Ngày 27/11/2014, tại Paris của Pháp, dân ca ví, giặm đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, trong quý III năm 2015, tỉnh tổ chức truyền dạy, dàn dựng các tác phẩm diễn xướng dân ca ví, giặm và biên tập các tác phẩm "Về miền ví, giặm," "Một lòng đợi bạn," "Diễn xướng phường vải," "Diễn xướng phường nón,, "Diễn xướng phường cấy," "Diễn xướng phường chài," "Thử lòng chung thủy," "Bần hát ghẹo," "Phụ tử tình thâm," "Khúc hát giao duyên"... thành những kịch bản chương trình mẫu có thời lượng 20 đến 25 phút.
Cùng với đó, Nghệ An tổ chức truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ như nhị, bầu, sáo, trống, thập lục vận dụng vào trong các tác phẩm ví, giặm được dàn dựng; hỗ trợ câu lạc bộ dân ca ví, giặm các trang phục biểu diễn, đĩa nhạc thu âm toàn bộ phần nhạc các tác phẩm, đạo cụ dùng trong các tác phẩm được tập huấn dàn dựng biểu diễn để câu lạc bộ duy trì biểu diễn các tiết mục.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh lựa chọn một số câu lạc bộ dân ca để triển khai công tác bảo tồn, trong đó ưu tiên câu lạc bộ tại huyện miền núi.
Hiện nay công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản dân ca ví, giặm đang được hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp với các ngành chức năng ở Trung ương, địa phương thực hiện. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại các địa phương, số nghệ nhân và người dân hát được dân ca ví, giặm không còn nhiều; không gian diễn xướng và các tư liệu cùng các yếu tố liên quan đến dân ca ví, giặm đang bị mai một, thất truyền. Nhiều câu lạc bộ và các làng, các nhóm dân ca ví, giặm gặp khó khăn về kinh phí và phương thức hoạt động.
Hoạt động này nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật hát ví, giặm; nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ví, giặm; từng bước đưa giá trị di sản dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thu hút 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 150.000 lượt, doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng.
Theo Di Sản Xanh