Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022)”

Ngày 29/7, tại hội trường tỉnh, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022)”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh.

anh-01-2-1659079361-1659322203.jpg
Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, các cơ quan đại diện Trung ương phía Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Viện Lịch sử Đảng, Thường trực các tỉnh, thành ủy khu vực ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh; cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có bài tham luận…

Quá trình hình thành và thành lập tỉnh An Giang

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, theo sách Đại Nam thực lục chính biên ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mạng thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên, trong đó đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh” gồm Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhất là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất An Giang nhiều lần sáp nhập, chia cắt địa giới hành chính, thay đổi tên gọi khác nhau như: Châu Đốc, Long Xuyên, Long Châu Hậu, Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Long Châu Sa, An Giang, Châu Hà và đến năm 1976 tỉnh An Giang được tái lập đến nay.

anh-02-1659079361-1659322256.jpg
Chủ trì Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022)”, với sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thường trực Tỉnh ủy An Giang.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết thêm, với vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, đầu nguồn của dòng Cửu Long, gần 100km tiếp giáp Vương quốc Campuchia; An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, An Giang luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Là vùng “Địa linh - nhân kiệt” với nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá, anh hùng và cách mạng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến. Nhìn lại chặng đường 190 năm hình thành, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang luôn vinh dự tự hào và mãi ghi ơn các bậc tiền nhân đã khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất An Giang. Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn quá trình hình thành, những giá trị và đóng góp của An Giang trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tiến sĩ Lê Hồng Quang nhấn mạnh, Hội thảo khoa học chủ đề “An Giang - 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022)”, một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc tiến tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Hội thảo nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành, phát triển tỉnh An Giang, nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người dân An Giang, cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông; đồng thời, hun đúc thế hệ hôm nay và mai sau có trách nhiệm ghi tiếp những trang sử vàng chói lọi của dân tộc; góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

dh23636346-1659322329.gif
Tiến sĩ Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu khái quát quá trình hình thành tỉnh An Giang.

An Giang - 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022)

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng kiên cường, suốt chặng đường lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, An Giang là vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người Cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ trung thành của Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế. Người dân An Giang có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thuỷ chung trong cuộc sống. Từ khi có Đảng, người dân An Giang luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin theo con đường cách mạng, sẵn sàng chiến đấu gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp chung. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, người dân An Giang đạt được trong thời gian qua là kết tinh của truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân An Giang luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất An Giang tươi đẹp như ngày nay. Và đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người An Giang; về vai trò, vị trí, những đóng góp của An Giang trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh An Giang trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo rất vui mừng và vinh dự nhận được 166 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu trong và ngoài tỉnh xoay quanh các nội dung chủ yếu như: (1) Những sử liệu về quá trình hình thành và phát triển của tỉnh; (2) quá trình di dân, lập ấp ở vùng đất An Giang; (3) chính sách khai hoang, mở rộng các dinh điền, phát triển kinh tế - xã hội thời các chúa Nguyễn trên vùng đất An Giang; (4) công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước của người dân An Giang; (5) những danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh gắn liền với vùng đất An Giang; (6) vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh An Giang trong 92 năm hình thành và phát triển, những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (7) thành tựu to lớn của tỉnh qua 190 năm thành lập và phát triển; (8) thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang hiện nay; (9) tự hào về lịch sử, truyền thống, con người, quê hương An Giang,... Tuy nhiên, để phù hợp với mục đích và yêu cầu của Hội thảo cũng như do dung lượng kỷ yếu có hạn, Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn 95/166 bài để phục vụ Hội thảo.

anh-05-1-1659079361-1659322370.jpg
Các đại biểu tham quan tư liệu trưng bày quá trình hình thành thành lập tỉnh An Giang tại Hội thảo.

Những thành tựu to lớn của Tỉnh qua 190 năm hình thành và phát triển

PGS. TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu báo cáo tham luận tại Hội thảo với đề tài “Những đột phá, sáng tạo của tỉnh An Giang trong phát triển kinh tế - xã hội”. Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn ghi nhận, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 năm qua, An Giang được đánh giá là một trong các địa phương năng động nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, giữ vững vai trò là cửa ngõ kết nối ĐBSCL với các nước trong khu vực ASEAN qua châu thổ sông Mê Kông. Giai đoạn 2000 - 2020, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm), nhờ đó GRDP bình quân đầu người tăng nhanh từ 4,5 triệu đồng/năm (năm 2000) lên 46,6 triệu đồng/năm (năm 2020). Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng nhanh khu vực phi nông nghiệp.

Thành tựu nổi bật của An Giang trong hơn 35 năm đổi mới thể hiện trên nhiều lĩnh vực, phương diện, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là, những đột phá và đổi mới trong phát triển sản xuất lúa gạo; Đột phá, đi đầu về nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa. An Giang được xem là “cái nôi” của con cá tra vùng ĐBSCL; Đột phá trên lĩnh vực du lịch; Đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực phát triển.

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá, bên cạnh những thành tựu, trong tiến trình phát triển, An Giang cũng đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức: Trước tiên là sự phát triển còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của An Giang chủ yếu dựa vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp; nhưng hiện nay do việc khai thác quá mức, do áp dụng thời gian dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giản đơn, sản xuất nông nghiệp truyền thống đã bộc lộ hạn chế về tính bền vững của tăng trưởng và đang trong quá trình suy giảm. Hệ quả là tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh đã thấp hơn mức tăng trưởng của vùng ĐBSCL và của cả nước từ năm 2012 đến nay.

dn2363464747-1659322445.gif
PGS. TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu báo cáo tham luận tại Hội thảo với đề tài “Những đột phá, sáng tạo của tỉnh An Giang trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của An Giang còn chậm, chưa có kết quả rõ rệt. Năng suất lao động dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Năm 2020, năng suất lao động của tỉnh là 56,2 triệu đồng, chỉ bằng 48% của cả nước (cả nước là 117,4 triệu đồng). Nông nghiệp tuy phát triển nhưng vẫn còn ở quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp chế biến chậm đổi mới, chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị địa phương, chuỗi giá trị toàn cầu. Năng suất lao động khu vực công nghiệp của tỉnh chỉ bằng 37% năng suất lao động ngành công nghiệp của cả nước; năng suất lao động khu vực phi nông nghiệp cũng thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Thu hút đầu tư vào kinh tế biên mậu chưa nhiều. Du lịch có phát triển nhưng chưa đủ sức trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. GRDP đầu người và thu nhập bình quân đầu người tại An Giang đều thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng và cả nước. Tính đến năm 2020, GRDP/người/năm của An Giang đạt 46,6 triệu đồng, chỉ bằng 83% của vùng đồng bằng sông Cửu Long, bằng 72% mức bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 của tỉnh là 3.338 ngàn đồng, chỉ bằng 86,2% của vùng, 78,6% của cả nước. 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Đoàn Minh Huấn lưu ý tỉnh An Giang cần quan tâm, Nông nghiệp tiếp tục là nền tảng của kinh tế địa phương; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Vì thế, tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có chất lượng và hiệu quả cao, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng có chọn lọc thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phù hợp với điều kiện địa phương để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu hợp lý trong hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp được xác định ưu tiên, nhất là công nghiệp chế biến.

anh-06-1-1659079361-1659322486.jpg
Cánh đồng lúa Tà Pạ, huyện Tri Tôn (An Giang).

Triển khai Chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa, cá, cây ăn quả, chăn nuôi. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu gắn với khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách. Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022, của Bộ Chính trị khóa XIII “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017, của Chính phủ “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của An Giang cần được đặt trong sự tương tác với các vùng miền cả nước, nhất là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng cường tính phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững.

Văn Dương - Hồng Ân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoi-thao-khoa-hoc-an-giang-190-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-1832-2022-a22502.html