Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hiện nhiều thôn, bản vẫn còn lưu giữ những nếp nhà nguyên sơ - nơi cuộc sống quần cư và nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc còn lưu giữ nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của các thành phần dân tộc thiểu số. Trong đó, một số thôn, bản, bà con đã biết phát huy tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Điển hình tại các thôn vùng hồ Ba Bể như: Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc…, bà con đã thành lập các đội hát then, hát lượn để biểu diễn khi khách đến tham quan, trực tiếp dệt thổ cẩm tại nhà sàn giúp du khách trải nghiệm và sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản mang thương hiệu địa phương để níu chân du khách... Nhờ được hưởng lợi từ khai thác những nét đẹp văn hóa phục vụ du lịch, bà con ở các thôn, bản này ngày càng biết quý trọng, gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống.
Bắc Kạn là tỉnh có tới 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, những nét đẹp đa dạng trong văn hóa của người Tày, Dao, Mông, Sán Chỉ… đang dần trở thành thế mạnh để phát triển du lịch gắn với văn hoá. Lễ hội Lồng tồng tại các địa phương đều trở thành điểm hẹn hằng năm của du khách.
Với 120 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh và 56 di tích nằm trong danh mục kiểm kê; 291 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện, trong đó có 22 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng với nhiều di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, Di tích lịch sử chiến thắng Đèo Giàng... là những “tài sản” vô giá của Bắc Kạn.
Để khai thác, phát huy tốt lợi thế giá trị từ các di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó có nội dung quan trọng là khai thác di sản văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, khai thác thế mạnh nông - lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch thông qua du lịch trải nghiệm nông thôn.
Hiện Bắc Kạn cũng tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường và đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn sau đại dịch Covid-19, các xu hướng tìm về du lịch trải nghiệm, văn hóa đòi hỏi sự đầu tư ngày càng sâu hơn để phát huy giá trị văn hóa của từng sản phẩm, tạo thương hiệu đặc trưng cho từng địa phương. Vì vậy, bên cạnh các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Bắc Kạn cũng định hướng phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó mở rộng các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm đa dạng cho du khách, nâng tầm du lịch tỉnh nhà./.
Theo Cổng TTĐT Bắc Kạn