Lăn lộn trong thực tiễn chiến đấu
Gia đình và quê hương Tam Xuân, Núi Thành, Quảng Nam giàu truyền thống yêu nước, cách mạng đã sản sinh ra một nhà lãnh đạo gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn được nhân dân chở che và luôn biết phát huy sức mạnh của nhân dân trong suốt cuộc hành trình - trong chiến tranh ác liệt hay những thử thách khắc nghiệt của thời bình, góp phần tạo nên những bước chuyển có ý nghĩa của cách mạng nước ta.
Được rèn luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, được kết nạp vào Đảng năm 1935, đồng chí Võ Chí Công sớm trở thành cán bộ lãnh đạo từ chi bộ, Tổng ủy, Phủ ủy, đến Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (1940) và Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ (1941). Đồng chí là người kiên trì bám trụ trong lòng dân, lặn lội đến nhiều địa phương để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Năm 1943 đến 1945, đồng chí bị địch bắt và đưa đi đày tại Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm cầm cố. Đến khi Nhật đảo chánh Pháp, đồng chí được trả tự do và trở về tham gia Ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền nhanh gọn ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Đồng chí Võ Chí Công được ghi nhận có nhiều công lao trong 9 năm kháng chiến của nhân dân Nam Trung bộ, trong việc xây dựng Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng của Liên khu V. Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được phân công lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Cùng lăn lộn trong thực tiễn chiến đấu, đồng chí cho rằng nếu dùng phương pháp đấu tranh hòa bình, chính trị đơn thuần thì không phù hợp và đã có những ý kiến đóng góp xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương. Nghị quyết 15 đã nhanh chóng tạo nên thế tiến công, phong trào “đồng khởi” và mở ra bước ngoặt phát triển mới cho cách mạng miền Nam.
Từ năm 1961 đến 1975, đồng chí được phân công là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, và là Phó Chủ tịch thường trực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (từ 1962 – đến 1976). Đồng chí là một nhà lãnh đạo, con người của thực tiễn, không chỉ căn cứ theo dõi tình hình qua báo cáo, mà trực tiếp đến các chiến trường, nghiên cứu phong trào ở Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho trước đây), Châu Thành (tỉnh Bến Tre), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh)…, kết hợp kinh nghiệm ở khu V và mở Hội nghị tổng kết toàn miền, cùng các đồng chí lãnh đạo đề ra phương châm đánh địch bằng “Ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận” làm thất bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào Việt Nam tiến hành chiến tranh cục bộ, với nhiệm vụ được kiêm nhiệm Bí thư và Chính ủy Quân khu V, đồng chí chủ trương xây dựng vành đai nhân dân đánh Mỹ, dùng chủ lực quân khu và địa phương quân đánh phủ đầu khi chúng lấn ra chiếm đóng ở Núi Thành (Quảng Nam). Cũng trong năm 1965, chiến thắng Vạn Tường đánh thắng cuộc ra quân tìm diệt đầu tiên của quân Mỹ đã củng cố lòng tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến trường khu V đã đồng loạt tiến công, sau khi đạt mục tiêu, đồng chí quyết định rút quân đúng lúc tránh được thiệt hại khi địch tổ chức phản công.
Để tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, Khu ủy và Quân khu ủy V do đồng chí Võ Chí Công lãnh đạo đã chuyển hướng tấn công, tiến về giải phóng đồng bằng, giải phóng Đà Nẵng. Khu căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở Khu V của địch đã bị tan rã sớm hơn kế hoạch, tạo thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhạy bén với cái mới
Những năm 1980 - 1981, đồng chí Võ Chí Công là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp. Đồng chí đã trực tiếp đến các hợp tác xã nghiên cứu cách khoán và ủng hộ cách khoán mới (không để tình trạng “khoán chui”. Từ đó Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời cho phép khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động; tiếp theo là xây dựng cơ chế quản lý trong nông nghiệp bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, đưa nông nghiệp có bước phát triển nhảy vọt với năng suất và sản lượng tăng cao, tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam “cất cánh”.
Trên cơ sở đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp được hình thành, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho đồng chí làm Trưởng Ban cải tiến cơ chế quản lý kinh tế của Trung ương. Đồng chí Võ Chí Công đã cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Bộ Chính trị quan tâm lắng nghe tình hình TPHCM, tạo điều kiện cho những quyết sách phù hợp với thực tiễn, góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta.
Sau Đại hội VI, đồng chí giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiếp pháp, đã chỉ đạo thực hiện đổi mới thành công hoạt động cơ quan lập pháp, sửa đổi Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp sửa đổi năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới ở nước ta. Cùng với Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội cũng đã thông qua hơn 30 bộ luật, luật, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư nước ngoài… góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công là người có tầm nhìn chiến lược, chịu khó nghiên cứu đã đề xuất những vấn đề lớn cho cách mạng cho cách mạng nước ta, rất nhạy bén chính trị, nhạy bén với cái mới, rất vững vàng trước những biến động của thời cuộc. Đồng chí Võ Chí Công là một nhà lãnh đạo được quý trọng không chỉ trong kháng chiến, trong xây dựng, đổi mới phát triển đất nước mà còn là con người có phẩm chất đạo đức sáng ngời. Đồng chí là hiện thân của sự giản dị, khiêm nhường và rất ít nói về mình.
Khi về hưu sinh sống tại TPHCM, đồng chí Võ Chí Công có những ngày cuối đời an vui bên con cháu. Mỗi dịp lãnh đạo TPHCM đến thăm đồng chí luôn mỉm cười, vẫn nụ cười hồn nhiên, ấm áp và tràn đầy sự chia sẻ, động viên…
Đồng chí Võ Chí Công đã đi xa hơn 10 năm nhưng cuộc đời, sự nghiệp với những phẩm chất tốt đẹp và những cống hiến của đồng chí cho đất nước vẫn luôn là dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ tiếp nối.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dong-chi-vo-chi-cong-nha-lanh-dao-co-duc-co-tai-a22589.html