Dân bản nuôi ếch sinh sản từ tình huống bất đắc dĩ

Dịch bệnh khiến ếch thương phẩm không bán được. Một ngày chúng bất chợt đẻ trứng, thế là vợ chồng chị Hoa (Quỳ Châu - Nghệ An) bàn nhau nuôi ếch sinh sản và có thành công bước đầu.

img-9019-1658458223.JPG
Chị Sầm Thị Hoa là người đầu tiên nuôi ếch sinh sản ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

Nuôi ếch sinh sản đã trở nên phổ biến, tuy nhiên với nhiều cộng đồng người thiểu số vùng cao thì vẫn mới mẻ. Chị Sầm Thị Hoa trú bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, Quỳ Châu (Nghệ An) trở thành một trong những “người đi đầu” nuôi ếch sinh sản thành công trong bản.

Chị Hoa đến với việc nuôi ếch sinh sản khá tình cờ. Từng nghĩ rằng nuôi ếch giống khá khó khăn và đòi hỏi sự tỷ mỉ cũng như phải bỏ công chăm sóc rất tốn thì giờ nên gia đình chỉ mua ếch giống từ các cơ sở cung cấp, thậm chí là người bán rong.

img-8977-1658458223.JPG
Những con ếch này đã có thể đem bán cho người mua về nuôi

Đầu năm 2021, đang cao điểm dịch Covid-19, việc tìm kiếm nguồn ếch giống gặp khó. Trong khi ếch thương phẩm cũng không bán được. Vào một ngày mưa giông, lũ ếch đang nuôi trong bể chợt đẻ trứng. Vợ chồng chị Hoa bàn nhau thử nuôi ếch sinh sản. Chị bắt đầu tìm kiếm cách thức. Mạng internet đã trở nên phổ biến nên việc tìm được biện pháp phù hợp với điều kiện của gia đình không phải điều khó khăn.

Sau khi đã nắm bắt, ghi chép các phương pháp có thể áp dụng, chị Hoa bắt đầu công việc. Chị tận dụng bể chứa nước của gia đình làm chỗ cho ếch bố mẹ giao phối và để ương trứng. Để có chỗ cho nòng nọc và ếch con, chị chỉ việc kiếm những tấm bạt quay lại thành bể tạm thời.

img-9030-1658458223.JPG
Bể chứa nòng nọc

Chị Hoa mới nuôi ếch sinh sản từ đầu 2021 đến nay những cũng đã rút ra những knh nghiệm nhất định. Chị chia sẻ mỗi năm có thể nuôi ếch từ 6 - 8 tháng, chỉ trừ thời gian lạnh giá về mùa đông. Lúc này nếu vẫn muốn giữ ếch làm giống cho vụ sau thì nên tìm cách giữ ấm cho chúng.

img-9008-1658458223.JPG
Một con ếch có thể đã đến mùa đẻ trứng

Thức ăn là yếu tố quan trọng trong mùa ếch sinh sản. Gia đình chị Hoa đã tìm cách chế biến thức ăn từ trứng và một số loại thực phẩm khác để không phải mua thức ăn ngoài. Chị cho hay mỗi thời điểm sinh trưởng, ếch lại có một nhu cầu thức ăn khác nhau. Ví dụ nòng nọc cần lượng trứng nhiều. Những ngày đầu không cần cho ăn. Sau 5 ngày thì cho ăn thêm trứng luộc. Nước ao để ương cho trứng nở phải sạch sẽ, cần khử trứng. Sau 10 ngày thì cho ăn thức ăn tổng hợp bổ sung. Sau khoảng 30 ngày khi nòng nọc đã đứt duôi thì chuyển qua bể nuôi thương phẩm. Lúc này có thể thả bèo trên bể để giữ nhiệt độ bể luôn ổn định.

img-9035-1658458223.JPG
Từ giữa năm 2021, chị Hoa đã có ếch giống xuất bán cho người nuôi trên địa bàn huyện Quỳ Châu
img-9037-1658458223.JPG
Chị Hoa cho biết ngoài ếch thịt mỗi tháng gia đình bán được khoảng 3000 - 6000 con ếch giống choc ư dân địa phương, mỗi còn 2000đ - 3000đ.

Minh Nguyệt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dan-ban-nuoi-ech-sinh-san-tu-tinh-huong-bat-dac-di-a22401.html