Trẻ em là đề tài ưa thích của phim Iran. Điều này phải kể đến kiệt tác lừng danh Những đứa con trời (Children of Heaven) năm 1997 của đạo diễn Majid Majidi. Nhân vật chính là hai anh em nọ phải chung nhau một đôi giày đi học. Em học sáng, anh học chiều. Để kịp giờ người anh phải chạy thật nhanh và chính nhờ sự tập luyện bất đắc dĩ đó em đã giành giải nhất một cuộc thi chạy. Thay vì nhận phần thưởng là đi cắm trại, cậu chỉ muốn một đôi giày.
Rõ ràng phim không chỉ nói về trẻ nhỏ. Tác phẩm là một câu chuyện cảm đồng về tình cảm gia đình, lòng trung thực và nỗ lực vượt khó. Hình ảnh đôi giày, một biểu tượng của Hồi Giáo cũng được lặp lại trong nhiều khung hình.
Năm 2017, một đạo diễn người Iran khác là Ali Ghavitan ra mắt phim The White Bridge (Chiếc cầu trắng). Người xem sẽ nhận ran ngay phong cách điện ảnh Iran, không chuộng cho lắm sự trau chuốt trong bố cục khuôn hình mà tạo sức nặng, thậm chí là chích những mũi kim vào trái tim người xem bằng ẩn dụ.
Baharah là một trẻ khuyết tật, chân đi cà nhắc, lại chỉ dùng tay trái. Tay kia gần như tê liệt. Để cô được đến lớp, bà mẹ phải dẫn con đến những ngôi trường khác nhau. Nhưng cô bé không vượt qua được các bài kiểm tra. Thậm chí Baharah không phân biệt được các màu trắng, đỏ, vàng. Người ta cho rằng bé không chỉ khuyết tật về thể chất, khả năng tư duy cũng có vấn đề.
Một ngôi trường nhận bé. Bà mẹ thường đạp xe đưa bé đi học nhưng vì vội đi làm, chị thường để cô ở cổng. Bahara không hòa nhập được với chúng bạn, em chỉ lủi thủi một mình. Bé tìm đến nghĩa địa nơi có ngôi mộ của cha và đặt lên bức anh những cái thơm má. Cô cứu vớt những chú chim tội nghiệp.
Baharah bị đuổi học. Bà mẹ chặn xe cô hiệu trưởng trên một cây cầu cố nài nỉ nói là sẽ làm bất cứ điều gì để con gái được trở lại lớp. Hiệu trưởng chỉ xuống dòng sông cạn dưới cầu bảo rằng: Bao giờ nước sông lại chảy thì sẽ cho cô bé trở lại lớp.
Cô bé ra thăm mộ cha và trở lại ngồi nơi cây cầu đợi. Cô nói với người qua đường: Bao giờ sông có nước thì em sẽ lại được đến lớp. Một ngày bé nghe được tiếng đàn của cậu bạn nọ. Nhạc âm khiến Baharah phấn khích. Cô như một con người khác hẳn. Hoạt bát, thông minh. Có thể nhạc âm đã kích hoạt những tiềm ẩn trong tâm hồn cô bé. Baharah hào hứng học chữ và đọc được các chữ cái, số đếm. Cô hỏi nhạc cụ đó là gì, cậu bạn nói là đàn Dutar. Đây cũng là một nhạc khí nổi tiếng của người Iran và vùng Tây và Nam châu Á.
Ông Braham muốn giúp cô bé và thuyết phục ban giam hiệu rằng những đợt kiểm tra thất bại là do cô bé quá mệt vì phải đi đường xa. Chẳng ai tin ông. Braham tìm đến cây cầu và chuyện trò cùng bé gái rồi nhận ra cô rất thông minh. Cô nhớ được những bài thơ trên sách, nhớ các con số. Cô có những liên tưởng khá kì lạ về màu sắc. Braham nhận ra bé bị mù màu. Đó là vấn đề khiến cô không phân biệt được đâu là trắng, đỏ và vàng.
Chợt một ngày, như phép màu, dòng sông bỗng cuồn cuộn nước. Baharah chạy đến phòng hiệu trường báo lại nhưng bà ta không tin, còn cho rằng bé gái nói dối. Baharah trở lại cầu và chờ chặn xe cô hiệu trưởng. Bà ta ngạc nhiên hỏi những người đàn ông: Nước từ đâu đến vậy rồi đóng sầm cửa xe lái đi bỏ lại Baharah thất vọng ngó theo.
Những người bạn xuất hiện hỏi han. Baharah bảo nước sông đã trở lại nhưng cô hiệu trưởng không chấp nhận sự thật đó. Những người bạn khuyên cô làm lại các bài kiểm tra. Họ đưa ra bảng màu và chỉ dẫn cho cô nhưng vô hiệu. Cô chỉ có thể nhận ra các màu sắc từ những đồ vật được gợi ý trước. Cậu bạn có cây đàn Dutar đưa ra cái mũ đỏ nhưng rơi xuống sông mất. Khi đám bạn chạy xuống sông để vớt lại chiếc mũ thì Baharah kêu lên “màu đỏ kia”. Có thể do cô nhớ ra sắc màu của chiếc mũ do cậu bạn nói lại từ những cuộc gặp trước.
Cậu bé gảy đàn. Baharah gọi tên các màu sắc bằng sự khác biệt của những nốt nhạc. Đôi chân cô như khỏe mạnh trở lại với những bước nhảy cuồng si trên cây cầu sắt. Cô gọi tên những đền đài, lăng tẩm, những công trình kiến trúc nổi tiếng của Iran, các con số. Trong khi đó cậu bạn vẫn cười rất tươi và tiếp tục gảy đàn.
Người xem sẽ thất vọng nếu muốn một phim với những tình tiết tâm lý gây cấn như điện ảnh Hoa ngữ hay Âu Châu. Người xem quen với phim Mỹ cũng sẽ cảm thấy nhàm chán khi những cảnh quay đen trắng xuất hiện hơi nhiều dưới con mắt của một người mù màu. Cảnh bà mẹ đạp xe chở theo đứa con gái lặp đi lặp lại. Thậm chí có những cảnh quay chỉ hiện thị bóng của chiếc xe đạp trên đường. Nhưng đó là những ẩn dụ khi nhà làm phim chơi với hình ảnh. Có những cảnh quay “đốn tim” người xem như cái hôn của đứa con gái lên bức ảnh của người cha trong nghĩa địa hay đôi giày được quay từ từ, rất thấm.
Bằng câu chuyện về những đứa trẻ. Chuyện học hành. Chuyện trẻ khuyết tật, đạo diễn Ghavitan đã nói lên nhiều điều về nhận thức xã hội và những ẩn dụ mang tính đối lập cuộc sống đa sắc màu hiện lên một cách đầy ám ảnh dưới ánh mắt của một trẻ mù màu. Âm nhạc là thứ có thể cứu rỗi những khiếm khuyết nơi tâm hồn con người.
Hữu Vi
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/the-white-bridge-an-du-ve-cuoc-song-qua-chuyen-con-tre-a22543.html