Đến bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi đông đảo đồng bào Mông định cư chợt nghe từ phía nhà bên tiếng thầy mo đánh chiêng làm lễ. Chúng tôi xin phép gia chủ bước chân vào để xem và ngạc nhiên khi thấy thầy mo dùng vỏ cây lanh bện một sợi dây dài chừng 7 - 8 mét. Trên sợi dây có gắn những chiếc dao nhọn bằng gỗ. Vừa cầm dây lanh trong tay, thầy mo vừa say sưa với bài cúng.
Thấy chúng tôi tò mò, già làng Lầu Xáy Phia giải thích: Trong các lễ cúng của người Mông, sợi lanh là thứ không thể thiếu. Ngày trước, lanh được dùng để đan quần áo, giày dép cho người sống và người đã khuất. Bây giờ no đủ rồi không ai mặc đồ từ sợi lanh nữa nhưng trong lễ cúng thì vẫn không thể thiếu. Sợi lanh bện chặt với ngụ ý mong muốn mọi người đoàn kết, đi đâu cũng phải nhớ về nhau để tìm về với cội nguồn.
Già làng Lầu Xáy Phia cho hay: Người Mông địa phương có truyền thuyết kể rằng, thuở xưa tổ tiên người Mông, ở trong một hang đá nọ có 2 anh em họ Lầu sinh sống là Lầu Tu Vàng và Lầu Gủa Pà. Họ vẫn ăn lông ở lổ, không biết dùng cây rừng để làm quần áo mặc. Suốt 17 năm trời, họ cứ như vậy mà lớn lên. Và rồi Lầu Tu Vàng đến lúc lập gia đình. Tu Vàng hỏi cha mẹ mình là Rồng Xanh và Rồng Trắng thì được vợ chồng nhà Rồng bảo phải lên trời xin hạt cây lanh về trồng rồi tước sợi dệt vải may quần áo. Trải qua bao khó khăn, cuối cùng Lầu Tu Vàng cũng đã mang được hạt lanh từ trời trở về và gieo xuống đất. Khi cây lanh lớn, hai anh em tước sợi, dệt thành quần áo, giày dép. Anh em nhà họ Lầu còn biết ghè đá mài thành dao, cuốc, rèn đồng, rèn sắt. Lầu Tu Vàng dùng sợi lanh đi đánh bẫy bắt thú rừng về làm thức ăn và thuần hóa thành vật nuôi. Người anh còn dùng sợi lanh làm dây nỏ đi săn. Nhờ cây lanh mà cuộc sống đỡ vất vả.
Trong quá trình trốn tránh kẻ thù và di cư từ Trung Quốc về Việt Nam cách đây hàng trăm năm, người Mông đã phải trải qua vô vàn khó khăn và nguy hiểm. Các già làng người Mông đến nay vẫn còn lưu truyền cho con cháu mình những câu chuyện về cuộc thiên di ấy. Ông Lầu Xáy Phia kể rằng: Người Mông phải qua nhiều núi cao, khí hậu lạnh và sâu gai và để bảo vệ đôi chân, người ta lấy vỏ cây lanh tước sợi đan thành dép. Những đôi dép bằng sợi lanh đã giúp người Mông vào sâu trên chặng đường thiên lý. Kể từ đó, người Mông khi chết đi, dù già hay trẻ, trai hay gái đều lấy vỏ sợi lanh đan dép để linh hồn về với tổ tiên. Cộng đồng này tin rằng, chỉ có sợi lanh đan thành dép thì người đã khuất mới được siêu thoát.
Những ngày cuối tuần, đến với chợ phiên Việt - Lào thuộc xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn - Nghệ An), không khó để bắt gặp phụ nữ Mông đang chăm chút những sợi lanh trong tay để bán cho khách. Người Mông không chỉ mua sợi lanh để dùng trong đời sống tâm linh mà còn được bện lại rồi làm dây nỏ.
Đến bây giờ, trong chiếc nỏ của người Mông vẫn không có một loại dây nào thay thế được dây lanh bởi độ bền và sự chắc chắn của nó. Những người chuyên săn bắn trên núi còn tin rằng, sợi lanh khi được dùng làm dây nỏ sẽ được tổ tiên phù hộ và săn được nhiều thú rừng hơn. Bởi vậy, cộng đồng này có một tục lệ rất khác biệt, ấy là cứ mỗi lần đi săn được con thú nào họ lại lấy một sợi lông dính vào nỏ như một nghi thức để thể hiện sự biết ơn đối với thần linh và tổ tiên mình.
Đào Thọ
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cay-lanh-trong-doi-song-nguoi-mong-a22315.html