mặn mà với di tích lịch sử cách mạng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) về cơ chế thu hút cho đầu tư vào tôn tạo di tích, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những di tích văn hóa được doanh nghiệp quan tâm và tự tìm đến đầu tư khi họ thấy được lợi ích. Tuy nhiên đối với những di tích như di tích lịch sử cách mạng thì doanh nghiệp chưa mặn mà lắm.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sẽ sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực nhà nước như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm. Đồng thời Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ để ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-nguon-luc-dau-tu-cho-tu-bo-giu-gin-di-san-van-hoa-con-han-che-a22629.html