Sơn Lăng trên núi Sam, nơi lăng mộ, đền thờ Thoại Ngọc Hầu
Du lịch xanh (DLX) nhìn từ tứ giác Long Xuyên-An Giang
Chỉ cần một chiếc xuồng máy để chạy suốt chiều dài kênh Vĩnh Tế cũng đủ cho du khách khám phá bao nhiêu điều thú vị. Con kênh do Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) - người có công di dân khai phá miền đất Hậu Giang - điều dân binh đào từ Châu Đốc đến Hà Tiên nối vào sông Giang Thành, đổ xuống lòng Đông Hồ ra biển Đông dài gần 100km.
Đi trên đường thủy này ta ghé núi Sam với quần thể di tích văn hóa-lịch sử sơn lăng và đền thờ Thoại Ngọc Hầu. Tương truyền, từ xa xưa, núi Sam là một cù lao nhô lên giữa biển. Do sông Cửu Long “kiên trì” kéo đất đầu nguồn xuống bồi đắp, đẩy biển ra xa mà cù lao thành núi. Đã lên đây thì phải viếng miếu Bà Chúa Xứ.
Trước giải phóng, tôi đến đây, đường đi là lối mòn sỏi đá, miếu Bà bé nhỏ, đơn sơ. Nay thì đường nhựa thênh thang, phố sá sầm uất, tòa miếu Bà hình tháp 4 tầng uy nghi, tráng lệ,… và cả một khu đô thị hiện đại trải dọc các trục đường triền núi. Người ta bảo: Tất cả từ miếu Bà Chúa Xứ mà nên, do phát triển du lịch (DL) mà có.
Về An Giang tôi hay đi Châu Đốc, đi Tân Châu thăm người quen. Xuống phà bên khách sạn Hàng Châu qua Cồn Tiên ở giữa dòng Châu Giang, nhìn vào mấy xóm nhà bè nuôi cá trên sông dập dềnh sóng nước. Sang bên kia sông là xứ sở dệt thổ cẩm của người Chăm Châu Giang. Những dãy nhà sàn Chăm san sát bờ Châu Giang lộng gió. Đường qua các làng Chăm có những cây sầu đâu phủ trắng bông, ăn được, vị đắng. Khô cá sặc lò tho hay cá lóc nướng xé nhỏ, trộn với đọt và bông của loài cây này, thêm ít dưa leo bào mỏng và tí chanh, đố có dân nhậu nào không mê sau một lần thưởng thức.
Đây đó, đền thờ Hồi giáo có mái tròn in màu trắng lên da trời. Hơn 1,3 vạn cư dân Chăm Châu Giang có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Từ đây đi hơn 20km nữa thì đến Tân Châu, cái thị trấn ở đầu nguồn sông Tiền giáp ranh nước bạn Campuchia, chỉ sau giải phóng ít lâu đã lên thị xã phồn thịnh như một đô thị hiện đại. Tân Châu từ xưa đã nổi tiếng nghề dệt lụa Lãnh Mỹ A nhuộm trái mặc nưa lên nước đen bóng. Tân Châu với thương cảng và những khu thương mại sầm uất.
Do nằm ở đầu nguồn sông Tiền, nên mỗi mùa lũ Tân Châu được hưởng “lộc trời” sớm nhất khi cá linh con từ sông Mêkông vừa trôi xuống. Sông Tiền chảy qua Tân Châu mang theo nhiều loại cá hiếm, chỉ sông Mêkông mới có. Chợ Tân Châu bán đủ loại đặc sản, có những con cá leo 5-7kg sải tay không hết. Cá chạch lấu đến vài ba kg/con. Dân Tân Châu hay đi đánh cá bông lau ở sông Vàm Nao gần đó, con sông ngắn nối sông Tiền với sông Hậu.
Đồn rằng, khi Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế và kênh Rạch Giá, Vàm Nao chỉ là lạch nước nhỏ đầy cá sấu. Những phu đào kênh hay trốn về nhà, khi tới chỗ này họ níu đọt tre đu người từ bờ bên đây sang bờ bên kia để tránh cá sấu. Ấy thế mà, do nước sông Tiền đổ qua, nước sông Hậu đổ lại, tạo dòng xoáy làm sạt lở, khiến Vàm Nao ngày một rộng và sâu, tạo chỗ cho các cá hô, cá leo, cá bông lau, cá vồ đém,… cực lớn sinh sống.
An Giang được thiên nhiên ưu đãi tài nguyên sông nước, ruộng đồng, rừng núi,… để tạo các sản phẩm DL. Với Thất Sơn, đã mấy lần tôi đến, nhưng chỉ đi tới chân núi, xem di tích tội ác diệt chủng của Khmer đỏ, viếng vài cảnh chùa nữa thôi.
Còn cù lao Giêng ở giữa sông Tiền (trên cù lao có 4 xã) với ngôi nhà thờ cổ (ra đời 1872 mà tập bút ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê có viết); và cù lao Ông Hổ nằm giữa lòng sông Hậu qua Long Xuyên, nơi có khu lưu niệm và đền thờ Bác Tôn, cùng nhiều địa chỉ cho DL văn hóa-lịch sử, DL sinh thái nữa.
Và Kiên Giang cũng vậy, nhận nhiều ơn phước của trời: Có đủ đồng bằng, rừng núi, hang động, hải đảo-như một “Vịnh Hạ Long phương Nam”. Những lần đi lễ hội đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở TP.Rạch Giá, tôi đều có đi Hà Tiên với núi Tô Châu, lăng Mạc Cửu, Đông Hồ ấn nguyệt, chùa Hang, hòn Phụ tử,… và bãi biển Mũi Nai cát xám, nước đục (không như biển Ba Động (Trà Vinh) cát trắng, nước trong).
Lại nhớ Trà Vinh mà trước giải phóng tôi từng đi với anh bạn sinh viên Văn khoa ở Sài Gòn về chơi mỗi dịp hè. Nhà anh ở bên chợ Trà Vinh có các quán bún nước lèo, bún mắm bồ hóc mà anh hay đãi tôi. Anh đưa tôi dạo chơi Ao Bà Om, làm quen với bao nhiêu cổ thụ cao vút, gốc nào cũng nổi bộ rễ hình thù cổ quái trên mặt đất.
Một lối vào rừng tràm U Minh (Cà Mau)“...Về đây ta xây dựng làng quê mới ... Để ngày mai bông lúa chín vàng Bát ngát như hương tràm U Minh...”(lời một bài ca vọng cổ)
Còn Cà Mau, một vùng sông nước cực Nam Tổ quốc, hào phóng như gió rừng U Minh, có bao nhiêu thắng cảnh thiên tạo và nhân tạo đáng đưa vào địa chỉ DLX. Nào U Minh Thượng, U Minh Hạ, lâm viên 19-5 và bao nhiêu rừng bạt ngàn tràm, đước… Hiện nay, DLX có loại hình DL rừng (tour trekking). Từ xưa, y học vẫn coi thiên nhiên là thuốc chữa bệnh. Rừng là nơi không khí trong lành, thực vật phong phú, là “vương quốc”của sự đa dạng sinh học và chứa đựng những điều bí ẩn mà du khách muốn khám phá…
ĐBSCL là “châu thổ xanh” với biết bao tài nguyên thiên nhiên mà con người - bằng sự sáng tạo tuyệt vời của mình - có thể biến thành sản phẩm DLX để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Nhà văn Lý Lan vốn sinh ra trên đất 9 Rồng, có viết: “Ơn phước của dòng Mêkông chỉ ban cho những kẻ dũng cảm, có trí tuệ, có lòng yêu kính dòng sông”. Đó là nhà văn lo, trong tương lai, sự biến đổi khí hậu sẽ làm biến dạng khu vực ĐBSCL, nhấn chìm nhiều vùng đất xinh đẹp, hiền hòa như máu thịt con người của sông nước 9 Rồng.
Còn Thời báo Mêkông của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia thì có bài viết “Sông Mêkông sắp thành chuỗi hồ” khi đặt vấn đề hàng loạt dự án xây đập thủy điện trên sông Mêkông đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của ĐBSCL, đối với an ninh lương thực, an ninh nguồn nước quốc gia và sự ổn định xã hội”.
Theo chuyên gia Peter Adamson, nếu thực hiện các dự án thủy điện này thì 90% tổng lượng phù sa khu vực ĐBSCL do sông Mêkông bồi đắp hằng năm sẽ bị chặn lại. Các con đập sẽ ngăn các loài cá tôm di cư sinh sản, làm thay đổi hệ sinh thái dòng sông và sinh cảnh của nhiều loài thủy sản, bồi lấp những vực sâu của sông từng là môi trường sống cho các loài thủy tộc, tức mất nguồn dinh dưỡng khiến biển ở khu vực ĐBSCL sẽ bị giảm mạnh về sản lượng thủy sản. Tuy nhiên, với sự tham gia của cả hệ thống quốc tế, chúng ta tin rằng sông Mêkông sẽ được bảo vệ những gì vốn là của nó./.
Theo Quang Hảo (Báo Long An)