Anh cán bộ bảo vệ thực vật xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) dẫn tôi vào khu rừng tre ở bản Pá Khốm. Pá Khốm nghĩa tiếng Thái là rừng măng đắng. Mùa măng đã qua. Rừng chỉ còn những cây tre thẳng đuột như thi thố vươn lên đón nắng gió, mưa trời.
Khu rừng này cũng như bao khoảnh, lô rừng chốn này đều đã có chủ. Rừng măng đắng bản Pá Khốm thuộc sở hữu của anh em nhà họ Thò. Thò Bá Thông và Thò Bá Lầu thừa hưởng di sản từ người cha quá cố. Người anh không đi học chữ. Người em, Thò Bá Lầu chỉ học đủ để đọc tấm căn cước công dân và biên được tên mình. Hai người chẳng rõ rừng nhà mình rộng bao nhiêu hecta. Chỉ biết rằng mỗi người một quả đồi ven đường.
Từ Quốc lộ 16 có thể nhìn rõ những cánh rừng tre thò thụt theo địa hình cắt xẻ. Phía dưới là những thửa ruộng bậc thang. Thấp hơn nữa, sát con lộ là nhà ở của người em và người anh liền kề nhau.
Thò Bá Thông cho hay năm nay 40 tuổi. 40 lần phát trỉa, cũng là 40 mùa lúa rẫy. Thế mà cũng đã khá lâu, hai người không còn trỉa lúa nương. Họ làm ruộng nước. Ruộng khai khẩn ngay dưới chân núi, nơi có rừng măng đắng. Phía trung tâm xã, cách đó chừng dăm cây số, lúa đã lên xanh. Người ta cấy vụ mới cả tháng nay rồi mà anh em nhà họ Thò mới gặp vụ chiêm. Giống bản địa, dài ngày, năng suất kém. Nhưng họ cũng chẳng mấy để tâm. Cuối vụ vẫn có lúa về kho. Vợ chồng, con cái vẫn luôn ấm bụng.
Tài sản lớn nhất của anh em họ Thò vẫn là khu rừng măng đắng.
Thò Bá Thông nói: “Mùa măng vừa rồi, anh bán măng được hơn ba chục chú ạ”. Ba chục triệu. Với Thò Bá Thông thì cũng là nhiều rồi. Anh đủ tiền làm nhà. Gỗ đã chuẩn bị từ trước. Tre thì đốn từ rừng. Số tiền bán măng anh giao cho vợ cất để trả anh em chòm xóm. Vừa thuê vừa nhờ giúp. Còn lại vẫn đủ mua nhu yếu phẩm phục vụ người làm.
Giêng hai, khi có sấm đầu năm, măng đua nhau mọc. Người ta cũng đưa nhau vác cuốc, vác mai vào rừng đào măng. Củ măng chưa nhoi lên mặt đất đã bị đào lên. Vỏ măng vàng chanh, nâu sẫm. Loại này người ta ưa chuộng. Măng mọc khỏi mặt đất rồi vỏ xanh, ăn có vị đắng. Người thích thì ít, kẻ chê thì nhiều. Mùa măng chỉ diễn ra trong một vài tháng. Ba chục triệu bán măng của Thò Bá Thông cũng chỉ kiếm được trong vòng một vài tháng. Hết măng thì chăm ruông, nuôi trâu.
Thò Bá Thông dẫn tôi và anh cán bộ bảo vệ thực vật tham quan khu rừng. Anh bảo là “Đi thăm quan”. Về chiều, rừng chuyển sang sẫm màu. Những thân tre mốc meo tưởng chừng như đã sống qua chục năm, thẳng tuột vút cao. Từng chòm lá xanh ngạo nghễ thi gan cùng nắng gió. Vươn mình đến nắng gió. Ánh chiều rải đều trên thân lá và tìm đến mặt đất dưới thấp lấp lánh lân tinh.
Thông bảo, cha anh chỉ có hai con trai. Từ khi chưa vợ, hai người đã được cha dặn dù sao cũng phải giữ lấy rừng. Còn rừng là còn nước uống, cơm ăn, còn gió mát mà thở. Bán đi rừng cũng như lấy dây rừng thắt họng. Hết thở, hết ăn. Vì thế mà có người đã ngã giá tiền tỷ nhưng anh bảo em rồi em lại bảo anh không được bán. Bán rừng khác nào bán luôn vợ con. Tiền tỷ thì nhiều thật đấy. Có tiền thì mất rừng. Tiền tiêu hết biết dựa vào đâu?
Cũng có người tìm đến mua tre về vót đũa, chẻ tăm. Thông chỉ bòn chút một. Cây nhỏ 10.000đ, cây lớn 20.000đ. Đếm cây rồi trả tiền. Nhờ bán tre, vợ có áo mới mặc đi hội diễn văn nghệ, con có sách đi học.”Mình không đi học. Con thì phải học cho đến trường huyện, trường tình”, Thông nói, lời ngay thẳng như những thân tre.
Sinh ra cạnh rừng tre. Phải chăng vì thế mà anh chàng họ Thò cũng toát ra vẻ ngay thẳng. Anh bảo: "Nếu còn mùa măng, nhất định sẽ phải mời chú một bữa ăn kiểu người miệt rừng. Nhất định sẽ cho chất đầy túi mà mang làm quà cho vợ con. Nay hết măng, anh chỉ có chén rượu nhỏ. Hẹn chú mùa măng năm tới".
Những cánh rừng lùi lại. Ngọn đồi nơi có loài tre mọc lên thứ măng có vị đắng lùi lại. Chỉ còn nơi tâm tưởng tôi màu xanh ngút ngàn xao động gió núi. Có một đôi mắt sáng lên giữa rừng tre. Thơ ngây. Trong suốt. Đó là Thò Y Mái, con gái út sắp vào lớp 1 của Thò Bá Thông. Y Mái là cây măng mới mọc dưới cánh rừng của cha. Trẻ con người Mông nơi đây ít nhiều đã mang những cái tên như Lầu Thu Hằng, Thò Mai Hương, Và Thành Đạt… Thông vẫn dùng tên tiếng Mông đặt cho con, Y Mái nghĩa là gì nhỉ? Tôi quên béng hỏi thăm. Còn tên gọi Thông mang hàm ý về sự cứng cỏi chắc nịch như chiếc búa tạ.
Ra về lòng chợt nghĩ. Một ý nghĩ có phần riêng tư. Chẳng biết người ta có tính chuyện khai thác du lịch những cánh rừng tre nơi đây? Riêng tôi chỉ muốn rừng tre mãi nguyên sơ như bao đời nay nó vẫn thế. Khu rừng như một sơn nữ hồn nhiên mang vẻ đẹp thoát tục. Cô ta sẽ khác đi chăng khi vương dấu hồng trần?
Hữu Vi
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-chieu-he-lac-vao-rung-mang-dang-noi-bien-vien-a22496.html