Vào nhà người Thái Khăng không khen "nong tằm đẹp quá"

Người Thái Khăng ở Kỳ Sơn, Nghệ An tin rằng lời khen "đẹp quá" sẽ khiến tằm trong nong lăn ra chết. Vì thế bà con giấu luôn nong tằm trong bếp, không để khách lạ nhìn thấy.

3-1658212104.JPG
Phụ nữ người Thái Khăng ở Bản Kèo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) luộc kén tằm để kéo sợi Ảnh: Đào Thọ

Bản Kèo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là nơi sinh sống của 40 hộ người Thái Khăng có gốc gác tờ Lào. Bản có truyền thống nuôi tằm dệt thổ cẩm từ lâu đời. Hiện trong bản có tới 35 hộ vẫn miệt mài với nghề truyền thống này. Những người dân nơi đây cho hay, việc dệt thổ cẩm bằng tơ tằm rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Lúc nuôi cần chú ý tới nhiệt độ của nong tằm, ngày lạnh họ thường phơi lên gác bếp để giữ ấm cho tằm. Thức ăn hàng ngày là lá dâu rừng hoặc dâu trồng. 

Chị Kha Thị Ma cho biết: Mỗi tháng nếu chuyên tâm vào dệt thì có thể được 3 - 4 tấm thổ cẩm và bán với giá 700 nghìn/tấm. Công việc tuy nhàn hạ nhưng phải say mê và cẩn thận, nếu sai có thể phải làm lại từ đầu rất mất thời gian. 

Chúng tôi tới nhà ông Vi Văn Bân khi ông chuẩn bị cho tằm ăn. Những nong tằm được cất kín trong gian bếp và che đậy cẩn thận. Thấy khách tới ông vội vàng cất ngay và không để khách kịp nhìn thấy. Thấy lạ và nghĩ rằng có gì đó ông bí mật nên chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc. Đợi khách yên vị bên cốc nước, ông mới giảng giải rằng, đối với người Thái Khăng, trong nghề nuôi tằm dệt thổ cẩm có những tục kiêng kỵ.

1-1-1658212105.JPG
Ngắm bà và mẹ kéo sợi từ thuở ấu thơ là cách học nghề rất đỗi tự nhiên của trẻ vùng cao. Ảnh: Đào Thọ

"Lúc tằm còn nhỏ chúng tôi rất ít khi cho người lạ xem bởi khi xem họ chỉ cần nói một câu "tằm đẹp quá" thì mấy hôm sau chúng sẽ lăn đùng ra mà chết. Ngoài ra, mỗi tháng dân tộc Thái khăng còn phải kiêng 4 ngày không được ngồi vào khung cửi là 7, 15, 22 và 30 (âm lịch) như một số nơi khác", ông Vi Văn Bân cho hay. 

Do vậy, theo ông Bân, dù là người lạ hay người quen, những lúc đang nuôi tằm như thế này gia đình đều rất ít khi cho xem, không phải sợ người ta có ác ý mà chỉ sợ họ lỡ miệng thì coi như mất tiền, mất công nuôi lại từ đầu. Bản thân ông cũng chẳng thể nào lí giải được nguyên nhân từ đâu lại có tục lệ kiêng kỵ này.

Trong khi đó Xốp Thập là bản có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời trên mảnh đất biên viễn huyện Kỳ Sơn. Nơi đây tập trung 100% người Thái Khăng sinh sống. Toàn bản có 105 hộ thì tất cả đều tham gia dệt thổ cẩm. Trung bình mỗi nhà có đến 2 khung cửi và cho thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Theo chị Kha Phôm Ma, vào các ngày mùng 7, 15, 22, 30 (âm lịch) hàng tháng, phụ nữ trong bản không được ngồi vào khung cửi, đàn ông không được lên nương phát rẫy. Tục kiêng kỵ này đã có từ thời xa xưa và không ai được phép làm trái.

Mang sự tò mò trong đầu chúng tôi đến gặp già làng Lương Tểnh Phút để tìm hiểu rõ điều này. Ông Lương Tểnh Phút năm nay tuổi đã ngoại lục tuần nhưng giọng nói còn sang sảng. Ông cho hay, tục kiêng kỵ này chỉ dành riêng cho 4 ngày âm lịch trong tháng, còn những ngày khác thì mọi người vẫn làm việc bình thường. Việc này có từ thời xa xưa khi người Thái khăng đến định cư lập nghiệp ở mảnh đất Kỳ Sơn. 

2-1658212105.JPG
Lúc rảnh rỗi, đàn ông cũng giúp vợ hái dâu cho tằm. Ảnh: Đào Thọ

Theo lời ông kể thì từ thời cha ông, khi bắt đầu có nghề dệt thổ cẩm, vào các ngày trên, người Thái khăng cứ ngồi vào khung cửi là bị ốm đau, có làm ra được sản phẩm mang đi bán cũng không bán được, có khi còn mất mát nhiều hơn. Lên nương phát rẫy thì chặt phải tay chân hay bị thú rừng tấn công. Từ đó, bản làng đặt ra tục kiêng kỵ trong các ngày ấy không ai được làm việc. Tuy nhiên sau này vì cuộc sống mưu sinh nên việc không đi phát rẫy cũng dần được loại bỏ, còn dệt thổ cẩm thì phải tuyệt đối kiêng kỵ.

Đào Thọ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vao-nha-nguoi-thai-khang-khongdung-khen-nong-tam-dep-qua-a22356.html