Đền thờ Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng

Đền thờ Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng trước thuộc làng Phong Phú, nay là thôn Vĩnh Long, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

1-1657698134.jpg
Đền thờ Trương Quốc Dụng. Ảnh: Viết Hải

Trương Quốc Dụng sinh ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức 05/01/1802) dưới triều vua Cảnh Thịnh – Tây Sơn. Nhưng theo nhiều tài liệu như: Quốc triều đăng khoa lục, Từ điển văn hóa, Việt Nam danh nhân từ điển, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Từ điển văn học Việt Nam… ghi ông sinh năm Đinh Tỵ (1797).

Thuở nhỏ ông có tên là Khánh, tự Dĩ Hành, tên chữ Nhu Trung, bẩm sinh nổi tiếng “thần đồng”. Năm 25 tuổi đậu Cử nhân và 29 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1829). Vốn học của ông rất rộng bao gồm cả từ chương lẫn nghĩa lý nên sớm trở thành người có nội lực và bản lĩnh lớn. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ Tri phủ Tân Bình Gia Định (1830), năm sau được thăng Lang trung bộ Hình. 

2-1657698133.jpg
Trên 4 cột trụ mặt tiền là 2 câu đối chữ Hán, nội dung: “Phong thủy yến di Kim thập đại/ Thạch bi ngật lập cổ tam hà”. Nghĩa là: Ở (vùng sông nước) lặng lẽ, đến nay đã truyền muôn đời/ Bia đá đứng sừng sững bên sông tam hà xưa. “Phong lưu Tạ thị ô y hạng/ Cao đại Vu công tử cái môn”. Nghĩa là: Phong lưu như nhà họ Tạ ở xóm áo đen/ Cao đại như ông Vu cũng có 4 cái cửa. Ảnh: Viết Hải

Tháng 5 năm 1833, Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm giữ thành Phiên An. Triều đình cử Phan Văn Thụy cùng Trương Minh Giảng, Vũ Hữu Thưởng và Trương Quốc Dụng đánh dẹp. Tháng 12 năm 1834, Trương Quốc Dụng cùng Tham tán Đại thần Trương Minh Giảng đánh đuổi quân Xiêm đến tận biên giới. Lập công lớn ông được phong chức Lang trung bộ Hộ (1835) rồi Án sát Quảng Ngãi (1837), Án sát Hưng Yên (1840).

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1842), vua triệu ông về Kinh giao chức Tả Thị lang bộ Lễ, phó chủ khảo khoa thi Hội năm Quý Mão và Chánh chủ khảo khoa thi Hương Nam Định (1843). Năm 1847 thăng chức Tả Tham tri Bộ Công, Phó chủ khảo khoa thi Hội năm Đinh Vị (1847). Tài năng của Trương Quốc Dụng đã được triều đình cân nhắc, xem xét bổ dụng và thực sự được phát huy, nhất là dưới triều vua Tự Đức. Ông được nhà vua ân sủng, ban thưởng và giao nhiều trọng trách, năm Kỷ Dậu (1849) kiêm giữ chức Nhật Giả quan kinh diên (ngày giảng sách cho vua), tháng 4 năm Canh Tuất (1850) kiêm quản Hàn Lâm viện; tháng 5 năm Tân Hợi (1851) phó chủ khảo Chế khoa; tháng 5 năm Giáp Dần (1854) kiêm quản Đô sát viện. Đặc biệt, năm Đinh Tỵ (1857), ông được thăng chức Thượng thư bộ Hình kiêm phó tổng tài Quốc sử quán và năm Canh Thân (1860) kiêm quản Khâm thiên giám. Đó là những trọng trách, rường cột của triều đình và cũng chính trong những năm này, ông miệt mài nghiên cứu, tập trung trí tuệ và làm được nhiều việc để lại cho đời các công trình khoa học và tác phẩm nổi tiếng.

Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1862) Trương Quốc Dụng nhận chức “Thống đốc Hải An quân vụ đại thần”, cầm quân ra vùng đông bắc dẹp bọn hải phỉ Tạ Văn Phụng, tháng 8 ra quân đánh tan bọn giặc, giải vây thành Hải Dương, ông được thăng Hiệp biện Đại học sĩ.

4-1657698133.jpg
Tòa thượng điện. Ảnh: Viết Hải

Năm 1864, Hiệp thống Trương Quốc Dụng, Tán lý Văn Đức Khuê, Tán tướng Trần Huy Sách, Chưởng vệ Hồ Thiện đem quân ra đánh giặc Phụng ở Quảng Yên. Bọn giặc dùng quân thủy bộ vây kín bốn mặt, quân triều đình thua to; Trương Quốc Dụng, Văn Đức Khuê bị tử trận.

Trương Quốc Dụng mất ngày 26 tháng 6 năm Giáp Tý (1864), được vua ban tên thụy là Văn Nghị, truy phong hàm Đông các Đại học sĩ và ban cấp lụa, tiền để đưa quan tài ông về an táng tại quê nhà, vua Tự Đức còn gửi Dụ văn và Chế văn về làng Phong Phú để phúng điếu.

Trương Quốc Dụng đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị về tư liệu và nghiên cứu. Đó là tập thơ chữ Hán: Trương Nhu Trung thi tập, tác phẩm văn xuôi chữ Hán: Thoái thực ký văn, Văn quy tân thể, Khâm định việt sử thông giám cương mục.

5-1657698134.jpg

Đối với quê hương, Trương Quốc Dụng luôn tỏ lòng yêu thương dân, mong muốn đóng góp công sức giúp dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt nỗi gian khó, vất vả luôn đeo bám bao đời nay trong cuộc sống của họ. Tiếp nối ý cha, Trương Quốc Dụng giúp đỡ tiền bạc và vận động nhân dân xã Phong Phú và các vùng lân cận đóng góp sức lực, tiền của, hàn 9 cánh đê hữu ngạn bờ sông Nại thủy, ngăn mặn giữ ngọt bảo vệ đất sản xuất. Ông tổ chức khai hoang ruộng đất cho nhân dân cày cấy góp phần cải thiện đời sống dân nghèo.

Đền thờ Trương Quốc Dụng quay mặt về hướng Tây Nam, phía trước giáp đường làng và ruộng lúa, ba phía còn lại giáp khu dân cư. Góc phải phía trước có nhà thờ họ Trương Quốc đại tôn. 

Đền thờ gồm 3 gian kết cấu vì kèo đơn giản gồm hệ thống xà dọc, xà ngang, xà thượng, cột đấu liên kết với nhau tạo nên sự vững chắc đặt trên các trụ gạch và trụ gắn với tường bao. Mái lợp ngói âm dương. Nội thất gian giữa có bàn thờ Trương Quốc Dụng gồm hương án, long ngai, hai khảm và treo câu đối do vua Tự Đức tặng bằng chữ Hán, có nội dung: “Nho tướng đại danh minh vũ trụ/ Trung thần chính khí tráng sơn hà”. Nghĩa là: Tiếng tăm của vị nho tướng khắc ghi vào vũ trụ/ Chính khí của người tôi trung làm rạng rỡ núi sông.

3-1657698133.jpg
Bia đá khắc thông tin về Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng nằm trong khuôn viên đền thờ. Ảnh: Viết Hải

Năm 2012, hậu duệ họ Trương Quốc xây dựng bổ sung thượng điện phía sau để thờ tự, kiến trúc theo kiểu Huế.

Phần mộ của Trương Quốc Dụng nằm trên đồi cát chạy dọc thôn Tây Hồ, xã Phong Phú (Thạch Khê ngày nay). Bên cạnh mộ Trương Quốc Dụng là mộ Thân mẫu và mộ chính thất phu nhân.

Với những đóng góp to lớn cho nền văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh giữ nước, ngày 22/01/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 298/2009/QĐ-BVHTTDL xếp hạng đền thờ, mộ Trương Quốc Dụng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-tho-dong-cac-dai-hoc-si-truong-quoc-dung-a22275.html