Chuyện về Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Trần hiến thân cho thủy thần vì giang sơn, xã tắc

Làng Láng Động Thượng, huyện Lôi Dương nay là làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn truyền tai nhau câu chuyện người vợ 3 của vua Lê Lợi là Phạm Thị Ngọc Trần đã tự nguyện hiến thân cho thủy thần, giúp chồng đánh giặc, xưng vương.

ngoc-tran-1-1657962863.jpg
Cung từ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Trần ở làng Thượng Vôi, Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa 

Theo chân nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng, chúng tôi đến thăm Cung từ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Trần tại làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân. Ngôi đền mới được duy tu, sửa chữa khang trang, rộng rãi.

Trong cuốn “Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Trần” của tác giả Hoàng Hùng, bà Trần Thị Ngọc Trần sinh năm Bính Ngọ 1386 (sau này họ Trần đổi thành họ Phạm) là con gái Trần Hoành, chị gái Khai quốc công thần Trần Vận. Bà là người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (có sách chép là Quần Đội) nay thuộc xã Diên Thọ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Cho đến giờ chưa có một nghiên cứu ghi rõ bà làm vợ của vua Lê Lợi như thế nào, song có truyền thuyết kể rằng: Một lần, Lê Lợi sang sông, trời đã nhập nhoạng tối, sương giăng khắp ngả mặt sông, bãi mía, bỗng thấy thấp thoáng nương dâu, một người con gái đang thoăn thoắt hái lá. Tò mò lại gần, thì thấy một thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ, đáng bậc phu nhân, hoàng hậu.

Lê Lợi hỏi ra, mới biết người con gái ấy họ Trần, húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai. Ông liền hỏi cưới làm vợ.

ngocc-tran-22-1657962876.jpg
Đền thờ mới được sửa sang bằng nguồn xã hội hóa và ngân sách

Khi Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian lao nguy hiểm. Năm Ất Tỵ (1425) Lê Thái Tổ vây đánh thành Nghệ An, đánh đến Triều Khẩu ở Hưng Nguyên bây giờ, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông, trời đang nắng bỗng nổi giông tố mù mịt, sông nổi sóng ba đào, quân lính ngựa voi không tài nào qua sông được.

Lê Lợi cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Sông này thờ thần Giản Hộ, cứ ba năm lại phải hiến một người con gái. Mấy năm nay loạn lạc, dân tình bỏ đi nơi khác nên việc cúng tế bỏ trễ”.

Lê Lợi nói: “Ta dựng cờ khởi nghĩa vì dân, nhiều năm nay bá tính bị giặc Minh giết, cướp gây bao tai ương, tang tóc, há lại bắt thêm một người đân vô tội chết sao?”. Nói rồi ông cho hạ trại đóng quân tìm kế khác.

Đêm ấy, Lê Lợi không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Gần sáng, thì mơ thấy vị thần đến bảo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”.

Hôm sau, vua gọi các vợ đến kể lại giấc mộng. Rồi ông bảo: “Có ai chịu hiến mình làm vợ thần Giản Hộ không? Sau này lấy được nước, ta sẽ lập con của người đó làm Thiên Tử”.

Các bà phi không ai nói gì, chỉ có bà Trần Thị Ngọc Trần xin tự nguyện hiến thân: “Nếu Minh Công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân vì nước. Sau này làm nên nghiệp lớn, chớ có phụ thiếp”.

ngocc-tran-3-1657962886.jpg
Người dân địa phương cho rằng dưới dòng sông chu gần ở ngôi đền thờ có một ngôi mộ cổ nghi là mộ của bà Phạm Thị Ngọc Trần

Nhà vua khen ngợi, thương cảm, nói với các tướng, nhận theo lời hẹn đó, lại sai các quan lấy bút ghi vào vạt áo, để sau này khi đã nên nghiệp lớn có quên thì nhắc nhở. Lúc này hoàng tử Nguyên Long được 3 tuổi. Vua sai làm lễ tế thần, dùng bà Ngọc Trần làm vật tế. “Hoàng hậu bèn mất. Đó là vào ngày 24 tháng 3”. Sự tích về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần được sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép lại tường tận.

Vào năm 1433, khi vua Thái Tổ còn sống, ông đã sai Lê Cố, người ở động Nhân Trầm, cùng 500 quân sĩ rước mộ bà từ Triều Khẩu (Nghệ An) về Lam Kinh. Linh cữu về đến chợ Mía, thuộc làng Thịnh Mỹ thì trời nổi giống gió, không qua sông được, quân tướng đành hạ trại nghỉ qua đêm, chờ hôm sau sang sông.

Sáng hôm sau, mối đã phủ lên quan tài như một nấm mồ lớn. Lê Cố thấy sự lạ, liền báo với Lê Lợi. Vua nghĩ ý bà muốn nằm lại chỗ đó, liền sai lập mộ tại chợ Mía. Khi Lê Thái tổ mất, Lê Nguyên Long lên ngôi vua (tức Vua Lê Thái tông) và truy tôn mẹ là Cung từ Quốc Thái Mẫu.

Đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) sông Chu đổi dòng, mộ Hoàng Thái hậu bị sạt lở, quan tài trôi xuống làng Láng Động Thượng (nay là làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa) và được nhân dân mai táng, lập đền thờ gọi là Cung Từ Quang Mục Quốc Thái mẫu Hoàng thái hậu.

Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần mất ngày 24 tháng 3 âm lịch, năm Ất Tỵ (1425). Để tôn vinh và ghi nhớ sự hy sinh của người anh hùng liệt nữ, Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ bà, như: Đền thờ ở xã Triều Khẩu (nay là xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An); đền thờ ở làng Quần Đội, xã Thọ Diên (Thọ Xuân); đền thờ ở làng Thượng Vôi, nay thuộc xã Xuân Hòa (Thọ Xuân); thờ ở Thái miếu Lam Kinh (Thọ Xuân), thờ ở Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).

ngoc-tran-2-1657962930.jpg
Nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng đã giành nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Thái ậu Phạm Thị Ngọc Trần

Nói về phần mộ của bà, nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng cho biết, năm 2017 người dân chài lưới phất hiện một khối đá nhô lên giữa dòng sông Chu nghi là mộ của bà Phạm Thị Ngọc Trần. Ông cùng chính quyền đã chèo thuyền ra giữa dòng sông, lặn xuống kiểm tra, có thể nhận thấy một khối hình chữ nhật trồi lên khỏi đáy sông. Mặt khối “hợp chất” đó phẳng lỳ, lộn nhộn ram ráp như kiểu bê tông trộn sỏi. Sau khi khảo sát, gửi hợp chất đi nghiên cứu thì các nhà nghiên cứu kết luận đó là thiên thạch.

“Để khẳng định đây là ngôi mộ hợp chất, thì cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học. Song, nếu đây là ngôi mộ hợp chất, thì tôi chắc chắn đó là mộ của bà Trần Thị Ngọc Trần, bởi không chỉ sách vở ghi chép, mà truyền thuyết dân gian vẫn kể chi tiết về ngôi đền và mộ bà luôn ở cạnh nhau. Đứng ở chỗ mộ bà giữa lòng sông, thì rõ ràng ngôi đền di chuyển vào phía trong không xa lắm” - ông Hoàng Hùng nói thêm.

Hồng Hạnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ve-hoang-thai-hau-pham-thi-ngoc-tran-hien-than-cho-thuy-than-vi-giang-son-xa-tac-a22326.html