Khu lăng mộ Đệ tam giác đồng Tiến sĩ Mai Thế Quý

Tiến sĩ Mai Thế Quý trước quê xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Khu lăng mộ của ông được xây xựng tại cồn Rú Đất, cổng chính ngoảnh mặt theo hướng Bắc giáp đường liên thôn, ba phía còn lại giáp ruộng lúa, Khu lăng mộ ngoảnh hướng Tây Bắc.

1-1658369560.jpg

Tiến sĩ Mai Thế Quý sinh năm Nhâm Ngọ (1822), đậu cử nhân khoa Nhâm Tý (1852) và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Sửu đời vua Tự Đức năm thứ 6 (1853) lúc 32 tuổi. Sau được bổ chức làm Hàn lâm viện, Tri phủ Lâm Thao, rồi Hộ lý tuần phủ tỉnh Quảng Yên. Năm Tự Đức thứ 21 (1868) sung Hải Phòng Hiệp lý Hải Dương, kiêm Quản nhu năng quan. Sau sung tán tương quân thứ Lạng Bình, tán lý quân thứ Tuyên Quang. Năm Tự Đức thứ 29 (1876) giữ chức Trung phụng Đại phu, Binh bộ Tham tri kiêm các chức như Đô sát viện Hựu phó, Đô ngự sử Tuần vũ Tuyên Quang, đề đốc quân vụ điều hành việc quân, quản lý lương thực và biên phòng ở Thái Nguyên.

5-1658369560.JPG
Toàn cảnh Khu lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý. Ảnh: Viết Hải

Trong suốt 24 năm làm quan dưới triều Nguyễn thì có 13 năm ông phải trấn trị vùng biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Yên, Tuyên Quang) với chức Tuần Vũ. Suốt 10 năm đi đánh giặc thổ phỉ, mạnh nhất là giặc khách cờ vàng do Hoàng Sùng Anh và lang đạo Nông Hùng Thạch cầm đầu. Với tài cầm quân, ông đã dẹp yên quân thổ phỉ đưa lại yên bình cho người dân vùng biên giới và đến nay, trong dân gian vẫn luôn truyền tụng câu ca: “Mai tồn Tuyên tại/ Mai bại Tuyên vong”. Nghĩa là: Còn Mai Thế Quý, còn Tuyên Quang/ Mai Thế Quý bại, Tuyên Quang bại.

2-1658369560.jpg

Trong cuộc đời làm quan, Mai Thế Quý có 9 lần được nhà vua ban thưởng. Với trọng trách được giao, ông đã làm hết sức mình để bảo vệ và ổn định đời sống cho người dân vùng biên giới phía Bắc.

Ngày 30 tháng 2 năm Tự Đức thứ 30 (1877), khi đang đóng quân tại Yên Hà để trù tính việc phòng thủ 6 tỉnh biên giới thì bị lâm bệnh nặng, ông mất vào ngày 23 tháng 6 năm Đinh Sửu (1877) tại lỵ sở Tuyên Quang.

Các quan trong triều thương tiếc ông đã tổ chức lễ tế “Trung Đồ” và có câu đối điếu: “Nhất đại văn chương, thùy tán thưởng/ Thập niên binh cách, tối gian tân”. Nghĩa là: Một đời văn chương không ai không khen ngợi/ Mười năm binh lửa, riêng ông chịu gian khổ, đắng cay.

3-1658369560.jpg
Phần mộ của ông được an táng tại cồn Rú Đất. Ảnh: Viết Hải

Sau khi Mai Thế Quý mất, triều đình Huế ra sắc chỉ rước thi hài ông về an táng tại quê nhà và khu lăng mộ của ông được xây tại cồn Rú Đất. Triều đình cũng ban sắc chỉ lập đền thờ, giao cho làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà) tổ chức tế lễ đúng theo nghi lễ của triều đình.

4-1658369560.jpg
Bia ghi danh Tiến sĩ Mai Thế Quý được lưu tại nhà thờ họ Mai (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà).

Hiện, tại nhà thờ họ Mai đại tôn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, còn lưu giữ một bộ hiện vật quý gồm văn bia đá được đúc bằng đá thanh khối (0,6 x 0,8m), thân và bệ bia được ghép với nhau bằng con mộng, làm năm 1879, dưới đời vua Tự Đức năm thứ 32. Nội dung văn bia ghi rõ công danh của Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ Mai Thế Quý và ba bộ câu đối được làm bằng gỗ quý, khảm xà cừ, kích thước đều nhau (2 x 0,28m).

Với những giá trị về văn hóa và lịch sử trên, ngày 29/4/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-UBND công nhận Khu lăng mộ Tiến sĩ Mai Thế Quý là di tích lịch sử văn hóa.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khu-lang-mo-de-tam-giac-dong-tien-si-mai-the-quy-a22382.html