Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông và Hà Nhì gắn với phát triển du lịch

Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định về việc tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du tại hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Quyết định được ban hành cùng với kế hoạch triển khai cụ thể.

dh-03674885858-1659167399.jpg
Vẻ đẹp nguyên sơ của Cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Nam Nguyễn

Bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Theo kế hoạch, mục đích của việc tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại hai tỉnh. Đồng thời đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch có hiệu quả trong thời gian tới.

Trong đó, Bộ VHTTDL đặt ra yêu cầu cụ thể là phải tổ chức xây dựng được mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán dân tộc Mông và Hà Nhì của hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang.

Động viên, khích lệ đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.

Cụ thể, Bộ VHTTDL giao cho các đơn vị liên quan xây dựng hai mô hình. Mô hình thứ nhất là "Bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông tại xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang"; Mô hình thứ hai "Bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc Hà Nhì tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai".

dhh236346747-1659167444.jpg
Phát triển du lịch trải nghiệm với cây chè ở Lao Cai. Ảnh: Nam Nguyễn

Nhiều nội dung sẽ được triển khai

Với mô hình thứ nhất, Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang, UBND huyện Hoàng Su Phì sẽ triển khai vào quý III năm 2022 tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang với sự tham gia của 5 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng và 65 học viên dân tộc Mông do địa phương đề xuất.

Mô hình sẽ tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mông; Hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ phục vụ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông; Tổ chức báo cáo kết quả xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Bên cạnh đó, tiến hành ghi hình, chụp ảnh, dựng phim tư liệu về quá trình xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang.

Với mô hình thứ 2, Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì phối hợp Sở VHTT tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bát Xát triển khai vào quý III năm 2022 tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Mô hình này có sự tham gia của 7 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng và 73 học viên dân tộc Hà Nhì do địa phương đề xuất.

Nội dung triển khai sẽ tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Hà Nhì; Hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ phục vụ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì; Tổ chức báo cáo kết quả xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, sẽ ghi hình, chụp ảnh, dựng phim tư liệu về quá trình xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì, huyện Bát Xát nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lào Cai.

Trong quá trình triển khai thực hiện hai mô hình này, Bộ VHTTDL lưu ý các đơn vị đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh cũng như hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời để Lãnh đạo Bộ để xem xét, quyết định.

Để thực hiện tốt kế hoạch Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du tại hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang, Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu Sở VH&TT tỉnh Lào Cai; Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang; UBND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang thực hiện các nội dung như:

Phối hợp khảo sát, lựa chọn các địa điểm tổ chức. Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức xây dựng các mô hình. Tổng hợp, lập danh sách nghệ nhân, học viên tham gia xây dựng mô hình.

Nghiên cứu đề xuất các mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai và Hà Giang.

Tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng nhân rộng mô hình về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hai tỉnh.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-mong-va-ha-nhi-gan-voi-phat-trien-du-lich-a22494.html