Bảo tồn và phát huy di sản đờn ca tài tử: Cần sự tích cực chung tay góp sức

Từ năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo thống kê năm 2020, TP.HCM có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với 3.017 thành viên, khá đông so với các tỉnh thành Nam bộ khác.

screenshot5-16575080279081808806016-1657541721.jpg
Nghệ thuật đờn ca tài tử được biểu diễn phục vụ khách tham quan tại phố đi bộ Nguyễn Huệ trong sự kiện Ngày hội văn hóa đọc năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Xây dựng thế hệ kế thừa

Những tiếng đờn, lời ca ngọt ngào được biểu diễn bởi một đội đờn ca tài tử còn rất trẻ - đó là nhóm Cội Xưa do Thạc sĩ Phạm Thái Bình – Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam xây dựng. Theo anh Bình, để bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử, việc đầu tiên cần làm là phát hiện và đào tạo đội ngũ trẻ kế thừa. Ngay từ 10 năm trước anh đã bắt đầu quan tâm đến công tác này.

hạc sĩ Phạm Thái Bình đánh giá, TP.HCM là vùng đất hội tụ nhiều người trẻ từ các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ về học tập, sinh sống, trong đó có nhiều người xuất thân từ các gia đình có truyền thống đờn ca tài tử.

Tại TP còn có Đại học Sân khấu điện ảnh với khoa Kịch hát – Nhạc dân tộc và Nhạc viện TP.HCM với khoa Âm nhạc dân tộc, nên có nguồn lực lượng trẻ đầy tiềm năng để kế thừa đờn ca tài tử. Vấn đề là phải phát hiện, tìm kiếm những em có năng khiếu, có đam mê, sau đó bồi dưỡng, đào tạo thêm để tạo thành những đội hình biểu diễn chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng đương đại. 

"Nhóm Cội Xưa được tôi xây dựng từ khi các em còn nhỏ vì muốn di sản tồn tại và có phong trào mạnh, phải có lực lượng kế thừa. Ở đây có nhiều thầy cô giỏi nghề, nhiều nghệ nhân giỏi, có giới chuyên gia, nhà nghiên cứu,.. giúp nhiều cho TP trong việc đào tạo.Với hoạt động truyền dạy, mỗi năm tôi đều mở các lớp đờn ca tài tử, với các độ tuổi khác nhau, trong đó có cả các em thiếu nhi", Thạc sĩ Phạm Thái Bình cho hay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia văn hóa cho rằng, để bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử, còn cần đào tạo thế hệ khán giả hiểu biết và có thể thưởng thức loại hình này. TP có thể làm điều đó bằng cách đưa âm nhạc dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử vào giới thiệu, giảng dạy trong các trường học.

screenshot6-16575081365101769710856-1657541762.jpg
Biểu diễn đờn ca tài tử trong sự kiện Hội hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" ở bến Bình Đông, Quận 8. (Ảnh: NVCC)

Làm mới để phù hợp với thời đại

NSƯT - Thạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên Trưởng Khoa Nhạc dân tộc - Nhạc viện TP.HCM là người từng tham gia dàn dựng nhiều tiết mục đờn ca tài tử cho các chương trình lớn của TP như "Báu vật đất phương Nam", hội hoa xuân "Trên bến dưới thuyền".

Ông cho rằng, TP cần tổ chức nhiều chương trình biểu diễn đờn ca tài tử hơn, nhất là lồng ghép trong các sự kiện văn hóa, lễ hội. Tuy nhiên, khi tổ chức cần phải có tư duy làm mới, sao cho gần gũi, dễ tiếp nhận hơn với công chúng.

Về nội dung, ngoài những bài bản cổ, quen thuộc thì nên phổ biến các bài ca mới có nội dung phản ánh hơi thở đời sống hiện đại như: ca ngợi sự đổi mới, phát triển quê hương đất nước, ca ngợi những con người mới,... Trang phục, hình thức biểu diễn, dàn dựng các tiết mục cũng cần thay đổi, sáng tạo để phù hợp với các không gian biểu diễn nghệ thuật mới.

"Đờn ca tài tử có hình thức biểu diễn xuất phát là chỉ trong một gia đình hoặc một nhóm người, hay ở một hội đình đám đơn giản. Nhưng ngày nay khi xã hội phát triển, khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc nghệ thuật phát triển thì sinh ra nhiều không gian, ví dụ như không gian là lễ hội lớn, thì mình phải đổi mới về hình thức biểu diễn, phải mời đạo diễn tới để dàn dựng một chương trình có đèn chiếu, có âm thanh nổi, có hình chiếu 3D,... như vậy mới hay", NSƯT - Thạc sĩ Huỳnh Khải phân tích.

Góp phần trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của đờn ca tài tử, một số khu du lịch ở TP.HCM đã đưa bộ môn nghệ thuật này vào biểu diễn phục vụ du khách. Điển hình như tại Làng du lịch Bình Quới, vào các ngày cuối tuần sẽ có đờn ca tài tử kết hợp trong chương trình buffet ẩm thực "Khẩn hoang Nam Bộ".

Bà Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới chia sẻ: "Ở đây, khách thưởng thức những món ăn đặc trưng Nam bộ trong một không gian cũng đậm chất Nam bộ với những chiếc thuyền, chiếc ghe,... như du khách vẫn gọi là "những nét quê giữa lòng thành phố". Từ những đặc trưng đó, tôi bố trí phần hội là đờn ca tài tử cải lương. Khách rất hưởng ứng chương trình này, có nhiều khi cũng lên giao lưu, ca tài tử với các nhạc công".

Bảo tàng Áo dài TP.HCM cũng vừa thử nghiệm tổ chức các đêm giao lưu đờn ca tài tử vào ngày Rằm tại TP. Thủ Đức và một chương trình thể nghiệm "áo dài và đờn ca tài tử" tại phòng triển lãm ở Quận 1. Cả 2 chương trình đều được đánh giá cao, thu hút khá đông khách tới thưởng thức.

Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng áo dài TP.HCM cho biết: "Bảo tàng đang thể nghiệm sau khi tham quan ở Áo Dài Exhibition, khách sẽ thưởng thức một chương trình nghệ thuật ngắn khoảng 30-40 phút. Trong đó các lời ca sẽ được dịch sang tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hoa,... chẳng hạn. Đồng thời sẽ có phần giới thiệu cho khách về từng loại hình di sản. Bảo tàng hy vọng như vậy thì khách sẽ tiếp thu được và yêu thích".

TP.HCM có rất nhiều lợi thế để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đờn ca tài tử. Để làm tốt công tác này, cần sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt hơn của Sở Văn hóa – Thể Thao, Sở Du lịch TP và các đơn vị đồng hành khác./.

Theo VOV.VN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-va-phat-huy-di-san-don-ca-tai-tu-can-su-tich-cuc-chung-tay-gop-suc-a22255.html