Trước đó Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển cũng đã có 2 bài viết: “Chuyện lạ kỳ: Đền Khai Long ở Nghệ An thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? và Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An lên tiếng vụ chuyện lạ đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?
Cả 2 bài viết này phản ánh: Khai Long - ngôi đền có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Đông Bíc, xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) được người dân tôn kính gọi là ngôi đền “thiêng”. Đền xuống cấp nghiêm trọng nên mới đây, từ nguồn xã hội hoá của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… chính quyền xã Trung Sơn đã làm lễ khởi công phục dựng ngôi thượng điện đền Khai Long. Tuy nhiên cũng từ sự kiện này mà nảy sinh một băn khoăn cần được làm rõ: Đó là đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? Sau đó khoảng đầu tháng 7/2022 thì bài viết: Đền Khai Long thờ ai? được “ra đời”.
Để khách quan và độc giả có góc nhìn đa chiều, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đăng nội dung bài trao đổi của tác giả Nguyễn Minh Hiền như sau:
Vị hiệu Khai Long Sứ quân là của vị thần nào?
“Trước hết tôi khẳng định rõ ràng rằng, đền Khai Long tại xã Trung Sơn huyện Đô Lương có thờ Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Điều này thể hiện rõ tại các bức sắc hiện còn lưu giữ được tại đền Linh Kiếm thuộc xã Thuận Sơn (huyện Đô Lương) mà từ đền Khai Long chuyển về gửi đền Linh Kiếm khi đền Khai Long bị hư hỏng nặng mà còn thể hiện trong lòng nhân dân xã Trung Sơn.
Vấn đề cần bàn đó là, vị hiệu Khai Long Sứ quân là của vị thần nào?
Thời gian qua có một số ý kiến cho rằng đền Khai Long tại xã Trung Sơn có thờ ông Ngô Xương Xí. Vậy, vị hiệu ông Ngô Xương Xí là gì? Thực sự thì ông có được thờ tại đền Khai Long hay không? Điều quan trọng cần làm rõ vị hiệu Khai Long Sứ Quân là của ai thì tác giả không hề đề cập đến. Theo suy nghĩ của tôi thì Khai Long sứ quân không phải vị hiệu của Ngô Xương Xí vì các lí do sau:
Lịch sử biết đến Ngô Xương Xí là vị đứng đầu của 1 trong 12 sứ quân, không phải là vị quan thần của triều đình. Do đó khó có được triều đại phong kiến nào suy tôn phong sắc. Trước khi loạn 12 sứ quân thì Ngô Xương Xí không phải là người trực tiếp tranh giành ngôi báu với cậu là Dương Tam Kha và khi đó ông cũng đang ở độ tuổi 20. Trong loạn 12 sứ quân thi ông là thủ lĩnh của 1 trong 12 sứ quân, đó là sứ quân Bình Kiều. Địa bàn Bình Kiều nay là vùng đất thuộc huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, cách rất xa huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Sau khi ông quy thuận Đinh Bộ Lĩnh, về dưới triều của Đinh Tiên Hoàng, đất nước kết thúc giai đoạn loạn 12 sứ quân thì ông cũng về ở ẩn vùng miền tây Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa). Như vậy tầm ảnh hưởng của ông khó mà ảnh hưởng đến vùng đất Đô Lương ngày nay.
Tuy nhiên, trong khi loạn 12 sứ quân, Ngô Xương Xí là thủ lĩnh của 1 sứ quân trong đó nên được gọi là Ngô Sứ Quân (吳使君), nhưng Ngô Sứ Quân khác hoàn toàn với Khai Long Sứ Quân (開隆使君). Không nên nhầm lẫn chỗ này.
Về mặt ngôn ngữ, Ngô Sứ quân là ông họ Ngô đứng đầu sứ quân, còn Khai Long Sứ quân có hai cách hiểu: Cách thứ nhất là vị sứ quân (tương tự như vị sứ thần) có hiệu là Khai Long. Cách hiểu thứ hai là vị sứ quân (hay sứ thần) của đền Khai Long. Tuy hiểu theo cách nào thì Khai Long Sứ quân vẫn không phải là Ngô Sứ quân.
Theo Quảng Phước, sắc phong sớm nhất cho Khai Long Sứ quân là vào năm 1633, vậy nếu đây là sắc phong cho Ngô Xương Xí thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong hơn 600 năm trước đó (ông mất khoảng năm 968) ông Ngô Xương Xí không có bản sắc phong nào?
Theo ông Từ tại đền Linh Kiếm, hiện đền Linh Kiếm đang lưu giữ nhiều sắc phong, nhưng số sắc phong của đền Trung Sơn gửi tại đền Linh Kiếm chỉ là 12 đạo. Trong số 12 đạo sắc đó không có đạo “sắc phong cho Khai Long Sứ Quân đời Lê được biên soạn năm Phúc Thái thứ 7 (1649)” như Quảng Phước đã viết.
Trong khi đó, Quảng Phước thống kê tại đền Linh Kiếm có 31 đạo sắc liên quan đến Khai Long Sứ quân và Thái phó Tấn Quốc công gồm: 22 sắc phong cho Khai Long Sứ quân, 6 sắc phong cho Thái phó Tấn Quốc công và 3 sắc phong chung cho cả 2 ông. Như vậy, bằng một phép toán chúng ta thấy có 19 đạo sắc chắc chắn của các ngôi đền khác mà Quảng Phước cũng thống kê vào đây để suy diễn lung tung.
Trong 12 đạo sắc của đền Khai Long gửi tại đền Linh Kiếm chỉ có 3 đạo sắc phong cho Khai Long Sứ quân, 6 đạo sắc phong cho Thái phó Tấn Quốc công và 3 đạo sắc phong chung cho cà Thái phó Tấn Quốc công và Khai Long Sứ quân. Như vậy có 19 trong số 22 đạo sắc phong cho Khai Long Sứ quân là của đền khác cùng gửi vào đền Linh Kiếm.
Ví dụ: Hai bức sắc sau cùng phong chung cho Thái phó Tấn Quốc công và Khai Long Sứ quân.
NGUYÊN VĂN
敕 旨 乂 安 省 梁 山 縣 純 忠 社 従 前 奉 事 俊 邁 剛 忠 端 亮 光 懿 兵 部 尚 書 太 傳 晉 府 君 謚 謙 謹 中 等 神 玄 嘏 純 禧 妙 感 純 正 開 隆 使 君 之 神 節 經 頒 給 敕 封 準 其 奉 事 嗣 德 三 十 一 年 正 値 朕 五 旬 大 慶 節 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩 特 準 許 依 舊 奉 事 用 誌 國 慶 而 伸 祀 典 欽 哉
嗣 德 叁 拾 弎 年 拾 壹 月 貳 拾 肆 日
PHIÊN ÂM
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý, Binh bộ thượng thư Thái phó Tấn phủ quân, thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần, Huyền hỗ, Thuần hy, Diệu cảm, Thuần chính Khai Long sứ quân chi thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự, Tự Đức tam thập nhất niên, Chính Trị, trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.
DỊCH NGHĨA
Sắc chỉ cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân, tên thụy là Khiêm Cẩn, vị Thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý, Huyền hỗ, Thuần hy, Diệu cảm, Thuần chính Khai Long sứ quân. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Nay năm thứ 31 niên hiệu Tự Đức, nhân dịp đại lễ mừng thọ 50 của trẫm, nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự.
Kính thay!
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).
Một bức sắc khác:
NGUYÊN VĂN
敕 俊 邁 剛 忠 端 亮 光 懿 兵 部 尚 書 太 傳 晉 府 君 謚 謙 謹 中 等 神 玄 嘏 純 禧 妙 感 純 正 開 隆 使 君 之 神 向 來 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 節 蒙 頒 給 敕 封 留 祀 肆 今 丕 膺 耿 命 緬 念 神 庥 可 加 贈 翊 保 中 興 各 等 神 仍 準 許 乂 安 省 梁 山 縣 純 忠 社 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民 欽 哉
同 慶 貳 年 柒 月 初 壹 日
PHIÊN ÂM
Sắc Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý, Binh bộ Thượng thư Thái phó Tấn phủ quân, thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần, Huyền hỗ, Thuần hy, Diệu cảm, Thuần chính Khai Long Sứ quân chi thần, hướng lai hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực bảo Trung hưng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Thuần Trung xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.
DỊCH NGHĨA
Sắc ban cho vị Trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, vị Thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý Khai Long sứ quân, từ trước tới nay bảo vệ nước che chở dân, linh ứng rõ rệt, đã được ban tặng sắc phong để thờ. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, trông lại sự che chở của thần, đáng được tặng phong là Vị đẳng thần Dực bảo Trung hưng, vẫn chuẩn cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân ta.
Kính thay!
Ngày 01 tháng 7 năm 1886 (Đồng Khánh thứ 2).
Ngoài ra, với bài viết của Quảng Phước tôi có một số ý kiến sau:
Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kết luận
Trao đổi của ông Nguyễn Minh Hiền ở số nhà 13, ngõ 1, đường Nguyễn Huy Oánh (khối 8, phường Trường Thi, TP. Vinh, Nghệ An, hiện là giảng viên trường Đại Học Vinh). Trong bài viết có đoạn:
Những điều rút ra từ những tài liệu trên:
1. Thần Khai Long Sứ Quân là vị thần được thờ tại xã Thuần Trung từ trước năm 1633, trước cả Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Sắc phong sớm nhất cho Khai Long Sứ Quân là năm 1633, trong khi đó sắc phong sớm nhất cho Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là năm 1783, cách nhau 150 năm”.
Tác giả lấy mốc năm 1633 để viết rằng “sắc phong cho Khai Long sứ quân có trước sắc phong cho Thái Phó Tấn Quốc công” là không hề hiểu biết gì về vị trung thần Thái Phó Tấn Quốc công này. Xin thưa Thái phó Tấn Quốc công sinh năm 1521 và mất năm 1576, tức là mất trước năm 1633 là 57 năm.
Dựa trên những sắc phong còn giữ được để nói, sắc phong cho Khai Long Sứ quân có trước sắc phong cho Thái phó Tấn Quốc công là không chấp nhận được vì trước đó còn có nhiều sắc phong nhưng đã bị thất lạc hoặc hư hỏng.
Ví dụ: Sau khi Thái phó Tấn Quốc công mất, nhà vua đã có những sắc phong cho ông trước cả năm 1633 như sau:
Sắc phong năm 1576 về việc cho xây dựng phủ thờ ông tại xã Phong Sơn nay thuộc xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương.
Năm 1602 vua có sắc phong cho xây dựng đền Tràng Sơn thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương để thờ ông.
Cũng năm đó nhà vua có sắc phong cho xây phủ Đàng Cao nay thuộc xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương để thờ ông.
Tất cả các đền thờ và phủ thờ này, đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Như vậy Thái phó Tấn Quốc công có rất nhiều sắc phong trước năm 1633, tiếc rằng số sắc phong cho ông tại đền Khai Long chỉ còn bức sớm nhất là vào năm 1783. Có thể hiểu các bức sắc phong trước đó đã bị hư hỏng hoặc thất lạc.
2. Đối với những đạo sắc có ghi cả Khai Long Sứ quân và Thái Phó Tấn Quốc công thì tác giả cho rằng, do ngân khố quốc gia bị hạn chế nên việc ban sắc phong cho các vị thần phải ghi chung là không hợp lí. Cả Quốc gia mà viết tờ sắc vẫn phải tiết kiệm thì không có triều đại nào như thế cả. Theo cách hiểu của Quảng Phước thì, tại sao vị đại thần có đức, có tài đời nhà Trần là Nguyễn Trung Ngạn, đang được thờ tự tại đền Linh Kiếm cũng thuộc xã Thuần Trung xưa (nơi hiện đang cất giữ các đạo sắc) không được đưa vào chung trong một sắc phong với đền Khai Long đó.
3. Bài viết có đưa thông tin về đền Côi thờ Thái phó Tấn Quốc công. Ý của Quảng Phước là, Thái phó Tấn Quốc công đã được thờ ở đền Côi thì không thờ ở đền Khai Long, như vậy thì rất sai lầm vì: Thái phó Tấn Quốc công là người có công rất lớn dưới triều Lê Trung Hưng. Sau khi ông mất, ông được nhân dân lập nhiều đền thờ. Tại huyện Nam Đàn có 6 ngôi đền thờ ông, trong đó có 2 ngôi đền thờ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa đó là đền Hồ Sơn tại Thị trấn Nam Đàn và đền Trung Chính tại xã Nam Lĩnh. Tại huyện Thanh Chương có 15 ngôi đền thờ và phủ thờ thờ ông, trong đó có đền Hữu tại xã Thanh Yên, phủ Đàng Cao tại xã Thanh Văn và phủ Phong Sơn tại xã Thanh Phong đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Còn ở huyện Đô Lương có các ngôi đền thờ ông như sau: Đền Tràng Sơn tại xã Tràng Sơn, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Đền Phú Thọ tại xã Lưu Sơn, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Đền Côi tại xã Thuận Sơn. Đền Khai Long tại xã Trung Sơn. Do đó, không nên nghĩ Thái phó Tấn Quốc công đã được thờ tại đền Côi, thì không thờ tại đền Khai Long thuộc xã Trung Sơn.
4. Trong bài viết, Quảng Phước đã cố gắng đưa ra khá nhiều tư liệu, tưởng chừng là để thuyết phục người đọc, nhưng thực chất nhằm chuyển hướng vấn đề tránh khỏi câu hỏi “Vị hiệu Khai Long Sứ quân là ai?”.
5. Tuy tựa đề của bài báo do Quảng Phước đặt ra là “Đền Khai Long thờ ai?” nhưng bài viết của Quảng Phước lại không khẳng định được đền Khai Long thờ ai vì, Quảng Phước chỉ viết đền Khai Long thờ Khai Long Sứ quân, nhưng Khai Long Sứ quân là ai thì Quảng Phước lại không khẳng định được.
Trong nhiều tư liệu cho thấy, đền Khai Long xuất hiện gắn liền với một truyền thuyết con rồng trắng. Theo đó thì Khai Long Sứ quân là một vị Thiên thần chứ không phải nhân thần. Do đó, đền thờ là thờ vị Thiên thần Khai Long Sứ quân và vị nhân thần Thái phó Tấn Quốc công. Việc phối thờ hai vị thần trong cùng một ngôi đền có thể hiểu như sau:
Ban đầu mỗi vị thần có một ngôi đền thờ riêng, nhưng do thời gian mà một trong hai ngôi đền bị hư hỏng nặng, nhân dân buộc phải chuyển linh vị của ngôi đền bị hư hỏng về ngôi đền còn lại để phối thờ. Việc phối thờ này xảy ra trước năm Tự Đức thứ 33 (1880), vì đến năm đó nhà vua Tự Đức đã có sắc phong chung cho cả hai vị thần trong cùng một ngôi đền.
6. Thể hiện qua bài viết tôi thấy Quảng Phước là người có chuyên môn, thông thạo chữ Hán, nhất là chữ Hán cổ. Những mong ông/bà là nhà trí thức cần có tâm trong sáng, tôn trọng lịch sử, xử lí vấn đề luôn khách quan, nhất là vấn đề tâm linh. Nhưng trong bài viết, Quảng Phước lại “bóp méo” sự thật lịch sử, từ ngôi đền phối thờ hai vị thần là Khai Long Sứ quân và Thái phó Tấn Quốc công thì Quảng Phước cho rằng đền Khai Long chỉ thờ Khai Long Sứ quân là vi phạm nghiêm trọng đạo đức tâm linh. Việc đền Khai Long phối thờ hai vị thần còn có cả trong tư liệu lịch sử, đó là các đạo sắc nói trên và trong lòng nhân dân xã Trung Sơn.
Tóm lại: Với những tư liệu hiện có đủ để khẳng định rằng, đền Khai Long tại xã Trung Sơn có thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, còn vị hiệu Khai Long sứ quân là của vị thần nào, tôi đề nghị các ban ngành, cơ quan chức năng sớm vào cuộc kết luận vấn đề này.
Tuệ Minh