Chương trình “Linh thiêng Việt Nam” tưởng nhớ, tri ân sâu sắc thế hệ cha anh đi trước

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), tối 24/7, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đã tổ chức chương trình Cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” tại Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (huyện Củ Chi) và Nhà hát truyền hình HTV, đồng thời, kết nối với Nghĩa trang Liệt sĩ TP tại TP Thủ Đức.

inh-thieng-viet-nam-tuong-nho-tri-an-sau-sac-the-he-cha-anh-di-truoc-1658731131.jpg
Tiết mục “Đất nước” do NSND Tạ Minh Tâm cùng các dàn nhạc biểu diễn

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, trên các nền tảng số của Đài Truyền hình TPHCM, trực tiếp trên kênh HTV1 và được tiếp sóng trực tiếp trên các kênh của các Đài Phát thanh - Truyền hình nhiều địa phương trên cả nước.

Tại điểm cầu Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Quyết Thắng,Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi.

Tại điểm cầu Nhà hát Truyền hình TPHCM, đến dự có các đồng chí: Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP; đại diện các sở, ngành của TP, các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, sinh viên, nhân chứng lịch sử.

h-2-1658731176.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Ái chia sẻ tại chương trình

Tham dự chương trình tại điểm cầu Nghĩa trang Liệt sĩ TP có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; cùng hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên.

Tri ân sâu sắc thế hệ cha anh đi trước

Chương trình cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” là lời tri ân sâu sắc, là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng với những hy sinh mất mát của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước đã dâng hiến cuộc đời mình cho sự trường tồn của dân tộc và cho sự nghiệp xây dựng, giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước hôm nay.

Chia sẻ tại chương trình về kỷ vật vô cùng thiêng liêng là một mảnh của lá cờ Tổ quốc nơi giới tuyến luôn mang bên mình suốt nhiều năm qua, đồng chí Nguyễn Hữu Ái, Giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TPHCM, nguyên Chiến sĩ Công an vũ trang bờ Bắc Hiền Lương (những năm 1970 - 1973) xúc động kể lại: “Năm 1970, khi đó 20 tuổi, tôi đỗ đại học ngành y ở Đức, nhưng sau đó tôi lại chọn con đường cầm súng đánh giặc. May mắn vinh dự được chọn về chiến đấu giữ vững và giương cao lá cờ Tổ quốc ở bờ bắc Hiền Lương. Thời điểm đó, địch đánh suốt ngày đêm, ngày hôm nay cờ ta chưa gãy thì chúng đánh ngày hôm khác. Chúng tôi, người này ngã xuống thì người khác lại tiếp tục giương cao lá cờ Tổ quốc ở Hiền Lương, cho đến ngày thắng lợi...”.

h-3-1658731206.jpg
Tiết mục văn nghệ tại điểm cầu Nhà hát Truyền hình TPHCM

Từ quê hương Thái Bình, bà Đặng Thị Xơ, vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh vừa có mặt tại TPHCM và tham dự chương trình “Linh thiêng Việt Nam” đã chia sẻ câu chuyện xúc động về kỷ vật là lá thư của chồng mình. Năm 1972, khi mới cưới vợ được 7 ngày, chàng thanh niên Lê Văn Huỳnh đã lên đường nhập ngũ. Năm 1973, gia đình đồng chí Lê Văn Huỳnh đã nhận được giấy báo tử cùng quân tư trang của đồng chí nhưng phải thật lâu sau đó mới phát hiện lá thư này nằm dưới đáy ba lô.

Bà Đặng Thị Xơ kể, đến năm 1975, gia đình chuẩn bị đi hóa vàng quân tư trang của anh Huỳnh mới phát hiện lá thư của anh Huỳnh trong đó. Từ những thông tin trong lá thư, bà Đặng Thị Xơ vẫn hy vọng tìm được hài cốt của chồng. Đến 30 năm sau, hài cốt của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã được gia đình tìm thấy. Đến nay bà Đặng Thị Xơ vẫn ở một mình trong ngôi nhà tình nghĩa để hương khói cho Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Đồng chí Biện Thị Mỹ, ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi chia sẻ: “Trong chiến tranh, nhân dân ta mất biết bao xương máu để đổi lại độc lập tự do. Ba tôi đã hy sinh trong kháng chiến, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Gia đình tôi có người chị và 2 anh trai đã hy sinh. Tôi là thương binh ¼, chồng là bệnh binh 3/3. Gia đình tôi luôn nguyện làm theo lời dạy của ba mẹ ông bà để nuôi dạy các con. Là con trai của thương binh Biện Thị Mỹ, đồng chí Nguyễn Minh Trí, Phó Bí thư ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi bày tỏ niềm tự hào được  sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Đồng chí Nguyễn Minh Trí chia sẻ: “Từ bé chúng tôi đã được dạy dỗ phải có lòng yêu thương đất nước. Chúng tôi luôn phấn đấu tham gia xây dựng đất nước, trong đó, có công tác đền ơn đáp nghĩa các gia đình chính sách, tri ân người ngã xuống cho đất nước được độc lập tự do như hôm nay”.

Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn

Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, TPHCM là TP nghĩa tình và đền ơn đáp nghĩa là truyền thống của dân tộc ta, vì vậy tại TPHCM, truyền thống này luôn được bồi đắp lên. Trên tinh thần đó, chính quyền TP qua các thế hệ đã xây dựng các chính sách đền ơn đáp nghĩa, quan tâm sâu sắc đến những người đã hy sinh cho cách mạng, người có công với Tổ quốc. TP đã xây dựng các chính sách đảm bảo rằng những người có công với Tổ quốc, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ được chăm sóc có cuộc sống không thấp hơn cộng đồng nơi mình sinh sống.

TPHCM có phong trào quan tâm chăm sóc, chăm nuôi Mẹ Việt Nam Anh hùng, kết nghĩa chăm sóc cho các thương binh. Ngoài ra, trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19, TP luôn ghi nhớ, quan tâm chăm sóc để những gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ kịp thời. “Thời gian tới, chính quyền TP sẽ xây dựng các chương trình khác đảm bảo những người có công với đất nước được ghi nhớ và thực hiện tốt hoạt động đền ơn đáp nghĩa những người có công với đất nước”, đồng chí Dương Anh Đức cho biết.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP, đoàn đại biểu và đoàn viên thanh niên TPHCM đã tiến hành các nghi thức tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghi thức dâng hoa, dâng hương tại tượng đài chính và tiến hành nghi thức thắp nến tri ân gần 15.000 ngôi mộ Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố trên “Đồi không tên”.

h-4-1658731238.jfif
Tiết mục văn nghệ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP

Đồng chí Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TPHCM cho biết, nhiều năm qua, tuổi trẻ Thành phố luôn ý thức trách nhiệm trong thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh các chương trình Thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ vào dịp 30/4, 27/7 hàng năm, các cấp bộ Đoàn Thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ thông qua sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi đoàn chủ điểm, hành trình về nguồn; giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, các thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong để được giáo dục, bồi đắp lý tưởng, tiếp lửa truyền thống… Để thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với các thế hệ đi trước, tuổi trẻ Thành phố đã có những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng việc học tập, lao động; thi đua sáng tạo trong chính lĩnh vực công tác của mình; đồng thời, chung tay thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, vì sự phát triển của Thành phố. Tinh thần đó của tuổi trẻ Thành phố đã được thể hiện rõ nét thông qua những ngày Thành phố khó khăn trong phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19. Những việc làm thiết thực đó, chính là sự thể hiện rõ nét nhất tấm lòng tri ân của tuổi trẻ Thành phố đối với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ.

Cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” kết hợp chính luận - nghệ thuật gồm có 6 giao lưu, 9 video clip và các tiết mục ca múa nhạc, hoạt cảnh với ý nghĩa khẳng định truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam cùng ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị nhân văn sâu sắc của Ngày Thương binh - Liệt sĩ, viết tiếp khát vọng của những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc. Trong đó, có các ca khúc: Đất nước (Nhạc: Phạm Minh Tuấn - Phỏng thơ: Tạ Hữu Yên); Có những tuổi 20 như thế (Nhạc: Nguyễn Hồng Sơn – Thơ: Trần Văn Giang); Miền xa thẳm (Sáng tác: Đức Trịnh); Tổ quốc gọi tên mình (Nhạc: Đinh Trung Cẩn - Thơ: Nguyễn Phan Quế Mai); Linh thiêng Việt Nam (Sáng tác: Lê Quang); Người mẹ của tôi (Sáng tác: Xuân Hồng); Bài ca không quên (Sáng tác: Phạm Minh Tuấn); Hồi sinh (Sáng tác: Lê Tự Minh); Liên khúc Tự hào TP tôi yêu – Ngàn ước mơ Việt Nam  (Sáng tác: Thế Hiển – Nguyễn Hồng Thuận)…

Theo hcmcpv.org.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuong-trinh-linh-thieng-viet-nam-tuong-nho-tri-an-sau-sac-the-he-cha-anh-di-truoc-a22433.html