Giếng Tiên nằm một phần rất nhỏ khu vực đảo cận kề trung tâm thành phố Phú Quốc ngày nay, muốn đến được nơi đó phải đi bằng ghe, tàu hoặc những chuyến tàu du lịch từ hòn đảo đó về Phú Quốc. Khu vực giếng Tiên chỉ có một lõm nhỏ, mỗi lần lấy được một ca nước (1 lít) từ phần lõm nước ấy chảy ra.
Điều kỳ lạ là hòn đảo nằm trên biển (toàn là nước mặn), một lõm nước nhỏ nằm trên hòn đảo đó lại sản sinh ra nước ngọt và chảy rất đều đặn, hứng đầy ca này sẽ hứng tiếp đầy ca nước khác, mỗi khi thủy triều lên, lõm nước phủ đầy nước biển nhưng khi thủy triều xuống thì vẫn là… nước ngọt! Vì thế, người dân nơi đây cho là “nước tiên” và nơi chứa “nước tiên” được gọi là giếng Tiên.
Và điều khác lạ là vùng biển quanh khu vực hòn đảo có giếng Tiên rất êm ắng, sạch sẽ, có bãi cát trắng trải dài, không có vỏ sò, vỏ ốc,… như các nơi khác.
Tương truyền rằng, khi chúa Nguyễn (tức Nguyễn Ánh - Gia Long) trong một lần trốn chạy quân Tây Sơn đã chạy đến Phú Quốc. Đến được nơi này thì nước ngọt đã hết. lương thực cũng cạn kiệt, lòng quân dao động. Trong lúc rối bời, Nguyễn Ánh đã cắm mũi kiếm xuống đá, ngửa mặt lên trời thốt lên rằng: “Nếu trời cho làm vua thì hãy ban cho nước ngọt và lương thực”. Vừa dứt lời, chỗ mũi kiếm cắm xuống, đá nứt ra. Theo kẽ hở, nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ra. Kế đó, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể giúp quân có lương thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm… Trải qua hàng trăm năm sau, dòng nước ngọt đó trở thành một cái giếng nước ngọt hiếm hoi giữa vùng rừng biển mênh mông.
Không rõ thực hư về huyền tích giếng Tiên thế nào, nhưng theo các bậc cao niên ở phường An Thới (thành phố Phú Quốc), ngay từ thuở nhỏ, họ đã thấy giếng Tiên có hình hài như bây giờ, chỉ khác là ngày nay được người ta xây thêm mấy hàng gạch bằng đá đẽo bao quanh để giếng chứa được nước nhiều hơn. Giếng có độ sâu chừng một mét, về bản chất là một mạch nguồn trong núi chảy ra, chứ không phải đào đất thành giếng.
Anh Nguyễn Việt Thái (sinh năm 1977, một khách du lịch đến từ Thái Bình) cho biết: “Còn hơn những gì mà chúng tôi mong đợi, khi tôi đưa cả gia đình đến Phú Quốc chơi những ngày hè thì ai cũng đều thích thú với không khí nơi đây, mát mẻ, trong lành,… Thành phố Phú Quốc thật đúng với tên gọi đảo ngọc Phú Quốc và cần được đầu tư phát triển đúng mực, gắn liền với sự ổn định đời sống của người dân, bảo đảm cuộc sống yên bình, an vui”.
Với anh Trần Văn Mạnh (sinh năm 1976), ngụ ở thành phố Cần Thơ) thì: “Phú Quốc quá đẹp và đúng là nơi du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng. Bên cạnh việc đầu tư phát triển như hiện nay, thành phố Phú Quốc cần phát huy, bảo tồn và lưu giữ những dấu ấn lịch sử bao đời nay mà thành phố Phú Quốc đang thụ hưởng, trong đó có sự đóng góp của toàn dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương trước sự phát triển vượt bậc của thành phố Phú Quốc ngày nay”.
Anh Phan Văn Đen (sinh năm 1976, một người sinh sống hàng chục năm ở Khu phố 6, phường An Thới, thành phố Phú Quốc) nói: “Các điểm di tích lịch sử, du lịch ở Phú Quốc hiện nay thì nhiều lắm. Nhưng tôi và đông đảo người dân địa phương vẫn luôn tự hào về giếng Tiên, hay còn gọi là giếng Ngự, giếng Gia Long,… Bởi vì nơi đây gắn với câu chuyện về vua Gia Long, là nguồn nước thiêng nên mỗi lần đi qua đây người dân chúng tôi không quên lấy một vài chai về nhà… Ngày nay Phú Quốc đã phát triển mạnh mẽ, nhiều dự án đã và đang được triển khai, là người dân sinh sống ở Phú Quốc chúng tôi thật sự rất vui mừng và vui mừng hơn khi đời sống được nâng cao, công tác quy hoạch, giải tỏa đền bù đúng quy định, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân”.
Anh Duy
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ve-gieng-tien-cua-vua-gia-long-o-phu-quoc-a22500.html